Chủ Động Cho Sản Xuất Vụ Xuân

Thời tiết vụ xuân năm nay được dự báo sẽ ấm hơn những vụ trước và có thể khô hạn, thiếu nước tưới, gây khó khăn đối với sản xuất nông nghiệp.
Trước tình hình đó, huyện Đồng Hỷ đã tích cực, chủ động chuẩn bị các điều kiện nhằm ứng phó với thời tiết để đạt được hiệu quả cao trong sản xuất.
Thời điểm này, nông dân ở các xã, thị trấn trên địa bàn huyện Đồng Hỷ đang khẩn trương chuẩn bị các điều kiện cho sản xuất vụ xuân. Trên cánh đồng của xóm Hoàng Gia, xã Nam Hòa, nhiều người dân đang làm đất để chuẩn bị gieo cấy lúa. Chị Nguyễn Thị Xuân, một người dân trong xóm cho biết: Vụ này, gia đình tôi gieo cấy 5 sào lúa, chủ yếu là giống Khang dân.
Gia đình tôi cũng như các nhà khác trong xóm đã hoàn thành việc nạo vét mương nước, gieo mạ, hiện đang chuẩn bị phân bón, bừa đất, chờ mạ được 3 lá sẽ bắt đầu cấy theo đúng hướng dẫn của Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện.
Được biết, vụ xuân này, huyện Đồng Hỷ có kế hoạch gieo cấy 2,65 nghìn ha lúa, phấn đấu năng suất trung bình đạt 51,6 tạ/ha, trong đó, diện tích lúa lai đạt 800ha; 1,26 nghìn ha ngô, phấn đấu năng suất đạt 44,8 tạ/ha... và một số cây màu khác như lạc, đỗ tương.
Tổng diện tích gieo trồng trong vụ khoảng 4,4 nghìn ha. Huyện phấn đấu tổng sản lượng lương thực cây có hạt vụ xuân đạt trên 19,3 nghìn tấn. Nắm được tình hình thời tiết vụ xuân năm nay có xu hướng không thuận lợi cho cây trồng. Khô hạn, thiếu nước tưới có khả năng kéo dài và xảy ra trên diện rộng.
Để cây trồng vụ xuân sinh trưởng, phát triển tốt, hạn chế đến mức thấp nhất những thiệt hại do thời tiết bất lợi gây ra, ngay từ đầu vụ, huyện Đồng Hỷ đã chỉ đạo các xã, thị trấn tích cực tu sửa, gia cố, nạo vét các hồ, đập, kênh mương để nâng cao khả năng tích trữ và dẫn nước. Qua đó, đã sửa chữa xong 5 công trình thủy lợi và 700m kênh mương để đưa vào phục vụ cho sản xuất vụ xuân.
Bên cạnh đó, huyện cũng có kế hoạch bố trí cơ cấu giống, thời vụ gieo, trồng và hướng dẫn chăm bón các cây trồng chính trong vụ là lúa và ngô hợp lý, để hạn chế những khó khăn do khô hạn, thiếu nước tưới gây ra. Bà Nguyễn Thị Hà, Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện cho biết: Để đạt được kế hoạch sản xuất đã đề ra trong điều kiện thời tiết dự kiến không thuận lợi, chúng tôi đã bố trí cơ cấu trà xuân muộn chiếm tới 98% với các giống: VL20, B-TE1, TH3-3, SYN6, Khang dân đột biến, HT1, Bắc thơm số 7…
Thời vụ gieo cấy lúa từ ngày 5 đến 15-2, nhằm đảm bảo cho giai đoạn lúa làm đòng, trỗ bông, phơi màu gặp thời tiết nắng ráo. Bên cạnh đó, chúng tôi hướng dẫn người dân thực hiện đúng lịch thời vụ và những khuyến cáo, hướng dẫn của các phòng chức năng.
Trong đó, đối với cây lúa, người dân cần vệ sinh đồng ruộng bằng biện pháp cày bừa kỹ, dọn sạch mương dẫn nước và bón vôi cải tạo đất đối với những chân ruộng bị chua, phèn. Tích cực chống rét cho mạ bằng các biện pháp như: bón tro và lân, phủ ni-lông cho 100% diện tích mạ, tăng cường sử dụng phân chuồng, các loại phân hữu cơ để cải tạo đồng ruộng và bón phân vừa đủ, cân đối...
Với những chân ruộng cao không chủ động nước tưới, có khả năng bị hạn vào cuối vụ, chúng tôi khuyến cáo người dân gieo thẳng sớm hơn và sử dụng các giống ngắn ngày, chịu được hạn hoặc chuyển sang trồng một số cây trồng khác ít cần nước hơn như: ngô, đỗ tương, lạc và các cây rau màu khác. Đối với cây ngô, ngoài việc bón phân cân đối và bố trí mật độ gieo trồng hợp lý, chúng tôi hướng dẫn người dân thường xuyên kiểm tra đồng ruộng giai đoạn ngô 8-9 lá và trước trổ cờ để phòng trừ kịp thời sâu đục thân…
Đến thời điểm này, tiến độ gieo cấy vụ xuân trên địa bàn huyện Đồng Hỷ cơ bản đạt kế hoạch đề ra. Bà con nông dân đã làm đất, cày ải được trên 90% diện tích chuẩn bị cho cấy lúa vụ xuân; gieo mạ đạt 100% diện tích, cây mạ được che phủ ni lông tránh rét đảm bảo sinh trường, phát triển tốt.
Chi nhánh Vật tư nông nghiệp huyện đã chuẩn bị đầy đủ và cung ứng cho bà con trên 27 tấn giống lúa các loại và trên 655 tấn phân bón. Bên cạnh đó, huyện tiếp tục triển khai tốt chính sách hỗ trợ của tỉnh (hỗ trợ giá giống 30 nghìn đồng/sào lúa lai, 20 nghìn đồng/sào lúa thuần chất lượng cao, 20 nghìn đồng/sào ngô lai) để khuyến khích người dân mở rộng diện tích ngô lai, lúa lai và các giống lúa thuần chất lượng cao...
Thời gian tới, UBND huyện tiếp tục yêu cầu cơ quan chuyên môn làm tốt công tác dự báo tình hình sâu bệnh và chủ động các phương án phòng, trừ nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại do sâu bệnh gây ra; tiếp tục tổ chức các lớp tập huấn cho cán bộ khuyến nông cơ sở và người dân về kỹ thuật chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh để cây trồng vụ xuân đạt năng suất cao.
Có thể bạn quan tâm

Đến nay, làng nghề truyền thống sản xuất vỏ ốc đang có những bước phát triển mới, góp phần tạo việc làm cho hơn 500 lao động địa phương với mức thu nhập bình quân từ 2,5 đến 4 triệu đồng/người/tháng. Doanh thu bình quân hàng năm của mỗi cơ sở, làng nghề đạt từ 40 - 60 triệu đồng.

Bơ Booth, loại trái cây nhập khẩu từ Mỹ, đang được giá khiến người trồng thành công loại bơ này ở Đắk Lắk hết sức vui mừng, phấn khởi. Hiện, bơ Booth được thương lái thu mua với giá từ 75.000 - 90.000 đồng/kg nhưng vẫn khan hàng.

Vasep cũng kiến nghị, Bộ NN&PTNT đề nghị Bộ Công Thương đưa nhóm cá ngừ vào gói đàm phán thương mại, để có thuế xuất khẩu 0%. Theo Vasep, “gỡ” được các vướng mắc, xuất khẩu cá ngừ có thể lên 2 tỷ USD/năm, chứ không chỉ khoảng 600 triệu USD/năm như hiện nay.

Chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng vật nuôi nhằm đa dạng hóa sản phẩm nông sản, cải tạo chất lượng giống là giải pháp then chốt để hiệu quả sản xuất tăng lên. Trung Tâm giống vật nuôi tỉnh Sóc Trăng là đơn vị góp phần cải tạo chất lượng giống vật nuôi để cung ứng cho như cầu phát triển của địa phương.

Thành công từ mô hình nuôi cá đối mục trong ao nuôi tôm suy thoái tại xã Tam Quan Nam và thị trấn Tam Quan đã tháo gỡ được nỗi lo của người nuôi tôm, góp phần khôi phục lại môi trường nuôi trồng thủy sản, vừa mở ra hướng đi mới mang lại hiệu quả kinh tế cho người dân nơi đây.