Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Chủ Rừng Xứ Cát

Chủ Rừng Xứ Cát
Ngày đăng: 21/03/2011

Sinh năm 1988 ở thôn Sen Đông, xã Sen Thủy (Lệ Thuỷ - Quảng Bình), học hết lớp 9, Lê Đăng Tây đã phải nghỉ học vì gia đình quá khó khăn. Sau nhiều năm làm thuê trong Nam, Tây về quê, một mình lên đồi khai hoang trồng keo, tràm và trở thành chủ rừng xứ cát khi tuổi đời còn rất trẻ.

Từ miền Nam về quê, Tây mang trong mình bao trăn trở: “Miền cát trắng chẳng trồng được cây gì, ngoài phi lao chắn cát và tràm”. Bao đêm trằn trọc, nghĩ tới cảnh nghèo với mẹ già thường xuyên đau ốm và ba đứa em đang tuổi ăn học, chàng trai xứ cát quyết định một mình lên đồi khai hoang hơn 5ha ruộng để trồng lúa lấy lương thực, lo cho gia đình. Khi Nhà nước có chính sách giao đất giao rừng cho dân, Tây đã mạnh dạn đứng ra nhận rừng. “Nhận 15ha rừng thông của dự án trồng rừng Việt - Đức để chăm sóc, bảo vệ, mình lo lắm, vì ở đây chưa trồng thông bao giờ. Trong khi đó, mình cũng vừa khai hoang và trồng được gần 10ha keo, tràm nữa. Nhưng thấy đây là cơ hội để thoát nghèo nên dù gặp rất nhiều khó khăn, mình vẫn quyết tâm làm”, Tây tâm sự.

Bà Đinh Thị Ngọc, mẹ Tây cho biết: “Thấy con ngày đêm chăm lo rừng quên ăn, quên ngủ, tôi lo lắm nhưng cũng chỉ biết động viên con”. Gần 10ha keo, tràm của Tây sau hơn 5 năm trồng và chăm sóc, đến nay đã cho thu hoạch; rừng thông cũng sắp cho thu hoạch mủ. Tây ước tính, mỗi năm trừ chi phí cây giống, phân bón, công chăm sóc, có thể lãi hơn 100 triệu đồng. Số lãi này Tây dự tính sẽ làm vườn ươm cây con, trồng thử nghiệm một số cây gỗ quý như lim, táu, dó bầu.

Bác Đinh Duy Nhất, 51 tuổi, người giúp việc cho Tây chia sẻ: “Thấy cháu Tây còn trẻ mà say mê làm rừng, trong xóm ai cũng khen ngợi, còn đến học hỏi kinh nghiệm”.

Nhận thấy việc mở rộng trang trại sẽ là bước đi mới nhưng hứa hẹn nhiều thành công, Tây đã mạnh dạn vay ngân hàng 50 triệu đồng để đầu tư mua cây -con giống. Hiện Tây đã có hơn 40 con lợn, 10 con bò, 200 con gà, 150 gốc hồ tiêu. Sắp tới, anh sẽ đầu tư nuôi thêm gà công nghiệp, lợn siêu nạc để nhanh xuất chuồng, rút ngắn thời gian chăn nuôi.

Luôn đi đầu trong công tác trồng và bảo vệ rừng, Tây đã được bầu làm Phó bí thư Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh xã Sen Thủy. Trong bất cứ hoạt động nào, anh cũng là người năng động, tích cực và đầy trách nhiệm, luôn đi đầu trong các hoạt động trồng rừng gây quỹ, thanh niên tình nguyện, hoạt động thể dục thể thao... Anh Lê Đăng Thỉnh, Bí thư Chi bộ thôn Sen Đông cho biết: “Tây là cán bộ Đoàn làm kinh tế giỏi lại nhiệt tình, năng nổ, có tinh thần trách nhiệm cao. Mọi hoạt động Chi bộ thôn giao, anh luôn hoàn thành một cách xuất sắc”.

Chia tay Tây, chúng tôi vẫn chưa hết ấn tượng và khâm phục nghị lực vượt khó của chàng thanh niên 23 tuổi này. Tin rằng, với những gì đã làm được, Tây sẽ còn thành công hơn nữa..


Có thể bạn quan tâm

9.000ha Lúa Bị Hạn Và Thiếu Nước Ở Thanh Hóa 9.000ha Lúa Bị Hạn Và Thiếu Nước Ở Thanh Hóa

Cuối tháng 4 và đầu tháng 5, những đợt nắng nóng liên tiếp kéo dài, trong nhiều ngày không mưa đã khiến cho mực nước ở các sông, suối, hồ… ở Thanh Hóa sụt giảm nghiêm trọng.

11/05/2012
Giống Lúa Nàng Xuân Và Nếp Lang Liêu Giống Lúa Nàng Xuân Và Nếp Lang Liêu

Mô hình đang được thực hiện với 50ha gieo cấy giống lúa Nàng Xuân và 1,5ha gieo cấy giống lúa nếp Lang Liêu tại 2 xã Tư Mại và Thắng Cương. Qua tham quan đầu bờ, các đại biểu đánh giá cao những ưu điểm vượt trội của 2 giống lúa này so với giống đối chứng Khang dân 18 như thời gian sinh trưởng tương đương với Khang dân, khả năng kháng bệnh khá, chống đổ tốt và hiệu quả kinh tế cao

26/07/2011
Khai Thác Thế Mạnh Nuôi Lợn Rừng Lai Ở Vùng Lòng Hồ Sông Đà Khai Thác Thế Mạnh Nuôi Lợn Rừng Lai Ở Vùng Lòng Hồ Sông Đà

Xóm Phủ, xã Toàn Sơn (Đà Bắc - Hòa Bình) cách thị trấn Đà Bắc gần 10 km nằm chênh vênh trên lòng hồ. Xóm có 76 hộ, chủ yếu là người Dao sinh sống dựa vào trồng ngô, sắn, trồng rừng và đánh bắt thủy sản. Ngoài những nghề trên, việc phát triển chăn nuôi được bà con chú trọng bởi lợi thế gần rừng có nhiều nguồn thức ăn. Hầu hết các hộ trong xóm đều chăn nuôi từ 1 - 2 con đến hàng chục con lợn. Giống chủ yếu là lợn lai, lợn địa phương với hình thức bán chăn thả. Nhận thấy lợi thế, thời gian qua, Dự án AFAP đã xây dựng mô hình chăn nuôi lợn rừng và lợn địa phương. Dự án đã đầu tư cho xóm 11 con lợn giống (9 con lợn địa phương và 2 con lợn rừng) cho 9 hộ chăn nuôi tiêu biểu của xóm.

11/05/2012
Thanh Hóa: Gồng Mình Chống Hạn Thanh Hóa: Gồng Mình Chống Hạn

Do nắng nóng kéo dài, trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đã có 12.000 ha lúa thiếu nước. Ngành NN- PTNT đang chỉ đạo các Cty thủy nông thực hiện việc bơm nước liên tục để cứu lúa.

12/05/2012
Ngô, Lạc Mất Mùa Vì Hạn Ở Nghệ An Ngô, Lạc Mất Mùa Vì Hạn Ở Nghệ An

Đi khắp vùng bãi dọc sông Lam huyện Hưng Nguyên, vùng đồi núi của Nam Đàn, hay những diện tích lạc vùng đất cát pha Nghi Lộc, tất cả là một màu vàng trắng do cháy của ngô, màu xanh héo rũ xơ xác của lạc. Đã lâu lắm, chưa bao giờ cây màu vụ xuân của tỉnh Nghệ An đối mặt với hạn hán khốc liệt và thiệt hại nặng nề đến thế.

12/05/2012