Chủ Động Nguồn Nước Cho Sản Xuất Vụ Xuân

Sản xuất nông nghiệp vụ xuân thường phải đối phó với tình trạng khó khăn về nguồn nước. Theo nhận định của Trung tâm khí tượng thủy văn Bắc Kạn, tổng dòng chảy trên các triền sông, suối thuộc địa bàn tỉnh sẽ ở mức xấp xỉ dưới trung bình nhiều năm với lượng thiếu hụt khoảng 10-20%.
Hạn xảy ra cao điểm vào tháng 2, tháng 3. Đây là lúc bà con cần nước để cấy nhất với diện tích hạn dự báo năm nay khoảng trên 1.800ha trong tổng số 8.000ha lúa xuân.
Các huyện thường xảy ra hạn hán với diện tích lớn gồm Na Rì; Ba Bể; Chợ Đồn; Bạch Thông. Cùng với khó khăn về nguồn nước, một số công trình thủy lợi phục vụ nước tưới cho vụ xuân bị hư hỏng do mưa lũ. Vụ mưa lũ năm 2014, 199 công trình thủy lợi bị hư hỏng, trong đó Chợ Mới 49 công trình; Bạch Thông 46 công trình; Ba Bể 36 công trình…
Đến nay các địa phương và Công ty TNHH MTV Thủy nông đã chủ động xây dựng kế hoạch tu sửa, nạo vét kênh mương, sửa chữa các công trình bị hư hỏng, xuống cấp để phục vụ sản xuất vụ xuân, điển hình như Huyện Chợ Mới hiện đã nạo vét, phát dọn kênh mương 124/126 công trình; sửa chữa nhỏ 21 công trình, duy tu bảo dưỡng 46 máy bơm, sửa chữa 4 trạm bơm điện.
Huyện Na Rì cũng đã hoàn thành công tác nạo vét, sửa chữa công trình bị hư hỏng, bảo dưỡng máy bơm dầu và bơm điện. Các địa phương còn lại tiến độ chậm hơn mới ở giai đoạn xây dựng kế hoạch sửa chữa.
Riêng đối với Công ty TNHH MTV Thủy nông năm 2014 đã thực hiện nạo vét, phát dọn 401 công trình; sửa chữa nhỏ 90 công trình. Ông Nguyễn Văn Đức- Giám đốc Công ty cho biết: Ngay sau khi kết thúc vụ mùa, Công ty đã tiến hành tích nước vào các hồ thủy lợi, tuy nhiên do lượng mưa năm nay ít nên mực nước không cao bằng mọi năm. Trước tình hình đó Công ty đã xây dựng các phương án phòng, chống hạn.
Hiện tại đơn vị đang trực tiếp quản lý 211 máy bơm dã chiến. Các công trình có diện tích bị hạn chưa có kênh mương đơn vị bố trí dùng bạt nilon, vòi, ống nhựa rải để dẫn tạm nước, đồng thời áp dụng các biện pháp tưới tiết kiệm, lắp đặt máy bơm tại các diện tích bị hạn và chuẩn bị nhiên liệu, nhân công sẵn sàng triển khai bơm nước khi có hạn, chủ động tận dụng nguồn nước hiện có tại thời điểm để tiến hành cày ải trước thời vụ.
Giải pháp tiết kiệm nước được thực hiện đó là: đối với các hồ chứa phải quản lý chặt chẽ nguồn nước hiện có, công trình đập dâng cần trát, nạo vét cửa khẩu lấy nước, tu sửa kênh mương chống rò rỉ, thất thoát nước, giữ ổn định nước trên bề mặt ruộng không để chảy xuống suối, kênh tiêu, tuyệt đối không mở nước để đánh bắt cá.
Đơn vị cũng đã xây dựng kế hoạch điều hành hệ thống kênh tưới phù hợp với bố trí lịch sản xuất của nhân dân, điều hòa phân phối nước tiết kiệm, lập lịch tưới luân phiên, cấp nước nhanh, kết thúc nhanh, rút ngắn thời gian và lượng nước tưới.
Giải pháp tiết kiệm nhiên liệu cho chống hạn: có kế hoạch bơm chi tiết cho từng công trình, vùng hạn, giải quyết dứt điểm từng thửa, bố trí nhân công hợp lý và luân chuyển máy bơm dã chiến đảm bảo hợp lý tiết kiệm. Với các trạm bơm điện cố định tập trung bơm vào giờ thấp điểm, tổ chức bơm dứt điểm cùng một thời đoạn lấy nước.
Nước cho sản xuất nông nghiệp chiếm vị trí quan trọng hàng đầu, quyết định đến hiệu quả của mùa vụ, vì vậy khai thác tốt các công trình thủy lợi đã được đầu tư cùng với các biện pháp bơm tận dụng nguồn nước từ sông suối là giải pháp cần được tập trung thực hiện đồng bộ, khẩn trương trong thời điểm này.
Nguồn bài viết: http://baobackan.org.vn/channel/1121/201412/chu-dong-nguon-nuoc-cho-san-xuat-vu-xuan-2358262/
Có thể bạn quan tâm

Sau đề án tái cơ cấu của Bộ NN-PTNT, một số tỉnh, thành khu vực ĐBSCL cũng xây dựng đề án riêng. Theo các chuyên gia, cần phải có vai trò của đầu mối để tăng cường mối liên kết vùng, chứ không thể để tự mỗi địa phương làm theo ý riêng của mình.

Được thành lập năm 1998, Hợp tác xã (HTX) dịch vụ nông nghiệp và điện năng Vân Hùng (xã Tứ Xã, huyện Lâm Thao) có nhiệm vụ chính phục vụ sản xuất nông nghiệp, đến năm 2002 chuyển sang quản lý điện, công trình nước sạch và các khâu dịch vụ. Hiện nay HTX có 1.270 xã viên, trong đó có 39 người trực tiếp làm 7 dịch vụ: Thuỷ lợi, bảo vệ thực vật, giống cây trồng, vật tư nông nghiệp, điện, vệ sinh môi trường, nước sinh hoạt.

Ngày 24.11, Trung tâm Khuyến công và tư vấn phát triển công nghiệp Quảng Nam phối hợp với Phòng Kinh tế hạ tầng huyện Bắc Trà My mở lớp tập huấn nâng cao nghiệp vụ quản lý, xây dựng đề án khuyến công cho hơn 60 học viên là cán bộ chuyên trách công tác khuyến công và cơ sở sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn của huyện.

Đi lên từ hai bàn tay trắng, ông Cao Văn Tâm quyết chí phải làm giàu bằng chính nghề nông truyền thống của ông cha. Hằng ngày, ông tìm đọc sách báo, xem truyền hình để học hỏi kinh nghiệm từ các mô hình chăn nuôi, trồng trọt hiệu quả được truyền thông giới thiệu. Sau một thời gian tìm tòi, ông mạnh dạn vay vốn ngân hàng, mượn thêm tiền tích góp xây dựng chuồng trại nuôi gà, kết hợp với chăn nuôi gia súc và trồng rừng.

Với 100 triệu đồng nguồn vốn tài trợ từ tỉnh Đông Flander (Vương quốc Bỉ), Trung tâm Nghiên cứu khoai tây, rau và hoa Đà Lạt đã trồng, chăm sóc thực nghiệm giống dâu tây Mỹ Thơm và giống dâu tây Newzealand trên diện tích 100m2 nhà lưới hở.