Chăn Nuôi Khó Phục Hồi Do Sức Mua Quá Yếu

“Trước đây lo thiếu thịt nhưng giờ thì khó khăn nhất lại là thiếu thị trường tiêu thụ”, lãnh đạo Cục Chăn nuôi cho biết.
Tại cuộc họp giao ban Bộ NN- PTNT ngày 4/3, ông Nguyễn Xuân Dương, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi bày tỏ lo ngại trong 6 tháng đầu năm 2014, ngành chăn nuôi khó có thể phục hồi do sức mua của thị trường quá yếu…
Phản ứng phụ
Theo số liệu báo cáo của Cục Thú y, tính đến nay dịch cúm gia cầm đã xuất hiện ở 24 tỉnh, thành phố trên cả nước, tổng cộng có 63 ổ dịch được phát hiện và gây thiệt hại khoảng 63.600 gia cầm.
Cục Thú y cùng các địa phương đã thực hiện tiêm 9,2 triệu liều vacxin, tuy nhiên tại một số địa phương dịch bệnh vẫn đang diễn biến hết sức phức tạp.
Đặc biệt tại tỉnh Trà Vinh có hiện tượng gia cầm chết nhưng không được tiêu hủy theo đúng quy trình mà chủ trại vứt xác gia cầm bừa bãi.
Ngoài ra, tại các tỉnh Lạng Sơn, Cao Bằng, Bắc Kạn cũng có dịch lở mồm long móng tuy nhiên chưa có dấu hiệu lây lan.
Đối với hoạt động phòng chống dịch trong chăn nuôi, Thứ trưởng Vũ Văn Tám nhấn mạnh đây là vấn đề “nóng nhất” hiện nay nên Cục Thú y cần tập trung chỉ đạo các vùng dịch trọng điểm như: Trà Vinh, Khánh Hòa, Nghệ An… Vừa qua Cục Thú y đã chủ động chống dịch khá tốt nhưng ở một số tỉnh mặc dù đã tiêm phòng dịch mà vẫn bùng phát. Theo Thứ trưởng Tám, vấn đề mấu chốt là phải xác định được đúng chủng virus thì mới có thể tiêm phòng hiệu quả.
Một số tỉnh miền Tây Nam Bộ như Bến Tre, Cà Mau… có phát hiện bệnh trên tôm, cá biệt là hơn 800 ha tôm sú ở Sóc Trăng mắc bệnh chưa rõ nguyên nhân.
Nhìn chung, dịch bệnh chưa gây thiệt hại lớn nhưng lại tác động mạnh tới thị trường tiêu thụ, khiến người dân lo ngại nên hạn chế mua gia cầm và các sản phẩm từ gia cầm đã gây ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất.
Ông Nguyễn Xuân Dương cho biết trong thời gian xảy ra dịch cúm gia cầm, giá trứng gà giảm xuống chỉ còn 1.200 đồng/quả, giá thịt gà lông màu giảm chỉ còn 28-30 ngàn đồng/kg.
Đây chính là “phản ứng phụ” khiến ông Dương lo ngại, bởi giá bán sản phẩm giảm mạnh sẽ khiến người chăn nuôi thua lỗ, dẫn tới bỏ chuồng trại.
Một dấu hiệu bất lợi nữa rất dễ nhìn thấy, đó là sức mua của thị trường hiện nay rất yếu: “Cầu kém thì không hy vọng có thể khôi phục chăn nuôi trong 6 tháng đầu năm” ông Dương nói.
Thêm vào đó, hiện nay thị trường trong nước đang chịu sức ép nhất định của dòng thực phẩm nhập khẩu, đây là hiện tượng đã xảy ra từ lâu nhưng trong bối cảnh sức mua trong nước kém lại gặp cạnh tranh mạnh mẽ từ sản phẩm thịt của nước ngoài thì ngành chăn nuôi mới thực sự khốn khó.
“Trước đây chúng ta lo thiếu thịt nhưng giờ thì khó khăn nhất của ngành chăn nuôi là thiếu thị trường tiêu thụ”, vẫn theo ông Dương.
Đồng hành
Trước nguy cơ thị trường trở nên méo mó, biến động theo tâm lý dịch bệnh, Thứ trưởng Vũ Văn Tám khẳng định trách nhiệm của Bộ là phải đồng hành, phối hợp với các địa phương cùng tháo gỡ nhằm tránh thiệt hại cho người chăn nuôi.
Ông Tám cho biết hiện nay ở vùng Đông Nam Bộ có rất nhiều chủ trang trại chăn nuôi gia cầm tuân thủ tốt quy trình an toàn nhưng không bán được sản phẩm, vì vậy việc quan trọng hiện nay là phải có giải pháp để kết nối các chủ trại nuôi với nhà hàng, siêu thị.
“Người dân vẫn muốn ăn thịt gà nhưng họ không biết đâu là gà sạch. Chúng ta phải làm sao để cho người dân thấy những nơi có thể mua được gà ngay trong thời điểm này mà vẫn cảm thấy an toàn”, ông Tám nhận định.
Để giải quyết vấn đề này, Thứ trưởng Vũ Văn Tám giao cho Cục Chăn nuôi chủ trì cùng phối hợp với Cục Thú y và các địa phương, tìm đến các chủ trại nuôi đang gặp khó khăn về thị trường và bàn phương án tháo gỡ cụ thể. Cũng liên quan đến nội dung bảo vệ sản xuất chăn nuôi, Thứ trưởng Tám đề nghị 2 Cục cần chú ý tới công tác chuẩn bị, hỗ trợ giống sau dịch, công tác vệ sinh chuồng trại.
Có thể bạn quan tâm

Ngày 30-9, tại huyện Phú Lương, Hội Nông dân tỉnh Thái Nguyên đã tổ chức Hội nghị triển khai Dự án xây dựng mô hình sử dụng bã nấm tạo giá thể dinh dưỡng để trồng rau, hoa trong chậu.

Từ trước đến nay cá mú, tôm hùm sống đều lệ thuộc vào xuất khẩu tiểu ngạch, thường xuyên bị ép giá. Hội Nghề cá tỉnh Khánh Hòa đang đi đầu trong cả nước lập một dự án đưa cá mú, tôm hùm xuất khẩu chính ngạch bằng tàu thông thủy…

Trung tâm Giống thủy sản Quảng Nam cho biết, số cá tra giống này được thuần hóa giống bố mẹ lấy từ đồng bằng sông Cửu Long, cho sinh sản tại cơ sở nuôi trồng của trung tâm cách đây 3 tháng. Cá tra là loại thủy sản được nuôi thả phổ biến ở miền Nam và trong những năm gần đây đã được nuôi thành công tại Quảng Nam. Đợt thả cá này mang tính chất thử nghiệm với mục đích qua sự chọn lọc của tự nhiên có thể lưu giữ nguồn gien giống cá tra, góp phần bổ sung nguồn lợi thủy sản của tỉnh.

Nuôi ong mật lâu nay là một trong những nghề đem lại hiệu quả kinh tế cao cho nhiều hộ dân xã Động Đạt (Phú Lương - Thái Nguyên) bởi chi phí đầu vào thấp, người nuôi dễ tiếp cận với nghề. Để duy trì nghề nuôi ong mật, Hội Nông dân xã Động Đạt đã thành lập Chi hội Nuôi ong với 26 hội viên. Hàng năm, 500 đàn ong mật của các hội viên Chi hội đã cung ứng ra thị trường từ 10 đến 12 tấn mật.

Chỉ cần điện thoại là hải sản từ nhiều vùng mien sẽ được đóng thùng gửi đến tận nhà trong vòng 1 ngày