Chăn Nuôi An Toàn Từ CLB Gà Thả Vườn

Chăn nuôi là một trong những thế mạnh của xã Thanh Lương (TX. Bình Long). Đặc biệt trong 4 năm gần đây, chăn nuôi gia cầm theo hướng an toàn sinh học đang phát triển mạnh về số hộ nuôi và tổng đàn. Toàn xã hiện có khoảng 30 hộ chăn nuôi gà thả vườn với quy mô 1.000-15.000 con/lứa. Trong đó phải kể đến Câu lạc bộ (CLB) chăn nuôi gà thả vườn an toàn sinh học Thanh Bình.
AN TOÀN SINH HỌC
Ban đầu các hộ dân ở xã Thanh Lương chăn nuôi theo kiểu tự phát, quy mô nhỏ, lẻ. Được sự hỗ trợ của Trạm khuyến nông thị xã, Hội Nông dân xã Thanh Lương, CLB chăn nuôi gà thả vườn an toàn sinh học Thanh Bình được thành lập tháng 10-2010, với quy mô chăn nuôi 2.000-10.000 con/lứa, tổng số gà thả vườn khoảng 250 ngàn con/năm.
Hình thức chăn nuôi chủ yếu là thả dưới tán cây điều, tiêu, cao su, sầu riêng. Để đảm bảo gà nuôi đạt an toàn sinh học toàn bộ quy trình phải đạt tiêu chuẩn từ chuồng trại, giống, thức ăn của cơ sở cung cấp, kỹ thuật chăn nuôi, phòng bệnh khoa học. Vì vậy, Ban chủ nhiệm CLB đã xây dựng quy trình chung cho các thành viên cùng áp dụng. Chuồng trại thoáng mát, có hệ thống sưởi ấm cho gà con, sân vườn rộng, hệ thống máng ăn và uống bố trí hợp lý.
Nền chuồng là yếu tố quan trọng nên các hộ đều sử dụng đệm lót sinh học để hạn chế ô nhiễm môi trường. Khi hết lứa, các hộ vệ sinh, sát khuẩn chuồng trại và để trống chuồng khoảng 15 ngày trước khi thả lứa mới. Giống gà CLB nuôi hiện nay là gà Minh Dư, gà nòi, có độ đồng đều cao, thịt ngon.
Ngoài vệ sinh chuồng trại, phòng bệnh bằng vắc-xin là yếu tố quyết định để chống dịch bệnh trên đàn gà của CLB. Bổ sung các loại vitamin và khoáng chất cho đàn gà khi thời tiết thay đổi, chỉ dùng kháng sinh khi cần thiết, đã làm giảm chi phí thuốc thú y trong chăn nuôi, tăng chất lượng thịt, an toàn cho người tiêu dùng.
HIỆU QUẢ TĂNG LÊN
Qua hơn 3 năm thực hiện, mô hình CLB nuôi gà thả vườn an toàn sinh học Thanh Bình đã đạt hiệu quả cao như: Khâu tổ chức của CLB có sự gắn kết thống nhất cao; có định hướng phát triển rõ ràng; có sự phân công trong quản lý giữa các thành viên; tạo được quỹ CLB với số vốn 25 triệu đồng; trên 80% thành viên chăn nuôi theo mô hình chuẩn an toàn sinh học, dần hình thành khu vực chăn nuôi theo tiêu chuẩn VietGap; số thành viên gia nhập tăng từ 12 lên 18 hộ.
Lợi nhuận thu được tính trên 1 con gà xuất bán tăng dần qua các năm: Năm 2010, lợi nhuận trung bình chỉ 8-10 ngàn đồng/con, năm 2011 là 13-15 ngàn đồng, năm 2012 là 18-20 ngàn đồng và đến năm 2013 là 25-30 ngàn đồng/con. Thu nhập của các thành viên trong CLB đạt từ 300 đến 700 triệu đồng/năm tùy theo quy mô chăn nuôi lớn hay nhỏ.
Hoạt động của CLB chăn nuôi gà thả vườn an toàn sinh học Thanh Bình đã biết tận dụng tối đa nguồn nhân lực và điều kiện của địa phương để đạt hiệu quả kinh tế cao, góp phần tăng thu nhập trên diện tích đất canh tác, tạo ra sản phẩm an toàn, bền vững, mang lại lợi nhuận cho người chăn nuôi, doanh nghiệp, thay đổi bộ mặt nông thôn.
Có thể bạn quan tâm

Khắc phục bệnh vàng lá thối rễ trên cây bưởi da xanh, ở xã Kế Thành, huyện Kế Sách bà con đã ghép cành bưởi da xanh với gốc bưởi “Tám quy” – một giống bưởi địa phương được trồng rất lâu năm ở đây và cho hiệu quả rất tốt, hạn chế được bệnh vàng lá thối rễ và năng suất chất lượng bưởi da xanh cũng không bị ảnh hưởng.

Trung tuần tháng 11-2014, phóng viên Báo An Giang đến vùng nuôi cá tra xã Hòa Lạc (Phú Tân) tìm hiểu việc ngư dân La Văn Hạp bị Công ty TNHH Phước Phát Lợi (tỉnh Vĩnh Long) lừa mua trên 110 tấn cá tra và quỵt nợ 1 tỷ 126 triệu đồng. Trớ trêu thay, ông Hạp lại bị phạt 9 tháng án tù treo (do ông Hạp ép Giám đốc DN trả nợ- như báo An Giang đã thông tin ngày 17-11), khiến dư luận xôn xao.

Sáng nay (19/11), tại tỉnh Sóc Trăng, Hội Nghề cá Việt Nam phối hợp với Tổng Cục thủy sản, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Sóc Trăng tổ chức Hội thảo “Ứng dụng VietGAP trong phát triển nuôi trồng thủy sản bền vững tại Việt Nam”. Đại diện các sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn của vùng ĐBSCL, các tỉnh ven biển, ngành, hội, các tổ chức Quốc tế có liên quan tham dự.

Hiện nay, diện tích chuyên NTTS ở các vùng triều trên địa bàn tỉnh là 18.050 ha, trong đó, nuôi nước ngọt 10.350 ha; nuôi nước mặn, lợ 7.700 ha. Để hoạt động NTTS của người dân đạt hiệu quả, ngay từ đầu vụ nuôi ngành thủy sản đã phối hợp với các địa phương tăng cường tập huấn, hướng dẫn cho nông dân về các đối tượng nuôi, quy trình kỹ thuật nuôi thủy sản theo hướng sản xuất hàng hóa.

Chi cục Nông - lâm sản và Thủy sản cho biết, toàn tỉnh hiện có trên 20 cơ sở sản xuất khô được cấp giấy chứng nhận an toàn vệ sinh thực phẩm, số cơ sở chưa được cấp giấy chứng nhận còn khá nhiều. Đơn vị đang tiếp tục hướng dẫn cơ sở hoàn thiện thủ tục theo đúng quy định để việc sản xuất khô đảm bảo về an toàn vệ sinh thực phẩm.