Chú Trọng Phát Triển Thêm Nguồn Giống Mới

Nhiều năm qua, Trung tâm Ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao tỉnh Đồng Tháp (tiền thân là Trung tâm giống nông nghiệp Đồng Tháp) thường xuyên tổ chức nghiên cứu, khảo nghiệm chọn ra những giống lúa tốt và mới, có triển vọng để bổ sung hiệu quả vào bộ giống lúa sản xuất của tỉnh. Ngoài ra, Trung tâm còn phục tráng những giống lúa đã bị thoái hóa nhằm cung ứng kịp thời nhu cầu bà con nông dân.
Vụ lúa năm nay được dự đoán là khó khăn do sự khắc nghiệt của thời tiết, kéo theo là dịch bệnh bùng phát. Tuy nhiên, theo chị Lê Ngọc Hoa - Phó Phòng Quản lý chứng nhận chất lượng giống cây trồng - Trung tâm Ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao tỉnh, chia sẻ: “Đây là năm công tác sản xuất lúa giống gặp nhiều khó khăn ngay từ đầu vụ đến khi sắp thu hoạch. Trong điều kiện khó khăn đó, Trung tâm nghiên cứu, chọn lọc sản xuất và cho ra đời những giống lúa chất lượng, có khả năng kháng sâu bệnh và thích nghi với điều kiện sản xuất của tỉnh”.
Với tổng diện tích sản xuất 7ha lúa tại Trại giống An Phong (xã An Phong, huyện Thanh Bình), vụ lúa năm 2014, Trung tâm Ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao tỉnh tiến hành nghiên cứu khảo nghiệm trên 35 giống lúa mới (chủ yếu là lúa thuần). Song song đó, Trung tâm tổ chức trình diễn 18 giống lúa nhằm tìm ra những giống lúa thật sự triển vọng. Trong năm, Trung tâm đã tiến hành lai tạo thành công 3 giống lúa: ĐTS4, ĐTS9, ĐTS19.
Để bảo đảm nhu cầu sử dụng giống của nông dân, Trung tâm thực hiện nghiên cứu sản xuất và cung ứng các loại giống cấp nguyên chủng và siêu nguyên chủng được người dân ưa chuộng gồm: OM 6976, OM 4900, OM 6162, OM 5451, IR 50404, VD 20, jasmine 85... Đồng thời, phục tráng làm thuần 12 giống lúa phổ biến như: VD 20, OM 6976, OM 4900, OM 5451...
Chị Lê Ngọc Hoa cho biết thêm: “Vụ đông xuân 2014 - 2015, qua nghiên cứu, khảo nghiệm, Trung tâm đã cho ra các giống phát triển rất tốt. Đặc biệt nhiều giống có khả năng kháng chịu sâu bệnh như: OM 6976, OM 4900, OM 4218... Ngoài ra, còn có một số giống lúa chất lượng cao như VD 20, jasmine 85. Qua đánh giá thực tế trên đồng ruộng, đây là những giống có thể mang lại năng suất cao”.
Khảo sát thực tế tại các diện tích lúa khu vực xã An Phong, huyện Thanh Bình, có thể nhận thấy sự phấn khởi của bà con nông dân về chất lượng của các giống lúa, nhất là đối với những giống lúa mới chất lượng cao. Ông Hồ Hoàng Việt ngụ xã An Phong, huyện Thanh Bình cho biết: “Vụ này, tôi vẫn chọn giống VD20 như các vụ trước do đặc tính giống lúa này kháng sâu bệnh rất tốt, cho năng suất cao, phù hợp với mọi điều kiện thời tiết tại địa phương”.
Tuy nhiên để việc sản xuất lúa đạt kết quả cao, ngoài giống còn cần phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác. Ông Phạm Hữu Phước - Giám đốc Trung tâm Ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao tỉnh cho biết: “Nhằm cung ứng cho người dân những giống lúa chất lượng cao, Trung tâm đã áp dụng nhiều biện pháp khoa học kỹ thuật trong nghiên cứu, khảo nghiệm. Trong đó, chú trọng vào việc rút ngắn thời gian lai tạo, áp dụng các biện pháp xác định gen, cấy túi phấn...
Ngoài ra để nâng cao hiệu quả, Trung tâm còn liên kết với các viện, trường có uy tín để khảo nghiệm thêm nhiều giống lúa mới chất lượng cao, chú trọng vào các giống lúa ngắn ngày chất lượng cao, có khả năng chống chịu sâu bệnh tốt”.
Nguồn bài viết: http://baodongthap.com.vn/newsdetails/1D3FE187C5F/Chu_trong_phat_trien_them_nguon_giong_moi.aspx
Có thể bạn quan tâm

Năm nay, Hương Trà (Thừa Thiên Huế) thả nuôi 306 ha thuỷ sản các loại như: cá kình, tôm sú, tôm rảo, cua…, tập trung chủ yếu ở 2 xã Hải Dương và Hương Phong.

Sáng 27/9, tại UBND xã Ninh Phú, thị xã Ninh Hòa, Tiểu Ban quản lý Dự án nguồn lợi ven biển vì sự phát triển bền vững (gọi tắt là CRSD) Khánh Hòa đã phối hợp với Chi cục Nuôi trồng thủy sản tỉnh tổ chức Hội thảo đầu bờ đánh giá kết quả nuôi tôm an toàn sinh học theo hướng VietGAP trên 4 ao nuôi tôm tại xã Ninh Phú.

Cồi điệp, sò lông chưa được xử lý nhiệt đúng yêu cầu cùng với sản phẩm có chứa độc tố Lipophilic là 2 lý do Liên minh châu Âu (EU) mới khuyến nghị Việt Nam ngưng xuất các sản phẩm nhuyễn thể hai mảnh vỏ trên. Điều này ít nhiều ảnh hưởng đến đời sống ngư dân Bình Thuận…

Bao đời nay, cư dân sống hai bên sông được hưởng lợi từ nguồn nước, giao thông và thủy sản từ dòng sông mang lại. Dọc theo các con sông đã hình thành các làng vạn chài, cuộc sống mưu sinh đánh bắt cá gắn chặt vào sông từ bao đời nay.

Xuất phát từ nhu cầu của thị trường, nhiều nông dân ở huyện Phước Long (Bạc Liêu) đã đầu tư vốn để phát triển mô hình chăn nuôi các loại động vật hoang dã. Điều này không chỉ góp phần làm giảm áp lực từ việc săn bắt, khai thác động vật hoang dã trong tự nhiên, mà còn nâng cao hiệu quả kinh tế cho người nuôi.