Chim Công Vật Nuôi Mới, Cho Hiệu Quả

Những năm gần đây, phong trào chăn nuôi động vật hoang dã của người dân có chiều hướng phát triển. Cùng với các hộ nuôi lợn rừng, nhím, chồn hương, chim trĩ… anh Nguyễn Hữu Khởi ở thôn Đông Sơn, xã Việt Đoàn (Tiên Du - Bắc Ninh) lại chọn cho mình một vật nuôi khác, đó là chim công. Bước đầu mô hình này đem lại hiệu quả kinh tế cao.
Chúng tôi đến thăm mô hình nuôi chim công của gia đình anh Khởi qua buổi thăm quan thực tế của lớp tập huấn kỹ thuật chăn nuôi gia cầm an toàn sinh học do Trung tâm Khuyến nông-Khuyến ngư tỉnh tổ chức. Anh Khởi cho biết: “Trước đây, gia đình tôi cũng nuôi gia cầm nhưng do giá cám tăng cao, dịch bệnh nhiều, nên không còn nuôi nữa.
Đến năm 2009, trong một lần tình cờ xem phóng sự trên truyền hình VTV2 về mô hình nuôi chim công của một nông dân ở tỉnh Nam Định, tôi đã bị say mê bởi loài chim hoang dã có bộ lông sặc sỡ rất đẹp này nên quyết tâm xuống Nam Định mua 20 con chim công mới nở, giống Ấn Độ, giá 750.000 đồng/con về nuôi thử”.
Vốn bản tính cần cù, ham học hỏi, anh đã tự tìm hiểu những kỹ thuật nuôi chim trên mạng internet, sách báo, cộng với việc có kinh nghiệm nhiều năm trong lĩnh vực nuôi gia cầm nên việc nuôi chim công của anh gặp nhiều thuận lợi, chim phát triển tốt. Từ số giống này, giờ đây đàn chim của gia đình anh Khởi sinh sôi lên đến hàng trăm con.
Nói đến công việc chăn nuôi chim công, anh Khởi chia sẻ: “Chim công là loài động vật có nguồn gốc hoang dã, việc nuôi nó không quá khó như mọi người thường nghĩ. Ưu điểm của loài chim là sức đề kháng tốt, tỷ lệ nuôi sống cao. Chim công là loài ăn tạp, thức ăn cho chim cũng đơn giản, dễ kiếm, chủ yếu là thóc, ngô và rau xanh, cỏ chiếm 60%, lượng thức ăn chỉ bằng 1/3 của gà nên tiết kiệm được khá nhiều chi phí chăn nuôi.
Một ngày anh cho ăn 2 lần, buổi sáng cho ăn ngũ cốc ủ mầm, chiều cho ăn rau xanh. Riêng chim non sẽ có chế độ ăn khác hơn chim công trưởng thành, vì còn non nớt nên phải thường xuyên theo dõi và chăm sóc cẩn thận hơn. Chuồng trại cho chim cũng rất đơn giản có thể tận dụng chuồng gà, chuồng lợn, xung quanh vây thép B40, chuồng nuôi chọn nơi khô ráo, thoáng mát, bảo đảm giữ ấm mùa đông, thoáng mát về mùa hè”.
Tuy nhiên, cách vệ sinh phòng bệnh cho chim công chính là bí quyết khiến anh Khởi thành công với vật nuôi này. Cùng với việc tiêm phòng như các loại gia cầm khác, anh thường xuyên sử dụng men vi sinh rải khắp chuồng trại để xử lý chất thải, khử mùi hôi, tạo môi trường sạch, giúp chim công phát triển nhanh, rất ít bị bệnh đường ruột và hô hấp.
Sau 2 năm nuôi chim đạt đến độ tuổi trưởng thành và bắt đầu có khả năng sinh sản. Chim công đẻ vào cuối mùa xuân cho tới hết mùa hè, mỗi năm công mái đẻ khoảng 25 đến 35 trứng. Ban đầu khi chim công giống đẻ trứng, anh Khởi cho gà ấp trứng nhưng tỷ lệ nở không cao nên anh đã sử dụng lò điện để ấp và tìm ra công thức duy trì nhiệt độ thích hợp để trứng nở với tỷ lệ 90%.
Mỗi con chim công non mới nở được bán với giá 1 triệu đồng, nếu nuôi khoảng 2 năm, con trưởng thành nặng 6 - 7 kg, có thể làm giống thì giá lên đến 10 triệu đồng/con. Hiện mỗi năm gia đình anh Khởi bán khoảng 200 con chim công mới nở, thu về hơn 200 triệu đồng. Khách hàng của anh chủ yếu là các khu du lịch, những hộ gia đình khá giả trong và ngoài tỉnh mua để làm cảnh.
Mô hình nuôi chim công của anh Nguyễn Hữu Khởi là một độc đáo trong việc chuyển đổi giống vật nuôi mới. Hiện mô hình này bước đầu đang phát triển tốt, hy vọng với sự quan tâm hơn nữa của các cấp, các ngành, sự đồng thuận của người dân mô hình chăn nuôi như của anh ngày càng được nhân rộng.
Có thể bạn quan tâm

Bình quân cứ 4 - 4,5 kg nhái tươi sẽ cho một kg khô. Giá nhái khô hiện thời 540.000 đ/kg, còn vào dịp Tết khô nhái lên 650.000 đ/kg mà không có hàng để bán.

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có gần 85% tổng diện tích nuôi trồng thủy sản phải sử dụng máy nổ, vì chưa có nguồn điện lưới phục vụ. Điều này dẫn đến giá thành cao, hiệu quả kinh tế thấp, từ đó gây ảnh hưởng trực tiếp đến việc tăng giá nguyên liệu đầu vào, làm giảm năng lực cạnh tranh của các nhà máy chế biến thủy sản trong tỉnh và vùng ĐBSCL.

Sáng 31/3, tại TP Tuy Hòa, Trung tâm Khuyến nông quốc gia phối hợp với Sở NN-PTNT Phú Yên tổ chức diễn đàn Khuyến nông @ nông nghiệp với chuyên đề Quản lý và phát triển bền vững nghề nuôi tôm hùm tại các tỉnh Duyên hải miền Trung.

Thời điểm thu hoạch càphê niên vụ 2013-2014, giá càphê nhân trên thị trường Tây Nguyên đạt 34.000 đồng/kg, thậm chí có lúc chỉ còn 31.000 đồng/kg, khiến đa phần nông dân không dám bán mà cất trữ, chờ giá lên. Hiện tại, giá càphê nhân tại đây tăng lên 40.900 - 41.600 đồng/kg nên bà con đồng loạt bán ra thị trường.

Theo Tiến sĩ Trần Du Lịch, việc bà con nông dân được mùa-mất giá là do sản xuất nông nghiệp hiện vẫn trong tình trạng không chính quy, chạy theo phong trào.