Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Chủ Động Phòng Chống Đói, Rét Cho Gia Súc

Chủ Động Phòng Chống Đói, Rét Cho Gia Súc
Ngày đăng: 21/11/2014

Hàng năm, cứ vào mùa đông giá rét, ở các địa phương trong tỉnh Yên Bái lại xảy ra tình trạng trâu, bò chết rét tập trung ở các huyện vùng cao như Trạm Tấu, Mù Cang Chải.

Theo dự báo, thời tiết vụ đông xuân năm nay tiếp tục có những diễn biến phức tạp, khả năng rét đậm, rét hại dễ xảy ra. Để không xảy ra thiệt hại nặng nề sau các đợt rét đậm, rét hại như năm 2008 và năm 2011, các địa phương cần chủ động những biện pháp chăm sóc trâu, bò hiệu quả.

Theo số liệu của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh, đợt rét đậm rét hại lịch sử năm 2008 làm chết hơn 7.000 con gia súc và đến mùa đông 2011 vẫn còn 7.034 con gia súc chết rét tập trung ở các huyện Trạm Tấu, Mù Cang Chải, Văn Chấn. Gia súc bị quật ngã trong giá rét không những đẩy nhiều nông dân nghèo rơi vào cảnh trắng tay mà còn ảnh hưởng không nhỏ đến mục tiêu phát triển chăn nuôi của tỉnh.

Nguyên nhân gia súc chết rét một phần do khí hậu khắc nghiệt nhưng phần lớn là thói quen thả rông gia súc. Khi thời tiết chuyển rét, bà con không đưa gia súc về chuồng trại cùng với đó chưa chủ động dự trữ thức ăn cho trâu, bò. Sau những thiệt hại nặng nề đó, các địa phương đã rút ra những bài học quý giá nhằm giảm thiểu số lượng gia súc chết trong các mùa đông gần đây.

Đặc biệt, 3 năm trở lại đây, công tác phòng chống đói, rét cho gia súc đã được các ngành, địa phương chủ động triển khai. Ngay khi đang thu hoạch lúa mùa, chính quyền các địa phương đã chủ động làm tốt công tác tuyên truyền, vận động nhân dân chủ động các biện pháp phòng chống đói, rét cho đàn gia súc.

Các huyện, thị chỉ đạo phòng nông nghiệp và phát triển nông thôn, trạm khuyến nông, trạm thú y tổ chức tập huấn, hướng dẫn người dân cách dự trữ thức ăn, che chắn chuồng trại cho trâu, bò.

Mùa đông những năm trước, huyện Trạm Tấu từng là địa phương chịu thiệt hại lớn về kinh tế khi trâu, bò bị chết rét hàng loạt. Để chủ động phòng tránh đói, rét cho đàn gia súc khi mùa đông đang đến gần, huyện đã chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn phối hợp với các xã tuyên truyền, vận động các hộ chăn nuôi chủ động các biện pháp phòng chống đói, rét cho đàn gia súc; chỉ đạo các hội, đoàn thể, trưởng thôn, bản phải xuống từng nhà, hướng dẫn, vận động bà con làm chuồng trại che chắn và dự trữ thức ăn.

Đến nay, toàn huyện có gần 100% số hộ chăn nuôi gia súc chủ động dự trữ được nguồn thức ăn; trên 75% số hộ chăn nuôi trâu, bò, ngựa có chuồng trại nuôi nhốt, không chăn thả gia súc khi thời tiết lạnh giá, sương muối.

Tính riêng năm nay, Trạm Tấu làm trên 1.700 cây rơm dự trữ thức ăn cho trâu, bò trong mùa đông. Hàng năm, tỉnh đều dành nguồn kinh phí hỗ trợ các hộ dân dự trữ thức ăn bằng cây rơm, gia cố chuồng trại cho gia súc. Năm nay, tỉnh tiếp tục hỗ trợ 2.100 cây rơm cho người dân với mức hỗ trợ 300.000 đồng/cây, trong đó các huyện Văn Chấn, Mù Cang Chải, Trạm Tấu mỗi huyện được hỗ trợ 500 cây rơm.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh cũng thành lập các đoàn kiểm tra công tác phòng chống đói rét, phòng chống dịch bệnh cho gia súc ở các địa phương.

Toàn tỉnh hiện có trên 2.800ha đất cỏ, trong đó diện tích cỏ trồng hiện có chiếm trên 88% là đất tận dụng diện tích bờ bãi và các bãi đất trống trong năm nên năng suất, sản lượng không ổn định.

Theo tính toán, sản lượng cỏ khai thác từ đồng cỏ và cỏ trồng hiện nay mới đáp ứng được khoảng 30% lượng thức ăn xanh cho gia súc. Ở nhiều nơi, kinh tế các hộ gia đình còn rất khó khăn nên việc hỗ trợ che chắn chuồng trại cho gia súc cũng như việc dự trữ cây rơm của các địa phương còn nhiều hạn chế.

Một bộ phận người dân còn coi nhẹ, không quan tâm đến việc chống rét cho trâu, bò nên mặc dù đã được phổ biến tuyên truyền, vận động nhưng vẫn không thực hiện.

Để khắc phục những hạn chế trên, các địa phương chú trọng thành lập, củng cố ban chỉ đạo phòng chống đói rét cho đàn gia súc; hướng dẫn cách phòng chống rét cho vật nuôi đến tận thôn bản.

Cán bộ ngành nông nghiệp cần hướng dẫn người dân các biện pháp kỹ thuật như tổ chức tập huấn, phổ biến kinh nghiệm chống rét cho gia súc; chỉ đạo nhân dân xây dựng, gia cố, nâng cấp và che chắn chuồng trại bảo đảm chống rét, tránh mưa, gió lùa cho đàn gia súc và bảo đảm vệ sinh thú y. Chủ động nguồn thức ăn cho gia súc, các huyện, thị và nông dân cần thu gom, dự trữ, chế biến các phụ phẩm nông nghiệp làm thức ăn cho đàn trâu, bò vào mùa khô và mùa đông.

Đối với các xã vùng cao, cần đưa gia súc thả rông trong rừng về chuồng trại trước khi mùa rét đến để tiện theo dõi và chăm sóc đồng thời tăng cường công tác tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng trong cộng đồng dân cư để mọi người nêu cao cảnh giác, có ý thức phòng chống đói rét cho gia súc; cập nhập thông tin diễn biến thời tiết bất thường để kịp thời thông báo cho người dân có biện pháp phòng chống rét cho gia súc.

Các trung tâm khuyến nông, chi cục thú y cử cán bộ trực tiếp xuống cơ sở để hướng dẫn việc kiểm tra thực hiện công tác phòng chống đói rét cho gia súc, góp phần ổn định và phát triển ngành chăn nuôi.

Nguồn bài viết: http://www.baoyenbai.com.vn/12/118420/Chu_dong_phong_chong_doi_ret_cho_gia_suc.htm


Có thể bạn quan tâm

Ớt Xuất Khẩu Đạt 76 Tạ/ha Ớt Xuất Khẩu Đạt 76 Tạ/ha

Năm 2013, toàn huyện Chi Lăng (Lạng Sơn) trồng được 111,27 ha ớt chỉ thiên xuất khẩu. Năng suất đạt 76 tạ một ha được tính là cao nhất từ trước đến nay. Sản lượng đạt 855,5 tấn, tăng gần gấp đôi so với năm 2012. Hiện nay trung bình mỗi kg ớt tươi được tư thương mua với giá 15 đến 20 ngàn đồng. Nhận thấy tiềm năng cây ớt xuất khẩu, huyện Chi Lăng đã xây dựng đề tài khoa học trồng và phát triển cây ớt tạo thành vùng hàng hóa.

10/07/2013
Trồng Cỏ Chăn Nuôi Ở Xã Thượng Giáp Trồng Cỏ Chăn Nuôi Ở Xã Thượng Giáp

Thượng Giáp là một trong 8 xã phía Bắc của huyện vùng cao Nà Hang, có thế mạnh về phát triển chăn nuôi đại gia súc. Tổng đàn trâu trong xã luôn duy trì từ 720 - 800 con; đàn bò từ 250 - 300 con, bình quân mỗi hộ dân trong xã nuôi từ 2 - 3 con trâu, bò.

27/07/2013
Thu 200 Triệu Đồng Từ 200 Trụ Tiêu Thu 200 Triệu Đồng Từ 200 Trụ Tiêu

Đó là 200 trụ tiêu giống Vĩnh Linh lá to, 3 năm tuổi của vợ chồng anh Nguyễn Văn Lợi - chị Thị Hồng ở ấp Đồi Đá, xã Lộc Khánh (Lộc Ninh - Bình Phước). Chị Hồng phấn khởi khoe với chúng tôi đến đầu tháng 4, gia đình chị đã thu hoạch được 1,2 tấn, nhưng cây vẫn còn xum xuê những chuỗi trái dài và chắc mẩy nhờ đủ nước. Chị ước đoán sẽ thu thêm 1 tấn nữa và trung bình mỗi trụ tiêu được 10kg.

16/04/2013
An Thịnh Giảm Nghèo Từ Cây Mía An Thịnh Giảm Nghèo Từ Cây Mía

Từ một thôn nghèo nhất xã, 3 năm trở lại đây, đời sống bà con thôn An Thịnh, xã Tân Thịnh (Chiêm Hóa) đã có những thay đổi rõ rệt nhờ đẩy mạnh thâm canh cây mía, mang lại hiệu quả kinh tế khá cao..

27/07/2013
Giá Nhiều Loại Phân Bón Giảm Giá Nhiều Loại Phân Bón Giảm

Phân DAP Philippines tại nhiều cửa hàng vật tư nông nghiệp có giá bán 758.000 - 760.000 đồng/bao; DAP Trung Quốc (loại hạt xanh): 700.000 - 710.000 đồng/bao; phân NPK 20-20-15 Đầu Trâu của Nhà Máy Bình Điền loại cao cấp khoảng 750.000 - 755.000 đồng/bao; NPK 20-20-15 Đầu Trâu loại thường 720.000 đồng/bao…

12/07/2013