Chanh đào xuống giá thê thảm
Vườn chanh đào nhà anh Ngô Văn Thắng, khu 1, thị trấn Cao Phong (Hòa Bình) đã chín nhưng rất ít thương lái đến hỏi mua.
Khác với mọi năm đến thời điểm này, giá chanh đào xuống liên tục.
So với đầu vụ, giá giảm gần một nửa.
Nhiều hộ dân lo lắng cho tương lai của cây chanh đào.
Liệu đây có phải là cây xóa đói - giảm nghèo nữa không?
Nhìn những quả chanh đào đang độ chín, anh Ngô Văn Thắng ở khu 1, thị trấn Cao Phong (Cao Phong - Hòa Bình) than thở: Không hiểu tại sao giá chanh năm nay xuống thê thảm đến thế.
Hiện tại, chanh đẹp, quả to giá chỉ từ 13.000 - 14.000 đồng/kg do thương lái tự cắt.
Nếu chủ vườn cắt thì giá 15.000 đồng/kg.
Không như quả chanh trắng, quả chanh đào phải chín chuyển màu đào, thương lái mới mua.
Khi đã chín phải thu hoạch trong thời gian ngắn, nếu không sẽ bị rụng.
Do vậy thương lái ép giá xuống nhưng giá rẻ có người mua là tốt.
Nhiều vườn không bán được vì thương lái chê quả xấu nên đành bỏ rụng.
Nguyên nhân do năm nay thời tiết nắng gắt và mưa nhiều nên chanh chín sớm, chín hàng loạt.
Anh Thắng cho biết thêm: Nhà tôi có gần 200 cây chanh đào.
Năm ngoái thu được hơn 2 tấn, giá bán trung bình 36.000 đồng/kg.
Năm nay, sản lượng tương đương năm ngoái.
Đầu vụ bán với giá 28.000 - 30.000 đồng/kg.
Nhưng thời điểm đó, chanh chín ít nên chỉ bán được vài tạ.
Vài hôm nữa nếu giá không tăng cũng phải bán hết, nếu không bán chanh chín quá cũng rụng hết.
Có ít, không chờ tư thương đến mua, anh Nguyễn Duy Khánh ở khu 2, thị trấn Cao Phong bán chanh bằng cách quảng cáo trên facebook.
Anh cho biết: Gia đình có trên 200 cây chanh đào.
Năm nay, cây có quả bói, cả vườn được khoảng vài tạ quả.
Thấy nhu cầu bạn bè cần chanh, tôi đưa lên facebook và nhiều người đặt hàng.
Tuy mất công một chút là chuyển chanh về Hà Nội và giao cho từng người nhưng bán được giá hơn.
Nhiều người rất thích chanh đào Hòa Bình vì họ biết rõ nguồn gốc, xuất xứ do chính tay mình trồng.
Tuy nhiên, cách bán này số lượng tiêu thụ có hạn.
Sang năm cây trưởng thành, sản lượng cao hơn nên cũng lo cho đầu ra.
Theo đánh giá của nhiều người có kinh nghiệm trồng chanh, hiện nay, việc tiêu thụ phụ thuộc vào tư thương.
Mọi năm, thương lái mua hàng chuyển về cảng Hải Phòng mang vào miền Nam.
Nhưng hiện tại, nhiều nơi trồng được nên việc mang đi hạn chế.
Mặt khác, cây chanh đào dễ trồng, dễ chăm sóc nên trong hai năm lại đây, diện tích chanh tại Cao Phong và một số huyện lân cận tăng lên đáng kể.
Không như những cây khác, quả chanh hiện nay vẫn chỉ coi là cây gia vị nên mức tiêu thụ cũng có mức độ.
Đồng chí Nguyễn Văn Phúc, Trưởng phòng NN &PTNT huyện Cao Phong cho biết: Có nhiều nguyên nhân chanh đào xuống giá, trong đó có nguyên nhân do chín đồng loạt, nhiều người bán mà nhu cầu thị trường đã bão hòa.
Tuy nhiên, theo tính toán, giá như thế này, nông dân trồng vẫn có lãi vì cây canh đào dễ trồng, dễ chăm sóc, ít đầu tư.
Đối với nhiều hộ dân ở huyện Cao Phong, đây không phải là cây thu nhập chính vì phần lớn họ trồng làm bờ rào bảo vệ.
Để tránh những rủi ro được mùa, mất giá, được mùa không biết bán cho ai, người nông dân cần trồng những cây sử dụng phổ biến trong đời sống, có mùa vụ thu hoạch dài, không bị tác động của thị trường cung - cầu.
Có thể bạn quan tâm

Giống bò Barahman đỏ có trọng lượng gần 1 tấn/con trưởng thành, giá trị kinh tế cao hơn bò vàng song thời gian sinh trưởng lại như nhau.

Mô hình luân canh lúa- tôm sú đã và đang phát triển trên vùng đất nhiễm phèn, mặn ở đất Mỹ Xuyên (Sóc Trăng) khá lâu. Hiện nay do thoái hoá giống, năng suất lúa không được cao và luôn bị sâu bệnh tấn công nhất là bệnh vàng lùn và lùn xoắn lá.

Vụ xuân năm 2014, toàn tỉnh Thái Bình gieo cấy được 80.679 ha, trong đó gieo thẳng đạt 28.662 ha, chiếm 35,5% so với tổng diện tích gieo cấy, tăng gần 7.000 ha so với vụ xuân năm 2013.

Khác với không khí tất bật, hồ hởi trong những ngày thu hoạch rộ của những năm trước, vụ hành 2014 nông dân thị xã Vĩnh Châu (Sóc Trăng) đối mặt nguy cơ trắng tay vì sự tấn công của sâu bệnh hại hành.

Hơn một tuần nay, giá ớt trên thị trường đột ngột giảm mạnh, khiến hàng trăm hộ trồng ớt ở các huyện: Mỹ Tú, Mỹ Xuyên và thị xã Vĩnh Châu (Sóc Trăng) cầm chắc phần lỗ, mùa ớt năm nay càng thêm “cay”.