Chăn nuôi bền vững

Bà Võ Thị Nương, ấp An Thiện, xã An Cư (huyện Cái Bè) chia sẻ, công trình khí sinh học của dự án đầu tư quá hiệu quả.
Từ ngày đưa vào sử dụng thì mùi hôi thối không còn nữa, khí đốt được dùng thoải mái.
Trước đây nước thải chăn nuôi xả trực tiếp ra mương ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng dân cư.
Khi dự án hỗ trợ 3 triệu đồng và vay thêm ngân hàng, bà đã xây dựng công trình khí sinh học có sức chứa 9 m3.
Trước khi chưa có công trình, gia đình bà Nương tiêu tốn khoảng 300.000 đồng/tháng tiền mua củi để nấu rượu.
Nay nhờ có hầm biogas đã giảm được 50% chi phí nhiên liệu.
Hộ bà Hà Thị Loan ở bên cạnh thấy công trình quá lợi ích nên đã đăng ký dự án hỗ trợ để xây dựng.
Bà Loan cho hay, thu nhập chính của gia đình là từ việc giặt bao đựng gạo và chăn nuôi heo.
Đất ít, người thì đông, việc chăn nuôi cũng đã làm ảnh hưởng không nhỏ đến cộng đồng dân cư.
"Trước đây tôi chăn nuôi nhỏ lẻ, chỉ khoảng 10 con/lứa trở lại và xử lý môi trường bằng túi nilon song vẫn bị rò rỉ, bốc mùi hôi, thối làm phiền hà bà con lân cận.
Đầu tư túi nilon cũng đâu phải ít tiền, một công trình tốn khoảng 1 triệu đồng, sử dụng được 2 năm nhưng vẫn không xử lý hết mùi hôi.
Gia đình dự định xây hầm biogas nhỏ để xử lý chất thải nhưng chưa lo đủ tiền.
Đúng lúc đó, dự án LCASP hỗ trợ một phần kinh phí nên tôi liền vội đăng ký xây dựng công trình khí sinh học.
Khi lắp đặt xong hầm biogas, gia đình đã mở rộng nuôi lên gần 30 con.
Khí sinh học từ công trình của tôi còn cho các hộ xung quanh cùng sử dụng để việc đun nấu", bà Loan nói.
Hiện tại, ấp An Thiện có 615 hộ sinh sống trên diện tích 127 ha với khoảng 150 hộ chăn nuôi heo.
Bình quân mỗi gia đình chỉ có từ 1.000 – 2.000 m2 đất để cất nhà, làm chuồng nuôi heo và trồng dừa.
Nhà ở cách nhau chỉ vài chục mét nên khi chăn nuôi tập tập trung đan xen thì việc gây ô nhiễm môi trường là khó tránh khỏi.
Hộ chăn nuôi cũng đã xử lý chất thải theo biện pháp chứa bằng túi nilon nhưng vẫn không hạn chế được ô nhiễm. Từ khi đầu tư công trình khí sinh học do LCASP hỗ trợ thì vấn đề này được giải quyết triệt để.
Cộng đồng dân cư ấp An Thiện cảm ơn dự án và kiến nghị được tiếp tục hỗ trợ để đầu tư mở rộng chăn nuôi, giúp địa phương hoàn thành tiêu chí môi trường trong việc xây dựng NTM.
Ông Nguyễn Văn Phương, Chủ tịch UBND xã An Cư cho biết, toàn xã có khoảng 500 hộ dân chăn nuôi gia súc, gia cầm, trong đó quy mô từ 50 con gia súc trở lên là trên 50 hộ, hơn 10 hộ nuôi gà với số lượng lớn.
Việc dự án LCASP cho bà con "vốn mồi" 3 triệu đồng/công trình giúp môi trường chăn nuôi sạch và phát triển bền vững, bà con phấn khởi vì lợi cả đôi đường...
Có thể bạn quan tâm

Gặp chúng tôi, Chủ tịch Hội người cao tuổi xã Thanh Nưa, ông Vi Văn Nhọt phấn khởi khoe về mô hình khoanh nuôi, bảo vệ rừng của Chi hội người cao tuổi Hạ Thanh. Tuy là tự phát nhưng được duy trì và phát triển hiệu quả là nhờ tinh thần lao động hăng say, ý thức trách nhiệm, lòng kiên trì không ngại vất vả của tất cả các hội viên trong chi hội. Điều đó mang lại lợi ích to lớn và thiết thực cho người dân Hạ Thanh và là tấm gương trong công tác khoanh nuôi, bảo vệ rừng.

Sau 10 năm lên Điện Biên lập nghiệp, nhờ mô hình chăn nuôi, đến nay gia đình anh Phan Văn Chung ở đội 4, khu Pom Lót, xã Sam Mứn huyện Điện Biên đã có cơ ngơi khang trang. Gia đình anh đã vươn lên trở thành hộ có thu nhập khá trong vùng.

Được ông Mào Văn Đào, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Mường Nhé giới thiệu, chúng tôi đến thăm gia đình ông Chang Váng Sinh dân tộc Hà Nhì ở A Pa Chải, xã Sín Thầu, một trong những hộ sản xuất kinh doanh giỏi của mảnh đất vùng biên giới - nơi một con gà gáy 3 nước cùng nghe.

Những năm qua, Hội Nông dân xã Thanh Xương (huyện Điện Biên) luôn xác định thực hiện tốt chương trình liên kết với ngân hàng chính là khơi thông nguồn vốn tín dụng đầu tư cho lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn; giúp nông dân được hưởng lợi từ nguồn vốn ưu đãi về lãi suất, đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng về nguồn vốn phát triển sản xuất kinh doanh, chuyển dịch cơ cấu kinh tế.

Xác định tiềm năng thế mạnh của địa phương trong sản xuất nông nghiệp, những năm qua với nhiều giải pháp đồng bộ, huyện Tủa Chùa đã tích cực chỉ đạo người dân thâm canh, phát triển kinh tế. Đến nay, trình độ áp dụng KHKT, sử dụng giống cây trồng trong sản xuất nông nghiệp đã có chuyển biến tích cực, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống bà con vùng cao còn nhiều khó khăn