Chủ động các biện pháp bảo vệ lúa đông xuân 2015 - 2016
Theo kế hoạch, vụ đông xuân 2015 - 2016 toàn tỉnh sẽ xuống giống khoảng 205 ngàn ha.
Hiện số diện tích đã xuống giống là hơn 73 ngàn ha (sớm hơn khoảng 2 tuần so với vụ trước), tập trung ở các huyện: Tháp Mười, Cao Lãnh, Tân Hồng...
Năm nay, tình hình thời tiết diễn biến khá phức tạp nên vụ đông xuân được dự báo sẽ gặp nhiều khó khăn.
Để hạn chế sự ảnh hưởng của rầy di trú, ngành nông nghiệp khuyến cáo nông dân nên xuống giống theo lịch thời vụ, chia làm 3 đợt: đợt 1 từ ngày 5 - 12/10; đợt 2 từ ngày 2 - 10/11; đợt 3 từ ngày 5 - 15/12.
Nông dân cần phải xuống giống tuân thủ theo nguyên tắc là gieo sạ tập trung, đồng loạt trên từng khu vực, từng cánh đồng, không để xảy ra hiện tượng nhiều trà lúa xuất hiện trên cùng một cánh đồng; xây dựng cơ cấu giống lúa theo đúng yêu cầu cân đối, an toàn dịch bệnh, phù hợp với điều kiện thực tế sản xuất và thị trường tiêu thụ.
Theo Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh Đồng Tháp, nông dân nên sử dụng các giống lúa chủ lực có khả năng kháng dịch bệnh mang lại năng suất, chất lượng tốt như: jasmine, VD20, Nàng hoa 9, OM 4900, OM 6976, OM 7347; nên chọn các loại giống đạt tỷ lệ nảy mầm trên 80%.
Ngoài ra, vụ đông xuân năm nay, do nước lũ thấp hơn so với mọi năm nên bên cạnh việc chuẩn bị tốt lịch thời vụ, nguồn giống đảm bảo, nông dân phải chú ý việc kéo dài thời gian giữa cải tạo đất và gieo sạ (khoảng 20 ngày) để phân hủy rơm rạ, tránh cho lúa bị ngộ độc hữu cơ; phải cày vùi thật kỹ để loại bỏ lúa chét, gốc rạ và ngăn ngừa ốc bươu vàng, bệnh vàng lùn lùn xoắn lá; vụ lúa này diễn biến thời tiết khá phức tạp nên nông dân cần chú ý bón kali để giúp lúa chống chịu tốt.
Đối với các diện tích chưa xuống giống, nếu không đảm bảo được thời gian cách ly đầu vụ, nông dân cần sử dụng nấm Trichoderma để hoai mục rơm rạ; sử dụng vôi vệ sinh đất trước khi gieo sạ.
Song song đó, trước khi gieo sạ, nông dân nên thử tỷ lệ nảy mầm của giống lúa nhằm có sự lựa chọn tốt nhất; sạ với mật độ vừa phải khoảng 100 - 120 kg/ha.
Mặt khác, vì đầu vụ thường xảy ra tình trạng mưa nhiều nên khi xuống giống nông dân phải chú ý đánh rãnh giữa các luống thật kỹ, giúp mặt ruộng thoát nước tốt, tránh thất thu năng suất lúa sạ.
Theo ông Trần Thanh Tâm - Trưởng phòng Bảo vệ thực vật Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh Đồng Tháp: “Nông dân phải chú ý gieo sạ lúa theo đúng lịch thời vụ để né rầy di trú, xây dựng các giống lúa chủ lực cho từng vùng.
Để hạn chế thiệt hại do sâu bệnh, nông dân cần tập trung chăm sóc, bón phân cân đối cho cây lúa theo đúng quy trình kỹ thuật “3 giảm 3 tăng”, “1 phải 6 giảm”; nông dân cần theo dõi, nắm rõ diễn biến thời tiết và thường xuyên thăm đồng để chủ động phòng, chống các loại dịch hại.
Ngành nông nghiệp các huyện, thị nên thường xuyên kiểm tra đồng ruộng, tập trung chủ động nước; hướng dẫn nông dân sử dụng thuốc
Bảo vệ thực vật phù hợp, hạn chế sử dụng thuốc đến mức cần thiết; khuyến cáo nông dân nên xuống giống dứt điểm trước ngày 31/12...”.
Có thể bạn quan tâm

Tính đến cuối năm 2014, diện tích chuối của riêng xã Tân Long đã lên đến trên 700 ha trên tổng số khoảng 2.200 ha của toàn huyện. Đây là cây dễ trồng, phù hợp với thổ nhưỡng, khí hậu, điều kiện canh tác ở địa phương, lại ít sâu bệnh, bán được giá nên nông dân Tân Long tích cực mở rộng diện tích chuối. Những năm qua chuối Hướng Hóa đã trở thành mặt hàng xuất khẩu có giá trị, mang về một nguồn thu không nhỏ cho người dân.

Ngành Nông nghiệp huyện Châu Thành (An Giang) phối hợp các ngành chức năng triển khai thực hiện 7 nhà trồng nấm ứng dụng công nghệ cao (quy mô từ 24-30 m2/nhà). Trong đó, thị trấn An Châu 3 nhà và xã An Hòa 4 nhà, trồng các loại: Nấm rơm, nấm bào ngư, nấm mèo...

Ở huyện Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long, nằm hai bên bờ sông Măng Thít, cách TP Vĩnh Long 32 km, cách TP Cần Thơ 28 km - từ lâu nổi tiếng thương hiệu cam sành ngọt lịm.

Tuy nhiên, do sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, chưa có quy hoạch vùng nguyên liệu ổn định; các đơn vị đăng ký thương hiệu còn ít. Phần lớn sản phẩm sản xuất ra chưa đáp ứng được tiêu chí về đăng ký bảo hộ thương hiệu; chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm; bao bì, nhãn mác đơn điệu, thiếu tính thẩm mỹ, chưa tạo được thiện cảm với người tiêu dùng; hoạt động quảng bá sản phẩm mới thực hiện trong phạm vi hẹp chứ chưa sâu rộng, đồng bộ… nên số lượng hàng hóa nông sản tiêu thụ tại thị trường lớn chưa nhiều, giá bán bấp bênh.

Giá khóm tại Tân Phước (Tiền Giang) hiện đang rớt giá mạnh khiến nhiều nông dân lo lắng. Qua khảo sát tại các điểm thu mua, giá khóm hiện chỉ trên dưới 1.000 đồng/kg nhưng lượng mua vào rất ít.