Chăn Nuôi Bò Vượt Khó Trên Đất Cù Lao

Từ hộ nghèo, nhờ áp dụng mô hình chăn nuôi bò sinh sản, đến nay gia đình ông Nguyễn Văn Thơm, ngụ ấp Bà Tiên 1 (Phú Đông, Tân Phú Đông - Tiền Giang) đã trở thành hộ điển hình trong phát triển kinh tế vươn lên thoát nghèo.
Trước đây, gia đình ông canh tác 2 ha ruộng, mỗi năm sản xuất 2 vụ lúa nhưng cho thu nhập không cao, đời sống kinh tế rất khó khăn. Qua báo, đài, ông được biết mô hình nuôi bò sinh sản cho lãi cao nhưng chăm sóc cũng không quá khó. Rồi ông nhận thấy vùng đất bãi bồi ven sông, kinh, rạch phù sa màu mỡ ở địa phương có nhiều cây cỏ và phụ phẩm nông nghiệp có thể làm thức ăn cho bò. Thế là ông bắt tay vào việc nuôi bò sinh sản.
Ông đã tìm đến Hội Nông dân xã mượn vốn với hình thức góp vốn xoay vòng mua 2 con bê cái về nuôi. Tận dụng nguồn cỏ tự nhiên từ các ruộng rau ở ven kinh rạch, ông dùng làm thức ăn cho bò. Khi đàn bò tăng về số lượng, ông tận dụng đất trống xung quanh nhà trồng cỏ voi làm thức ăn thêm cho chúng. Còn vào những tháng mùa khô hay mưa dầm, ông tận dụng và dự trữ nhiều phụ phẩm nông nghiệp như rơm, cám… cho bò ăn.
Theo ông, nuôi bò chủ yếu là lấy công làm lời, không tốn nhiều chi phí, lại chỉ đầu tư một lần để mua con giống. Để tránh rủi ro trong chăn nuôi, ông thường xuyên theo dõi các chương trình khuyến nông, tích cực tham gia các lớp bồi dưỡng kiến thức về chăn nuôi và sản xuất để tích lũy kinh nghiệm cho bản thân.
Đặc biệt, việc theo dõi sức khỏe và tiêm phòng vắc - xin phòng dịch bệnh cho bò phải đúng định kỳ, chuồng trại phải luôn vệ sinh sạch sẽ, thoáng mát để tránh cho bò bị nhiễm bệnh. Nhờ nguồn thức ăn dồi dào và được chăm sóc tốt, đàn bò của ông phát triển rất nhanh, mỗi năm xuất bán bò thịt thu lãi 30 triệu đồng.
Từ ngày nuôi đàn bò đến nay, kinh tế gia đình ông đã có của ăn, của để. Thu nhập từ nuôi bò đã giúp gia đình ông xây dựng được nhà cửa khang trang, nuôi các con học nghề. Bên cạnh nuôi bò, gia đình ông còn canh tác lúa, trồng sả, nuôi thêm gà, vịt để cải thiện cuộc sống gia đình. Sau khi trừ chi phí, nuôi bò, trồng lúa và cây sả mang lại thu nhập cho gia đình trên 60 triệu đồng/năm.
“Trước đây làm lúa, thu nhập rất bấp bênh. Từ ngày nuôi bò, kinh tế gia đình đã khá hơn. Trong năm, bò đẻ bê cái, tôi để lại nuôi và nhân giống. Còn bê đực, tôi nuôi từ 5 - 7 tháng sẽ bán. Tùy thời điểm và giá cả thị trường, mỗi con bò có thể bán được từ 14 - 15 triệu đồng. Thu nhập của gia đình vì thế cũng khá hơn” - ông Nguyễn Văn Thơm nói về hiệu quả của mô hình nuôi bò của mình.
Có thể bạn quan tâm

Đầu năm 2013, được một người bạn giới thiệu về cơ sở mua bán chim trĩ ở xã Tân Tây, huyện Gò Công Đông (Tiền Giang), chú Lê Văn Lô (ngụ ấp Tân Định, xã Tân Thới) đã tìm đến mua 6 con chim trĩ mái và 2 con chim trĩ trống về nuôi.

Để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng và đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, thời gian qua, nhiều lớp huấn luyện nông dân do Hội Nông dân tỉnh phối hợp với Chi cục Bảo vệ thực vật triển khai xây dựng mô hình trồng rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGap tại các xã vùng lòng chảo Điện Biên.

Chiều 24-9, ông Nguyễn Hồng Lĩnh, Phó Bí thư Tỉnh ủy đã thăm và làm việc với Công ty TNHH Ca cao Thành Đạt, một cơ sở sản xuất, thu mua ca cao tại xã Xà Bang (huyện Châu Đức - Bà Rịa Vũng Tàu).

Hiện hàng chục hộ nông dân ở xã Đông huyện Kbang (Gia Lai) đang khóc dở, mếu dở khi đã trồng giống bắp NK67, là sản phẩm mới của Công ty Syngenta, do Công ty Bảo vệ Thực vật An Giang phân phối. Tưởng chừng như được vụ mùa thắng lợi nhờ thời tiết thuận lợi, nhưng chưa kịp vui mừng thì hàng chục ha bắp khi đến giai đoạn trổ cờ có dấu hiệu bị hư hỏng và đến nay coi như là mất trắng.

Khoai lang có xuất xứ từ Nhật Bản đang được bà con nông dân xã Chư A Thai (huyện Phú Thiện - Gia Lai) trồng xen canh vào hai vụ lúa Đông Xuân và Hè Thu cho năng suất và thu nhập khá cao. Trung bình 1 ha khoai lang đạt sản lượng 15-20 tấn, giá bán bình quân 5-6 triệu đồng/tấn, mỗi ha khoai lang trồng trừ chi phí còn lãi khoảng 45-55 triệu đồng.