Chăn Nuôi Cần Có Đột Phá Trong Khâu Giống

Phần lớn con giống đưa vào chăn nuôi nhập từ các địa phương khác hoặc do người dân tự sản xuất, trong khi nhiều giống vật nuôi đặc sản lại chưa phát huy được thế mạnh.
Đó là thực trạng đáng băn khoăn của ngành chăn nuôi Hà Nội hiện nay.
Nhập 70% giống lợn
Theo số liệu của Trung tâm Phát triển chăn nuôi Hà Nội, hiện đàn lợn sinh sản của TP hiện có 182.000 con. Hàng năm, đàn lợn sinh sản bố mẹ bị loại thải là 52.000 con, trong khi đàn lợn sinh sản ông bà chỉ sản xuất được 16.000 con để thay thế, bằng khoảng 30% yêu cầu.
Ông Nguyễn Thành Trung - Trưởng phòng Phát triển chăn nuôi gia súc nhỏ (Trung tâm Phát triển chăn nuôi Hà Nội) cho biết, 70% giống lợn còn lại phải nhập từ các nơi khác về hoặc do người dân tự cho sinh sản. Chất lượng những con giống này chưa được kiểm soát nên ảnh hưởng lớn đến năng suất, hiệu quả chăn nuôi.
Điều đáng nói là hiệu suất sinh sản của đàn lợn bố mẹ khá thấp. Với các giống lợn nái ngoại, chỉ tiêu sinh sản đạt 2,2 lứa/năm, số con đạt 25 - 28 con/năm, số lợn con sau cai sữa đạt 24 con. Tuy nhiên, đàn lợn nái của TP hiện mới đạt chỉ số sinh sản 20 - 22 con/năm và số con sau cai sữa bình quân là 18,7.
Ông Tạ Văn Tường - Giám đốc Trung tâm Phát triển Chăn nuôi Hà Nội cũng nhận định, hiện TP còn thiếu các trại sản xuất giống lợn ông bà, bố mẹ. Do vậy, không đủ lợn giống bố mẹ có năng suất cao cung cấp cho người chăn nuôi.
Không chỉ giống lợn, Hà Nội hiện cũng đang có nguy cơ thiếu giống bò cái sinh sản làm nền để sản xuất giống bò theo hướng lấy thịt, sữa, nhất là đàn bò cái nền lai Sind đang giảm mạnh.
Về gia cầm, thủy cầm, do sản xuất giống chưa đáp ứng nhu cầu nên người chăn nuôi vẫn phải nhập giống từ nơi khác, tiềm ẩn nhiều nguy cơ lây lan dịch bệnh nguy hiểm như cúm gia cầm. Trong khi đó, nhiều giống vật nuôi đặc sản của TP như gà Mía (Sơn Tây), vịt cỏ Vân Đình (Ứng Hòa), gà đồi Ba Vì, Sóc Sơn... phát triển còn rất hạn chế.
Ứng dụng khoa học kỹ thuật
Để đáp ứng tốt hơn yêu cầu phát triển sản xuất, cung cấp nguồn thực phẩm đủ về số lượng và đảm bảo chất lượng cho Thủ đô, một trong những vấn đề quan trọng hàng đầu là con giống.
Theo nhiều ý kiến, mỗi huyện cần có 2 - 3 trại nái ông bà để cung cấp con giống trên địa bàn. Đồng thời, cần tăng nhập các giống ngoại có năng suất, chất lượng cao đưa vào sản xuất. Ước tính, nếu cải tạo được đàn lợn nái, mỗi năm, TP sẽ có thêm 800.000 con lợn giống cung cấp cho các vùng chăn nuôi.
Trao đổi về vấn đề này, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Nguyễn Huy Đăng cho rằng, nhiệm vụ của ngành chăn nuôi trong thời gian tới là tập trung nâng cao chất lượng con giống, giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Trong đó, đưa giống gia súc, gia cầm mới vào sản xuất và ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật nhằm nâng cao hiệu quả chăn nuôi.
Đặc biệt, cần phát triển mạnh mẽ sản xuất, cung ứng các giống gà đồi thả vườn, vịt cỏ của TP đảm bảo chất lượng để chăn nuôi phục vụ nhu cầu người tiêu dùng, gắn với xây dựng thương hiệu. Trung tâm Phát triển chăn nuôi Hà Nội vừa qua đã đẩy mạnh công tác thụ tinh nhân tạo trên đàn bò, đàn lợn và triển khai một số mô hình sản xuất giống chất lượng cao.
Tiêu biểu là tư vấn cho Công ty CP Tiên Viên (Chương Mỹ) thử nghiệm thành công phương pháp thụ tinh nhân tạo gà trên cơ sở chọn lọc đàn gà trống Ri lai Mía cho đàn gà mái hậu bị. Kết quả, một liều tinh cho 10 - 12 con gà mái, gà con sinh ra có tỷ lệ sống cao (trên 90%). Mặc dù vậy, để đáp ứng yêu cầu chăn nuôi của TP vẫn cần bước đột phá mới trong khâu sản xuất con giống.
Có thể bạn quan tâm

Mô hình "Cộng đồng sử dụng công nghệ sinh thái để quản lý sâu bệnh trên đồng rộng" hay gọi đơn giản như nông dân là "Trồng hoa trên bờ ruộng" trên địa bàn huyện Tân Phước (Tiền Giang) 4 năm qua đã mang lại hiệu quả tích cực trong việc phòng chống rầy nâu, vàng lùn - lùn xoắn lá.

Những ngày này, người dân đảo Bé đội mưa gió thu hoạch hết diện tích hành Thu Đông bị thối rữa bởi nước mưa. Dọc các trục đường trên đảo Bé, đâu đâu cũng thấy cây hành được chất thành đống phơi ngoài mưa gió và chờ mang ra biển đổ. Đời sống của người nông dân trên đảo Bé vốn đã khổ nay lại khổ hơn bởi tất cả vốn liếng mà họ đầu tư cho vụ hành này gần như mất trắng.

Để giải quyết thực trạng rau an toàn (RAT) sản xuất ra không có nơi tiêu thụ, trong khi đó, người tiêu dùng lại không biết mua RAT ở đâu, Trung tâm Xúc tiến thương mại nông nghiệp Hà Nội đã tổ chức các hoạt động liên kết giữa người sản xuất với người tiêu dùng (NTD) và DN. Hy vọng, với cách làm này, sẽ giải quyết được những tồn tại để mở lối ra cho RAT.

Vừa qua, Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư tỉnh Đồng Tháp phối hợp với Trạm Khuyến nông huyện Châu Thành tổ chức trao giấy chứng nhận VietGAP cho câu lạc bộ (CLB) nuôi trồng thủy sản số 2 xã Tân Nhuận Đông.

Do vậy, ông Nam đề nghị, Nhà nước, các doanh nghiệp, các cơ quan phải đồng lòng, có liên kết nhiều và chủ động hơn trong việc có thêm nguồn tư liệu và những hình ảnh truyền thông mạnh mẽ hơn thông qua những bạn hàng, đối tác để đưa những thông điệp trung thực, chất lượng đến với người tiêu dùng.