Chị Nguyễn Thị Năm, Tỷ Phú Nuôi Dê, Cừu Trên Đồng Đất Quán Thẻ

Hơn 30 năm gắn bó với nghề nuôi dê, cừu với bao vất vả, thăng trầm, đến nay chị Nguyễn Thị Năm, thôn Quán Thẻ 1 (xã Phước Minh, Thuận Nam) đã xây dựng cho mình trang trại nuôi cừu, với tổng đàn lên đến 1.000 con. Lợi nhuận hàng năm từ chăn nuôi cừu đã giúp chị trở thành một trong số ít phụ nữ giàu có trên đồng đất Quán Thẻ.
Quê ở Ma Lâm, Hàm Thuận Bắc, Bình Thuận. Năm 1968, chị lập gia đình. Vợ chồng làm nông, buôn bán mè, đậu lúc nông nhàn. Những tưởng cuộc sống an bình cứ thế trôi qua, nào ngờ năm 1977, chồng chị lâm bệnh nặng rồi qua đời, để lại cho chị 4 đứa con trong độ tuổi đến trường. Mọi gánh nặng cuộc sống bắt đầu đè nặng lên đôi vai của chị. Gửi con cho nội, chị ngược xuôi buôn bán kiếm đồng ra đồng vào nuôi các con ăn học.
Bằng sự cần cù chăm chỉ, năm 1982 chị tích cóp được 10 triệu đồng và chuyển từ nghề buôn mè, đậu sang buôn dê (bỏ mối từ Ninh Thuận vào TP. Hồ Chí Minh). Công việc tuy vất vả vì đường sá xa xôi, lại xa gia đình nhưng trừ chi phí mỗi năm chị dành dụm được trên 5 chỉ vàng.
Nhận thấy mang lại lợi nhuận khá, năm 1991 chị chuyển từ Bình Thuận ra định cư tại thôn Quán Thẻ 1, xây dựng chuồng trại nuôi thử 10 con dê bách thảo. Do hợp khí hậu nên dê sinh sản nhanh. Lời lãi từ những chuyến buôn dê bỏ mối chị tích cóp mua dê giống, gầy dựng đàn lên tới 250 con. Năm 2001, giá dê tăng cao (5-7 triệu đồng/con), chị bán toàn đàn thu lãi hàng trăm triệu đồng.
Từ tiền bán dê, chị mua 30ha đất và 50 con cừu nái về xây dựng trang trại chăn nuôi. Nhờ được chăn thả, nuôi dưỡng hợp lý, cộng thêm số cừu chị mua thêm từ nguồn lãi buôn bán nên đàn cừu của chị ngày càng phát triển. Năm 2003, giá cừu tăng cao, chị bán giống thu về hàng trăm triệu đồng. Làm ăn thuận lợi, chị quyết định đầu tư mở rộng chuồng trại, quy hoạch khu vực nuôi cừu cái đẻ, cừu thịt để có chế độ chăm sóc hợp lý, đàn cừu vì vậy phát triển rất nhanh, lên đến 600 con.
Năm 2007, giá cừu giảm mạnh, trong khi nhiều hộ nuôi bán tháo thì chị Năm vẫn vững tin vào cơ hội chăn nuôi của mình. Chị không những bán sản phẩm mà tập trung, gầy dựng đàn, đến năm 2008 tăng lên 1.000 con, tổng đàn được duy trì cho đến nay. Nhờ hướng đi đúng đắn, năm 2009, giá cừu tăng trở lại, chị có lượng lớn cừu giống, cừu thịt cung cấp cho thị trường, mang về khoản thu lớn.
Với trang trại 1.000 con cừu, chị đang tạo công ăn việc làm cho 3 gia đình với tổng thu nhập gần 80 triệu đồng/gia đình/năm. Với giá cừu ở mức 3-4 triệu đồng/con như hiện nay, mỗi năm chị xuất chuồng khoảng 500 con, thu về tiền tỷ. Năm 2013, từ nguồn lãi chăn nuôi, chị đầu tư 500 triệu đồng mua xe tải, phục vụ nhu cầu chăn nuôi và thu mua phân cừu bán lại cho các chủ vườn tại Bình Thuận, Lâm Đồng. Từ phân cừu tuy chỉ là phụ nhưng mỗi chuyến đi trừ chi phí cũng thu lãi trên 1 triệu đồng.
Chia sẻ về sự thành công của mình, chị Nguyễn Thị Năm cho biết: Để thành công ở bất cứ nghề gì, điều cần thiết là phải biết tính toán, chịu khó, đam mê công việc và đặc biệt là phải có niềm tin vào những gì mình làm. Không ai thành danh một sớm một chiều, tất cả đều phải đi lên từ những cái nhỏ nhất. Có niềm tin, sự cần cù, chăm chỉ, mọi thứ sẽ đi đến đích.
Có thể bạn quan tâm

Thực trạng đốt rơm rạ đang diễn ra rải rác trên nhiều vùng trong cả nước. Nhiều bà con đã hỏi về lợi, hại ra sao.

Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đồng ý việc xây dựng, ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 36/2014/NĐ-CP ngày 29/4/2014 của Chính phủ về nuôi, chế biến và xuất khẩu sản phẩm cá tra áp dụng theo trình tự, thủ tục rút gọn.

Từ tháng Tám đến nay, Thanh tra Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tây Ninh phối hợp với ngành thú y tỉnh kiểm tra 9 cơ sở chăn nuôi lợn trên địa bàn, phát hiện 5 cơ sở có sử dụng chất cấm Salbutamol (chất tạo nạc).

Nhiều doanh nghiệp cho biết đã sẵn sàng xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi nhưng hiện còn khá nhiều vướng mắc.

Nếu vẫn giữ tư duy sản xuất theo số lượng mà không coi trọng chất lượng, nông sản của VN sẽ không thể tận dụng cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do