Chi 4,8 tỷ đồng nhập 80 heo giống siêu năng suất

Chia sẻ với VnExpress.net, ông Âu Thanh Long, Phó chủ tịch Hiệp hội chăn nuôi Đông Nam Bộ cho biết, hiệp hội cùng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam vừa có chuyến công tác tại 4 nước châu Âu là Đan Mạch, Anh, Pháp, Đức để xúc tiến mua con giống Dambred nổi tiếng nhất thế giới về năng suất nhằm cải thiện thay thế dần đàn heo giống tại Việt Nam kém hiệu quả do thoái hóa gen.
Tại buổi làm việc, phía Đan Mạch và Bộ Nông nghiệp đã đàm phán xong về chuyển giao kỹ thuật, hỗ trợ đào tạo nhân sự quản lý trình độ cao và cung cấp con giống Dambred giữa 2 nước. Đặc biệt, cũng tại buổi họp này, lần đầu tiên hợp đồng ký kết nhập 80 con giống Dambred giữa Dambred International và Công ty cổ phần chăn nuôi Duy Cường đã được hoàn tất.
Lô heo giống có giá trị 200.000 Euro (hơn 4,8 tỷ đồng, chưa bao gồm phí nhập khẩu) sẽ về đến Việt Nam vào giữa tháng 6 qua cửa khẩu sân bay Tân Sơn Nhất. Đây cũng là lô hàng nhập lớn nhất từ trước đến nay về giống heo này.
Trong quá trình nuôi và gây giống, toàn bộ số heo nái này sẽ được gắn chip điện tử để máy tính nhận diện, định lượng chính xác số lượng thức ăn, kiểm soát sức khỏe vật nuôi qua từng khẩu phần ăn được lập trình riêng cho mỗi con theo từng thể trạng thích hợp. Phương pháp này sẽ tạo ra sự đồng đều cao trong đàn, giúp cảnh báo sớm heo có dấu hiệu bệnh, sốt về máy tính trung tâm để xử lý kịp thời.
Lý giải cho việc nhập giống heo siêu năng suất này, ông Long cho hay, hiện nay heo giống của Việt Nam đang kém cạnh tranh hơn so với các nước trong khu vực, trong khi các quốc gia như Thái Lan, Malaysia… cũng đã nhập loại này.
Ưu điểm của con giống Dambred là tỷ lệ đẻ sai, thời gian nuôi ngắn ngày, nhanh lớn và tiết kiệm cám. Trung bình cứ 6 tháng là loại heo này sinh sản. Nếu giống heo thông thường của Việt Nam có tỷ lệ đẻ 25 con một năm thì loại này cho số lượng lên tới 35 con.
Có thể bạn quan tâm

Dự báo đến năm 2015, Đà Lạt phải phát triển khoảng 2.500ha diện tích khoai tây (năng suất trung bình trên dưới 25 tấn/ha) mới đáp ứng nhu cầu tiêu thụ trong và ngoài địa phương.

Hơn nửa tháng qua, giá cá điêu hồng nuôi bè tăng trở lại dù chưa ổn định, tình hình tiêu thụ cũng thuận lợi hơn nên người nuôi cá điêu hồng lồng bè cơ bản đã vượt qua được thời điểm khó khăn. Sự khởi sắc của làng bè nuôi cá điêu hồng đã kéo giá cá điêu hồng giống tăng lên sau thời gian dài “rớt đáy” cùng cá điêu hồng thương phẩm.

Thời gian qua, do hạn hán kéo dài, dẫn đến thiếu nước sinh hoạt và sản xuất hè thu tại một số địa phương ở Bình Thuận. Đây cũng chính là nguyên do dẫn đến việc trễ thời vụ xuống giống, gây áp lực về tình hình sâu bệnh trên cây trồng gia tăng.

Bộ NN&PTNT vừa phê duyệt quy hoạch vùng cây ăn quả chủ lực trồng tập trung và định hướng rải vụ một số cây ăn quả Nam bộ đến năm 2020. Theo đó, Bộ NN&PTNT đã chọn 12 loại cây ăn quả chủ lực, trong đó có 5 loại cây được trồng rải vụ. Tổng diện tích cây ăn quả chủ lực trồng tập trung đến năm 2020 là 257.000ha, bao gồm 12 loại cây ăn quả chủ lực như: Thanh long, xoài, chôm chôm, sầu riêng, vú sữa, bưởi, nhãn, chuối, thơm, cam, mãng cầu và quýt.

Chúng tôi rất ấn tượng khi đến tham quan trang trại “sản xuất, chăn nuôi tổng hợp” của kỹ sư ngành công nghệ thông tin Nguyễn Thanh Tuấn ở thôn Thái Xuân, xã Tam Hiệp, huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam.