Chủ Rừng Xứ Cát

Sinh năm 1988 ở thôn Sen Đông, xã Sen Thủy (Lệ Thuỷ - Quảng Bình), học hết lớp 9, Lê Đăng Tây đã phải nghỉ học vì gia đình quá khó khăn. Sau nhiều năm làm thuê trong Nam, Tây về quê, một mình lên đồi khai hoang trồng keo, tràm và trở thành chủ rừng xứ cát khi tuổi đời còn rất trẻ.
Từ miền Nam về quê, Tây mang trong mình bao trăn trở: “Miền cát trắng chẳng trồng được cây gì, ngoài phi lao chắn cát và tràm”. Bao đêm trằn trọc, nghĩ tới cảnh nghèo với mẹ già thường xuyên đau ốm và ba đứa em đang tuổi ăn học, chàng trai xứ cát quyết định một mình lên đồi khai hoang hơn 5ha ruộng để trồng lúa lấy lương thực, lo cho gia đình. Khi Nhà nước có chính sách giao đất giao rừng cho dân, Tây đã mạnh dạn đứng ra nhận rừng. “Nhận 15ha rừng thông của dự án trồng rừng Việt - Đức để chăm sóc, bảo vệ, mình lo lắm, vì ở đây chưa trồng thông bao giờ. Trong khi đó, mình cũng vừa khai hoang và trồng được gần 10ha keo, tràm nữa. Nhưng thấy đây là cơ hội để thoát nghèo nên dù gặp rất nhiều khó khăn, mình vẫn quyết tâm làm”, Tây tâm sự.
Bà Đinh Thị Ngọc, mẹ Tây cho biết: “Thấy con ngày đêm chăm lo rừng quên ăn, quên ngủ, tôi lo lắm nhưng cũng chỉ biết động viên con”. Gần 10ha keo, tràm của Tây sau hơn 5 năm trồng và chăm sóc, đến nay đã cho thu hoạch; rừng thông cũng sắp cho thu hoạch mủ. Tây ước tính, mỗi năm trừ chi phí cây giống, phân bón, công chăm sóc, có thể lãi hơn 100 triệu đồng. Số lãi này Tây dự tính sẽ làm vườn ươm cây con, trồng thử nghiệm một số cây gỗ quý như lim, táu, dó bầu.
Bác Đinh Duy Nhất, 51 tuổi, người giúp việc cho Tây chia sẻ: “Thấy cháu Tây còn trẻ mà say mê làm rừng, trong xóm ai cũng khen ngợi, còn đến học hỏi kinh nghiệm”.
Nhận thấy việc mở rộng trang trại sẽ là bước đi mới nhưng hứa hẹn nhiều thành công, Tây đã mạnh dạn vay ngân hàng 50 triệu đồng để đầu tư mua cây -con giống. Hiện Tây đã có hơn 40 con lợn, 10 con bò, 200 con gà, 150 gốc hồ tiêu. Sắp tới, anh sẽ đầu tư nuôi thêm gà công nghiệp, lợn siêu nạc để nhanh xuất chuồng, rút ngắn thời gian chăn nuôi.
Luôn đi đầu trong công tác trồng và bảo vệ rừng, Tây đã được bầu làm Phó bí thư Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh xã Sen Thủy. Trong bất cứ hoạt động nào, anh cũng là người năng động, tích cực và đầy trách nhiệm, luôn đi đầu trong các hoạt động trồng rừng gây quỹ, thanh niên tình nguyện, hoạt động thể dục thể thao... Anh Lê Đăng Thỉnh, Bí thư Chi bộ thôn Sen Đông cho biết: “Tây là cán bộ Đoàn làm kinh tế giỏi lại nhiệt tình, năng nổ, có tinh thần trách nhiệm cao. Mọi hoạt động Chi bộ thôn giao, anh luôn hoàn thành một cách xuất sắc”.
Chia tay Tây, chúng tôi vẫn chưa hết ấn tượng và khâm phục nghị lực vượt khó của chàng thanh niên 23 tuổi này. Tin rằng, với những gì đã làm được, Tây sẽ còn thành công hơn nữa..
Có thể bạn quan tâm

Đầu năm 2012, có 20 hộ nuôi tôm ở thôn Sơn Hải 1 (xã Phước Dinh, Thuận Nam, Ninh Thuận) liên kết nhau thành lập Tổ nuôi tôm an toàn bền vững (NTATBV) và đã mang lại nhiều lợi ích cho các hộ tham gia, đồng thời có tác động tích cực đến việc bảo vệ môi trường sinh thái ở địa phương.

Tình hình dịch bệnh trên tôm nuôi diễn ra ở hầu hết các vùng trọng điểm nuôi tôm, trong đó các tỉnh khu vực ĐBSCL thiệt hại nặng nề nhất. Dịch bệnh hoại tử gan tuỵ cấp xuất hiện trên cả 2 đối tượng nuôi chính là tôm thẻ chân trắng và tôm sú. Theo báo cáo của Tổng Cục thuỷ sản, diện tích tôm bệnh chiếm gần 30% diện tích tôm nuôi, chủ yếu là bệnh đốm trắng, đầu vàng và gan tuỵ cấp.

Trong 5 tháng đầu năm 2014, vượt qua khó khăn, các mặt hàng thủy sản xuất khẩu của Việt Nam đang dần hồi phục. Theo dự báo của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), năm 2014, tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản của Việt Nam dự kiến đạt khoảng 7 tỷ USD, tăng 5% so với năm 2013. Đó là thông tin được đưa ra tại Hội nghị toàn thể của VASEP tổ chức ngày 12/6 tại TP Hồ Chí Minh.

Vài năm trước, diện tích nuôi cá mú, cá chẻm trên địa bàn TP. Cam Ranh (Khánh Hòa) phát triển rất lớn, nhưng do gặp dịch bệnh, năng suất thấp, rớt giá, lãi không cao nên nhiều hộ đã chuyển sang nuôi ốc hương hay trồng rong. Tuy nhiên năm nay việc nuôi cá mú, cá chẻm lại rất thuận lợi, giá bán cao nên người nuôi rất phấn khởi.

Để nâng cao chất lượng nguồn nguyên liệu thủy sản xuất khẩu, phòng ngừa trường hợp các thị trường nhập khẩu sẽ tẩy chay các mặt hàng tôm Việt Nam, gây hậu quả lớn cho nền kinh tế, ngày 11 tháng 6 năm 2014, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang Lâm Hoàng Sa đã có ý kiến chỉ đạo thực hiện công tác ngăn chặn tình trạng bơm chích tạp chất, thu mua, vận chuyển nguyên liệu thủy sản chứa tạp chất.