Chanh Tăng Giá Kỷ Lục

Hiện tại, nông dân trồng chanh ở huyện Cái Bè (Tiền Gaing) rất phấn khởi vì giá tăng cao ngất ngưởng, thương lái tới tận vườn mua với giá từ 34.000 - 37.000 đồng/kg, đây là mức giá cao kỷ lục từ trước đến nay.
Cái Bè vốn nổi tiếng với các loại cây ăn trái lâu năm như quýt, bưởi, cam sành, xoài cát Hòa Lộc … Trong quá trình chuyển đổi từ vườn tạp kém hiệu quả sang vườn chuyên canh cây ăn trái lâu năm, người dân đã tận dụng những khoảng đất trống để trồng xen cây chanh, nhằm mục đích lấy ngắn nuôi dài khi cây chủ lực còn nhỏ. Điển hình có ông Đặng Văn Sang ở ấp I, xã Tân Thanh trồng xen cây chanh tứ quí trong vườn dâu 1.500 m2 đất của mình. Đến nay, cây chanh của ông đã hơn 2 năm tuổi và cho năng suất rất ổn định. Ông Sang cho biết, từ sau Tết Nguyên đán đến nay đã thu hoạch được hơn 1 tấn trái với giá bán trung bình 15 – 37 ngàn đồng/kg, thu nhập gần 30 triệu đồng.
Nhận thấy được tiềm năng đó, khoảng 3 năm trước, ông Hà Phước Tài, ở ấp 4, xã Tân Thanh đã cải tạo 3.000 m2 vườn tạp kém hiệu quả của mình để trồng chuyên canh cây chanh bông tím. Đến nay, vườn chanh của ông đã cho thu hoạch trung bình mỗi tháng 2 đợt. Từ đầu năm đến nay, ông đã thu hoạch gần 4 tấn trái mang lại cho gia đình ông nguồn lợi gần 80 triệu đồng. Theo ông Tài thì cây chanh bông tím không cần phải xử lý nghịch vụ mà cứ để cho trái quanh năm. Ông Tài tâm sự: “Muốn làm ăn được với cây chanh bông tím này thì nhất định phải thắng được con bọ xít và nhện đỏ ”.
Bình quân mỗi ha đất trồng chanh đạt năng suất 10 - 12 tấn/ha/năm, với giá như hiện nay bà con trồng chanh ở Cái Bè sẽ lợi nhuận rất nhiều. Đây là động lực giúp nhà vườn áp dụng đồng bộ các biện pháp thâm canh, chăm sóc phù hợp, đặc biệt là tác động cho chanh ra trái nghịch mùa, nghịch vụ để đạt giá trị kinh tế cao. Ngoài ra, để giúp ổn định đầu ra cho cây chanh với chất lượng tốt, tạo được tín nhiệm trong người tiêu dùng, tỉnh Tiền Giang đã thành lập HTX trồng chuyên canh chanh tại Tân Thanh. Đây là hướng đi đúng tạo mối liên kết 4 nhà vững chắc cũng như mở đường cho việc trồng, tiêu thụ nông sản sạch theo hướng hội nhập.
Được biết, Cái Bè có diện tích trồng chanh gần 1.000ha, chủ yếu tập trung ở các xã: Tân Thanh, Thiện Trí, Hòa Khánh, Đông Hòa Hiệp, Mỹ Đức Tây, Mỹ Đức Đông và An Cư.
Có thể bạn quan tâm

Hiện nay, tại huyện Kiên Lương, tỉnh Kiên Giang, khoảng 15.000 tấn sò lông đến kỳ thu hoạch nhưng chưa được khai thác, còn nằm dưới bãi nuôi vì không có thương lái mua, khiến nhiều hộ dân nuôi sò gặp khó khăn trong việc tìm đầu ra cho loài thủy sản hai mảnh vỏ này.

Hợp tác xã (HTX) Chăn nuôi – Thủy sản Gò Công (Thị xã Gò Công, Tiền Giang) đã được Công ty TNHH San Hà (Tp. Hồ Chí Minh) ký hợp đồng bao tiêu toàn bộ sản phẩm gà ta “Gò Công” chăn nuôi theo quy trình an toàn với giá 60.000 đồng/kg đối với gà trống và 75.000 đồng/kg đối với gà mái. Với mức giá trên, hộ xã viên nuôi 1.000 con gà ta Gò Công sẽ thu lãi 30 triệu đồng sau chu kỳ 3 tháng nuôi.

Tác động của thời tiết nắng nóng kéo dài đã làm gần 190 ha cây trồng vụ Đông Xuân 2012-2013 trên địa bàn huyện Chư Pah (Gia Lai) bị hạn; trong đó 30 ha bị mất trắng, số còn lại đang dần phục hồi. Theo Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Chư Pah - ông Phạm Minh Châu, diện tích cây trồng bị hạn vụ sản xuất năm nay giảm nhiều so với năm 2010 trở về trước.

Khi áp lực về việc làm tăng cao, cùng với các loại dịch bệnh trên gia súc, gia cầm phát sinh khó kiểm soát, các hộ dân của xã Thái Bảo, huyện Gia Bình đã đưa con dế vào nuôi thử nghiệm, bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế cao, mở ra cơ hội mới trong phát triển kinh tế của nông dân.

Ông Trần Lâm Sinh, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ thực vật Đồng Nai cho biết, tính đến thời điểm này, toàn tỉnh Đồng Nai đã phát hiện ra gần 800 héc ta bắp không hạt, tập trung chủ yếu ở các huyện: Cẩm Mỹ, Xuân Lộc, Long Thành và TX. Long Khánh với mức độ thiệt hại từ 30 - 60%.