Chủ Động Hỗ Trợ Người Trồng Cà Phê

Biến đổi khí hậu, mất cân bằng sinh thái và việc khai thác, sử dụng nước bừa bãi trên địa bàn các tỉnh Tây Nguyên đang khiến nguồn nước ngầm, nước mặt cạn kiệt. NHNN chi nhánh Đăk Lăk đã có chỉ đạo các TCTD trên địa bàn tiếp tục tạo mọi điều kiện giúp nông dân và DN tiếp cận vốn vay với mức lãi suất ưu đãi.
Biến đổi khí hậu, mất cân bằng sinh thái và việc khai thác, sử dụng nước bừa bãi trên địa bàn các tỉnh Tây Nguyên đang khiến nguồn nước ngầm, nước mặt cạn kiệt. Vì vậy, môi trường không duy trì được yếu tố bền vững để phục vụ cho sản xuất nông nghiệp, nhất là phục vụ tưới cho các loại cây công nghiệp dài ngày như cà phê, hồ tiêu...
Điều này làm cho chi phí đầu tư tưới nước phục vụ sản xuất bị đẩy lên cao, khiến hàng ngàn nông hộ và DN ở Tây Nguyên bị “hụt hơi” về vốn đầu tư, nhất là chi phí đầu tư cho công tác tưới nước, chăm sóc cây cà phê.
Trước thực tế đó, NHNN chi nhánh Đăk Lăk đã có chỉ đạo các TCTD trên địa bàn tiếp tục tạo mọi điều kiện giúp nông dân và DN tiếp cận vốn vay với mức lãi suất ưu đãi.
Ông Tăng Hải Châu, Phó giám đốc NHNN chi nhánh tỉnh Đăk Lăk cho biết: Chi nhánh chỉ đạo các TCTD phối hợp chặt chẽ với các DN, người nông dân kịp thời tháo gỡ khó khăn về vốn, tuyệt đối không để thiếu vốn cung ứng cho các DN, người nông dân phục vụ sản xuất, trong đó có ưu tiên vốn phục vụ cho trồng chăm sóc cây cà phê, một trong những loại cây trồng chủ lực, đem lại kim ngạch xuất khẩu lớn cho địa phương.
Hưởng ứng chủ trương của NHNN chi nhánh tỉnh Đăk Lăk, ông Phạm Xuân Cam, Phó giám đốc Agribank Đăk Lăk cho hay: Trước diễn biến thất thường của thời tiết, Agribank Đăk Lăk đã tạo mọi điều kiện để các DN, người trồng cà phê tiếp cận vốn vay phục vụ sản xuất. Chi nhánh cam kết đồng hành, cung ứng đủ vốn và kịp thời theo nhu cầu của DN và người nông dân, không để tình trạng thiếu vốn xảy ra.
Đồng thời, ông Cam khẳng định, Agribank Đăk Lăk sẽ linh hoạt trong nghiệp vụ bảo đảm tiền vay, ngoài những hộ nông dân vay đến 50 triệu đồng không phải thế chấp tài sản như Nghị định 41 của Chính phủ, những hộ có mức vay cao hơn mà đã thế chấp hết tài sản vẫn chưa đủ thì được xem xét tính thêm cả giá trị cây trồng trên đất, giá trị vườn cây hình thành từ vốn vay ngân hàng. Trường hợp cá biệt cho vay một phần không có tài sản đảm bảo…
Ngoài những hoạt động cho vay hỗ trợ người nông dân, DN theo phương thức thông thường, HDBank đã chủ động xây dựng gói sản phẩm phục vụ người nông dân và các DN trong việc cầm cố sản phẩm cà phê để vay vốn phục vụ sản xuất. Cái ưu việt của sản phẩm là người nông dân gửi hàng vào kho mà không tốn phí, đảm bảo an toàn, không bị tổn thất sau thu hoạch.
Ông Phan Ngọc Diễn, Giám đốc HDBank Đăk Lăk cho biết: Thời gian qua, do tác động của thời tiết khô hạn làm giảm sản lượng của người nông dân, cùng với đó giá cà phê liên tục duy trì ở mức thấp, đặc biệt là việc làm ra sản phẩm đã khó, nhưng bảo quản sản phẩm lại càng khó hơn, nhiều nông dân đã ký giá cà phê tại các đại lý trôi nổi dẫn đến tình trạng bị lừa, vỡ nợ, quỵt tiền…
Do đó, HDBank Đăk Lăk nỗ lực tăng khả năng chủ động giữ hàng khi giá còn thấp, tạo cơ hội liên kết giữa người bán và mua, với một phương thức vừa bảo đảm lượng hàng gửi kho của nông dân, vừa bảo đảm tính an toàn cho nguồn vốn kinh doanh của ngân hàng nên cho ra đời “gói sản phẩm hỗ trợ ngành cà phê”.
Gói sản phẩm này hỗ trợ tích cực các nhu cầu cho vay vốn ngắn hạn, trung dài hạn của DN và người trồng cà phê tại Đăk Lăk và các vùng lân cận Đăk Nông, Gia Lai. HDBank giúp người nông dân và DN ký gửi cà phê; cho vay vốn lãi suất ưu đãi, với giá trị vốn vay đến 80% giá trị lô hàng cà phê của khách hàng ký gửi tại kho HDBank; đồng thời được miễn phí kiểm định, phí bảo hiểm cháy nổ, miễn phí hao hụt 3 tháng đầu tiên…
Có thể nói, với những giải pháp tích cực của các TCTD trên địa bàn sẽ giúp bà con nông dân và các DN có đủ nguồn vốn để tái sản xuất, tưới, chăm sóc cho vườn cà phê.
Có thể bạn quan tâm

Sở dĩ doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp còn thấp do lợi nhuận không tăng mà ngày càng giảm. Quy mô vốn đầu tư cho SXKD đối với lĩnh vực nông nghiệp ngày càng lớn và tập trung, nhưng việc tiếp cận nguồn vốn đầu tư tín chấp ưu đãi còn quá khó khan.

Sau thời gian nghiên cứu đặc tính sinh sống, nguồn thức ăn của cá nheo, năm 2012 anh Cao Đại Thắng, tổ 13, thị trấn Na Hang (Tuyên Quang) mạnh dạn lên lòng hồ thủy điện Na Hang dựng lều, đóng lồng thả nuôi các loại cá này.

Theo đó, để thực hiện đúng quy định của EC, NAFIQAD yêu cầu các DN thực hiện ghi thông tin nghề khai thác thủy sản trên nhãn sản phẩm XK vào Châu Âu, đồng thời chủ động liên hệ với nhà NK để cập nhật, thực hiện đúng quy định của EU về ghi nhãn sản phẩm nhằm tránh vướng mắc trong hoạt động kinh doanh, XK thủy sản vào thị trường này.

Ông Nguyễn Văn Sáu ở ấp Mỹ An B, xã Mỹ Tịnh An (Chợ Gạo, Tiền Giang) cho biết, hai tuần trở lại đây thanh long ruột trắng đã tăng giá gấp 2 - 3 lần và đang dao động ở mức từ 6.000 - 8.000 đồng/kg, tùy loại. Với giá này thì người trồng thanh long đã thu được lãi nhưng không cao.

Là địa phương tiêu thụ lớn các mặt hàng thuốc thú y thuỷ sản (khoảng 8.000 tỷ đồng/năm), trong khi công tác quản lý chủ yếu “phần ngọn” nên Cà Mau được xem là mảnh đất “béo bở” để các công ty sản xuất, kinh doanh các mặt hàng này tăng cường khai thác. Nhu cầu thị trường lớn, kèm theo đó là hàng loạt những tồn tại, bất cập trong quản lý là cơ hội cho các đối tượng kinh doanh bất chính hoạt động.