Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Chăn nuôi bò mô hình giảm nghèo hiệu quả

Chăn nuôi bò mô hình giảm nghèo hiệu quả
Ngày đăng: 24/07/2015

Đầu năm 2013, được hỗ trợ vay vốn 20 triệu đồng từ Dự án nhân rộng mô hình giảm nghèo bền vững, anh Nguyễn Văn Hải (ngụ ấp Long Hội, xã Hòa Long) mạnh dạn làm chuồng mua 2 con bò về nuôi. Nhờ chịu khó học hỏi kỹ thuật chăm sóc, sau hơn 2 năm chăn nuôi, anh Hải đã cho xuất chuồng 2 đợt, với 4 con bò, mỗi con lời khoảng 8 triệu đồng. Hiện tại, anh Hải đã trả được 15 triệu đồng tiền vay và đang nuôi lại 2 con (trị giá 28,5 triệu đồng). Ước tính khi xuất chuồng 2 con bò này, anh Hải lời khoảng 22 triệu đồng.

Anh Hải chia sẻ: “Từ ngày được hỗ trợ vốn nuôi bò, kinh tế gia đình tôi được cải thiện đáng kể. Từ một hộ nghèo, không có vốn chăn nuôi, sản xuất, giờ đây tôi đã có 2 con bò bằng nguồn vốn của gia đình để chăm sóc. Đây là điều kiện tốt để gia đình tôi vươn lên thoát nghèo bền vững”.

Ông Nguyễn Văn Liệt - Phó Chủ tịch UBND xã Hòa Long, Trưởng Ban Quản lý Dự án nhân rộng mô hình giảm nghèo bền vững cho biết, với lợi thế ít rủi ro, tận dụng nguồn cỏ tự nhiên, lấy công làm lời, 18/23 hộ tham gia dự án đã chọn mô hình chăn nuôi bò. Sau hơn 2 năm thực hiện dự án, mô hình chăn nuôi bò đã giúp nhiều hộ nghèo vươn lên phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống. Đến nay, các hộ chăn nuôi bò trong dự án đã có 2 lần xuất chuồng, mỗi cặp bò cho lợi nhuận dao động từ 18 - 25 triệu đồng. Nhờ hiệu quả của mô hình, qua rà soát có 19/23 hộ hưởng lợi từ dự án đã thoát nghèo, từng bước vươn lên ổn định cuộc sống.

Triển khai Dự án nhân rộng mô hình giảm nghèo bền vững giữa năm 2012, xã Vĩnh Thạnh có 31/42 hộ nghèo tham gia dự án vay vốn để nuôi bò (các hộ còn lại nuôi heo, buôn bán nhỏ, đan đát). Sau gần 3 năm triển khai dự án, trên 90% hộ nghèo tham gia dự án đã thoát nghèo, các hộ thoát nghèo phần lớn là các hộ chăn nuôi bò. Tính đến thời điểm này, các hộ nuôi bò trong dự án đã có 4 lần xuất chuồng, nhiều hộ thoát nghèo, trả lãi, hoàn lại vốn cho dự án và tái nuôi 2 - 3 con bò từ lợi nhuận thu được.

Gia đình ông Mai Văn Hai (ngụ ấp Nhơn Quới) do thiếu vốn, tư liệu sản xuất nên cái nghèo đeo bám gia đình ông Hai gần chục năm qua. Từ khi được Dự án nhân rộng mô hình giảm nghèo bền vững hỗ trợ vốn vay 15 triệu đồng để nuôi bò, kinh tế gia đình ông Hai dần được cải thiện. Từ khi nuôi đến giờ, ông đã xuất bán 7 con bò, lợi nhuận trên 70 triệu đồng, đã trả hết số tiền vay và mua lại 3 con bò trị giá 38 triệu đồng. Ông Hai chia sẻ: “3 con bò này khoảng 6 tháng nữa sẽ xuất chuồng, nếu nuôi thuận lợi sẽ cho lợi nhuận khoảng 30 triệu đồng. Không có vốn nhiều nên nuôi bò là tiện nhất, chủ yếu là lấy công làm lời. Bán 3 con bò này tôi sẽ tiếp tục mua 3 con nữa về nuôi. Tôi tin con bò sẽ giúp gia đình tôi thoát nghèo bền vững”.

Ông Lê Văn Lợi - Phó Chủ tịch UBND xã Vĩnh Thạnh cho biết: “Mô hình chăn nuôi bò đã tạo được niềm tin và sự hưởng ứng tích cực của người dân. Ngoài những hộ nuôi bò của dự án, thấy hiệu quả của mô hình nhiều bà con trên địa bàn xã cũng làm theo và đạt hiệu quả. Mô hình chăn nuôi bò thật sự đã tạo sức bật đối với những hộ nghèo tham gia dự án. Từ những hiệu quả thiết thực của mô hình, tôi tin các hộ nghèo tham gia dự án sẽ từng bước tiến tới giảm nghèo bền vững đúng theo mục tiêu của dự án”.


Có thể bạn quan tâm

Ca Cao Cứu Vườn Dừa Ở Vĩnh Long Ca Cao Cứu Vườn Dừa Ở Vĩnh Long

Từ một loại cây trồng xen, “núp bóng” dừa để tăng thu nhập, thì nay ca cao đã dần khẳng định chỗ đứng khi giá dừa còn quá bấp bênh.

24/09/2012
Lập Nghiệp Từ Xoài Lập Nghiệp Từ Xoài

Ở tuổi 27, anh Nguyễn Văn Nhã (sinh năm 1985, xã Cam Hiệp Bắc, huyện Cam Lâm, Khánh Hòa) đã là chủ nhân của vườn xoài hơn 7 năm tuổi (diện tích 6 sào), mỗi năm cho thu nhập từ 80 - 100 triệu đồng. Anh còn trồng thêm mía, mì; dự định mở rộng vườn tược thực hiện mô hình kinh tế trang trại.

24/09/2012
Hạ Lang Phát Triển Chăn Nuôi Dê Hàng Hóa Hạ Lang Phát Triển Chăn Nuôi Dê Hàng Hóa

Mấy năm gần đây, nhân dân huyện Hạ Lang đã phát huy tốt tiềm năng, thế mạnh của địa phương đầu tư phát triển đàn dê trở thành hàng hóa, góp phần tích cực trong công tác xóa đói, giảm nghèo, tăng thu nhập.

19/06/2013
Diện Tích Sả Tăng Đột Biến Diện Tích Sả Tăng Đột Biến

Toàn huyện Tân Phú Đông (Tiền Giang) có trên 450 ha trồng sả, tăng gấp 10 lần so với đầu năm 2013, chủ yếu tập trung tại xã: Phú Thạnh, Phú Đông và Phú Tân. Nhiều bà con nơi đây cho biết, trồng sả mang lại lợi nhuận kinh tế cao gấp 3 - 4 lần so với trồng lúa và nông dân hiện trồng xen canh 1 vụ sả, 1 vụ lúa. Giá sả thương phẩm hiện tại được các thương lái từ Bình Điền, Thủ Đức, Hóc Môn đến mua với giá 5.500 đồng/kg, lúc cao điểm giá lên tới 7.500 đồng/kg. Sau 3 tháng trồng sả, bà con nơi đây thu lãi gần 10 triệu đồng/1.000 m2 đất.

06/08/2013
Vườn Cây Ăn Trái Kêu Cứu Vườn Cây Ăn Trái Kêu Cứu

Nhiều vườn cây ăn trái như vú sữa, xoài, sa pô chê… ở Tiền Giang, Đồng Tháp… đang bị suy kiệt, lão hóa, thậm chí “chết đứng” do thối rễ, khô lá, chết nhánh, làm cho nhà vườn lo lắng. Theo một số nhà quản lý, do chủ vườn, thương lái “bắt” cây ra trái quá mức nên cây mới suy kiệt, chết. Còn các nhà vườn lại bảo cây chết là do bón nhầm phân giả, nên nguồn nước, đất vườn bị ngộ độc làm hại cho cây…

06/08/2013