Chăn Nuôi Theo Chuỗi Giá Trị Liên Kết Vẫn Rất Lỏng Lẻo

Liên kết trong sản xuất chăn nuôi là một tất yếu đem lại lợi ích cho những hộ chăn nuôi nhỏ lẻ và sức khỏe cho cả ngành chăn nuôi. Cần phải làm gì để liên kết chăn nuôi phát triển bền vững là vấn đề được Cục Chăn nuôi- Bộ NN & PTNT đang đặt ra.
Đây là chia sẻ của ông Nguyễn Xuân Dương- Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN & PTNT), tại Hội nghị tổng kết ngành chăn nuôi và quản lý thức ăn chăn nuôi do Bộ NN & PTNT tổ chức sáng nay 2/12 tại Hà Nội.
Theo báo cáo của Cục Chăn nuôi, sản xuất chăn nuôi năm 2014 tăng trưởng khá cao, ước tính tăng 4- 5% so với năm 2013. Trong đó, chăn nuôi lợn tăng gần 3%, gia cầm khoảng 5%, bò sữa khoảng 12% và thức ăn chăn nuôi khoảng 6%. Giá vật tư đầu vào không tăng, trong khi sản phẩm đầu ra luôn ở mức cao, lợn nạc bình quân trong năm từ 47.000- 52.000 đồng/kg, ngành chăn nuôi nhất là chăn nuôi lợn, bò sữa, trứng gia cầm có lời khá lớn.
Quản lý dịch bệnh, chất lượng vật tư và thiên tai được kiểm soát tốt hơn, trong năm không có bùng phát các ổ dịch lớn, số lượng gia súc, gia cầm chết về thiên tai thấp, chất lượng thức ăn chăn nuôi có nhiều cải thiện. Mặc dù vậy, năng suất chất lượng sản phẩm chăn nuôi còn thấp, giá thành cao. Giá bò thịt của Úc bằng 1/2, giá lợn của Mỹ bằng 3/4 giá của Việt Nam.
Theo ông Dương, sản xuất chăn nuôi theo chuỗi liên kết là phương thức sản xuất tất yếu trong nền kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế mà hầu hết các nước phát triển áp dụng.
Tại Mỹ, ngành chăn nuôi lợn với sản lượng lợn hơi xuất chuồng gần 11 triệu tấn/năm, chỉ chịu chi phối bởi 10 chuỗi liên kết giá trị, đứng đầu của mỗi chuỗi là một doanh nghiệp (tập đoàn), dưới đó là các trang trại, hợp tác xã, hộ chăn nuôi gia công. 100% sản phẩm chăn nuôi hàng hóa tại Nhật Bản và 70% sản phẩm chăn nuôi hàng hóa ở Thái Lan đều xuất phát từ các chuỗi liên kết sản xuất.
Ở Việt Nam, mới hình thành và phát triển, nhưng đã chứng minh được rằng doanh nghiệp nào tổ chức sản xuất, kinh doanh theo chuỗi khép kín từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm thì đều là nhưng doanh nghiệp hiệu quả và phát triển bền vững như Sữa Mộc Châu, Sữa Quốc tế, Dabaco….
Ông Dương cho biết, hiện liên kết trong sản xuất chăn nuôi phát triển chậm và tự phát, việc triển khai các chương trình trọng điểm, nhất là đề án tái cơ cấu ngành chăn nuôi chậm, một số địa phương đến nay vẫn chưa phê duyệt đề án.
Theo ông Hoàng Thanh Vân- Cục trưởng Cục Chăn nuôi, mở rộng chuỗi liên kết trong chăn nuôi sẽ giúp đẩy lùi tình trạng tư thương ép giá. Tuy nhiên, hiện nay, trên địa bàn cả nước, chuỗi triển khai rất nhiều nhưng chưa bài bản. Phát triển chuỗi liên kết trong chăn nuôi vẫn đang ở giai đoạn đánh giá bước đầu.
Lý giải về vấn đề này, ông Vân cho biết, hiện nay nhận thức hợp tác theo chuỗi chưa được đồng bộ từ sản xuất đến tiêu thụ vì sản xuất theo chuỗi phải qua 7 khâu và có nhiều thành phần tham gia. Bên cạnh đó, việc tạo lập thị trường có truy suất nguồn gốc và người tiêu thụ chấp nhận sản phẩm thì chưa làm được, điều này đòi hỏi sự cố gắng rất lớn của các doanh nghiệp tham gia tạo lập chuỗi thì mới thành công.
Ngoài ra, vấn đề về vốn để tạo ra chuỗi phải trải qua 7 khâu, tất cả các khâu đều cần vốn, sự tham gia vốn này đối với người sản xuất nhỏ, vừa và các doanh nghiệp sản xuất lớn đều rất thiếu. Điều này đòi hỏi cần có sự vào cuộc đồng bộ của các chính sách tác động vào nó, đặc biệt là việc giải quyết vốn với lãi suất hợp lý để cho các khâu sản xuất giống, thức ăn, giết mổ, thị trường tiêu thụ và sự liên kết giữa họ thì sự tác động của các dòng vốn vào đây là rất quan trọng.
“Cục Chăn nuôi sẽ tổng kết các loại hình liên kết theo chuỗi để đánh giá báo cáo với Bộ NN & PTNT, sau đó Bộ NN & PTNT sẽ báo cáo với Chính phủ xin ý kiến chỉ đạo và có chính sách cho phù hợp hợp đến 2015 tạo điều kiện cho các chuỗi có thể phát triển tốt hơn”, ông Vân nhấn mạnh.
Thứ trưởng Bộ NN & PTNT Vũ Văn Tám nhấn mạnh, ba yếu tố quan trọng mà ngành chăn nuôi cần phải làm tốt hơn là giảm giá thành thức ăn chăn nuôi, đột phá về giống và đẩy mạnh hợp tác, liên kết trong chăn nuôi theo chuỗi từ sản xuất tới chế biến, tiêu thụ gắn với đảm bảo an toàn thực phẩm. Đây cũng là những yếu tố cần chú trọng khi tái cơ cấu ngành chăn nuôi hiện nay.
Nguồn bài viết: http://baocongthuong.com.vn/thi-truong-trong-nuoc/73182/chan-nuoi-theo-chuoi-gia-tri-lien-ket-van-rat-long-leo.htm#.VH59lo0cTDc
Có thể bạn quan tâm

Hồi 1 giờ ngày 11/8, vị trí tâm bão ở vào khoảng 14,2 độ Vĩ Bắc; 127,0 độ Kinh Đông, cách đảo Lu-Dông (Philippines) khoảng 650km về phía Đông Nam. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 13, giật cấp 15, cấp 16.

Trong chiến lược phát triển nông - lâm nghiệp tỉnh Điện Biên giai đoạn 2011 - 2015 và định hướng đến 2020, cà phê được xác định là cây mũi nhọn, góp phần xoá đói giảm nghèo cho hàng nghìn hộ dân, nhất là tại huyện Mường Ảng.

Là 1 trong 3 xã vùng ngọt hoá của huyện Trần Văn Thời (Cà Mau) được cho phép chuyển dịch nuôi tôm, ngày ấy, Lợi An từng “làm mưa làm gió” bởi sự phát triển kinh tế nhanh không ngờ. Người dân nơi đây bỗng chốc đổi đời khi con tôm mang lại lợi nhuận đáng kể. Vậy mà giờ đây, Lợi An đang từng ngày nếm “trái đắng”.

Như vậy, kim ngạch xuất khẩu rau quả của Việt Nam đã tăng trưởng liên tục trong 9 năm qua (tính từ năm 2004). Năm 2012 so với năm 1997 đã cao gấp 11,7 lần, bình quân một năm tăng 17,8%. Nhịp độ tăng đã cao trong những năm gần đây, đặc biệt năm 2011 tăng 38,1%, năm 2012 tăng 33,1% - đó là những tốc độ tăng rất cao.

Ngày 24.3, ông Lê Ngọc Pháp, Chi cục trưởng Chi cục Thú y tỉnh, cho biết: Từ ngày 20.3 đến nay, đàn vịt tơ nuôi tại 4 hộ ở xã Hoài Đức (Hoài Nhơn) đã xuất hiện tình trạng vịt chết lẻ tẻ, qua lấy mẫu xét nghiệm, cơ quan Thú y vùng 4 Đà Nẵng đã phát hiện vịt chết do vi-rút cúm A (H5N1).