Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Chấn Chỉnh Nuôi Tôm Ngoài Quy Hoạch Ở Bình Định

Chấn Chỉnh Nuôi Tôm Ngoài Quy Hoạch Ở Bình Định
Ngày đăng: 29/05/2012

Thời gian qua, ở Bình Định, tại các huyện Phù Cát, Phù Mỹ, Hoài Nhơn người dân đã tự phát phá bỏ nhiều diện tích vườn nhà và đất sản xuất nông nghiệp để đào ao nuôi tôm, gây ô nhiễm môi trường, phá vỡ quy hoạch sản xuất. Để chấn chỉnh tình trạng này, Sở NN-PTNT đã tăng cường kiểm tra và triển khai nhiều biện pháp khắc phục.

Nhiều diện tích nuôi tôm trái phép

Theo Sở NN-PTNT, qua kiểm tra tình hình nuôi tôm tại các địa phương trong tỉnh, đã phát hiện có gần 47 ha đất vườn, đất sản xuất nông nghiệp chuyển sang nuôi tôm trái phép tại các huyện Phù Cát, Phù Mỹ, Hoài Nhơn. Trong đó, huyện Phù Cát có 1 hộ dân ở xã Cát Khánh tự ý đào ao nuôi tôm trên đất vườn với diện tích 300 m2 để ương nuôi tôm giống.

Tại huyện Phù Mỹ, diện tích nuôi tôm tự phát ngoài quy hoạch khoảng 40 ha với 150 hộ tham gia, xảy ra tại các thôn: Hưng Tân, Hưng Lạc, Vĩnh Lợi 1 thuộc xã Mỹ Thành. Trong đó, diện tích đã được cấp quyền sử dụng đất 20 ha và đất bãi cát 20 ha chưa được ngành chức năng cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã bị người dân tự ý lấn chiếm để đào ao nuôi tôm (bao gồm: đất quy hoạch khai thác ti tan 5 ha, đất vườn nhà 3,5 ha, đất chưa sử dụng 4 ha, đất trồng cây hàng năm 27,5 ha). Còn tại huyện Hoài Nhơn, từ cuối năm 2009 đến nay, người dân đã tự ý lấn chiếm đất trái phép và sử dụng đất vườn để đào hồ nuôi tôm ngoài quy hoạch với diện tích 6,8 ha tại Tam Quan, Tam Quan Nam, Hoài Hương, Hoài Mỹ.

Theo kết quả khảo sát, đánh giá hiện trạng sản xuất của các ao nuôi tôm tự phát tại các địa phương cho thấy, người dân đã tự phát đào ao nuôi tôm trái phép để mở rộng diện tích nuôi tôm. Trong quá trình nuôi, người nuôi tôm chỉ chú trọng việc xây dựng ao nuôi, chưa đầu tư hệ thống cấp thoát nước, ao lắng, ao xử lý chất thải; nước thải thải thẳng ra môi trường và sử dụng tùy tiện nguồn nước ngầm cung cấp cho việc nuôi tôm. Các khu vực nuôi nhìn chung chưa được chính quyền địa phương đưa vào diện tích quản lý, theo dõi và kiểm soát dịch bệnh chặt chẽ. Đây là những điều kiện dẫn đến nguy cơ ô nhiễm môi trường, phát sinh dịch bệnh trong nuôi tôm; gây tình trạng nhiễm mặn đất, ảnh hưởng đến nguồn nước ngọt tại địa phương…

Tăng cường chấn chỉnh, xử lý

Bà Nguyễn Thị Liên, Phó phòng Thủy sản thuộc Sở NN-PTNT, cho biết: Để kịp thời chấn chỉnh, xử lý tình trạng nuôi tôm tự phát tại các huyện Phù Cát, Phù Mỹ, Hoài Nhơn, trong thời gian qua, Sở NN-PTNT đã tham mưu UBND tỉnh ban hành Chỉ thị về tăng cường công tác chỉ đạo, quản lý nuôi trồng thủy sản trên địa bàn toàn tỉnh.

Bên cạnh đó, Sở NN-PTNT đã phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường, UBND các huyện tổ chức đoàn kiểm tra và đề nghị UBND các xã triển khai các biện pháp vận động, tuyên truyền và tiến hành xử lý theo quy định đối với các hộ tự phát đào ao nuôi tôm, kiên quyết không để tình trạng nuôi tôm tự phát tiếp diễn. Ngành chức năng cũng đã phối hợp với chính quyền các địa phương thường xuyên kiểm tra thực tế, theo dõi diễn biến sản xuất để có biện pháp hướng dẫn, ngăn chặn dịch bệnh lây lan…

Nhờ đó, đã ngăn chặn được tình trạng nuôi tôm tự phát ngoài quy hoạch. Tại huyện Hoài Nhơn, đến nay, UBND huyện đã vận động các hộ dân nuôi tôm trên cát ngoài quy hoạch tự tháo dỡ hồ tôm và trả lại hiện trạng ban đầu (ở các xã Hoài Thanh, Tam Quan Nam) và giao diện tích này cho Ban quản lý rừng phòng hộ của huyện tổ chức trồng rừng phòng hộ ven biển. Huyện Hoài Nhơn cũng đã tổ chức cưỡng chế một hộ nuôi tôm ở xã Hoài Hương với diện tích 1,5 ha. Hiện tại, UBND huyện tiếp tục vận động người nuôi tôm tự tháo dọn trả lại hiện trạng ban đầu đối với các hồ nuôi tôm tự phát tại thôn Lộ Diêu (xã Hoài Mỹ).

Tại huyện Phù Mỹ, UBND huyện đã chỉ đạo các ngành chức năng của huyện và UBND xã Mỹ Thành kiểm tra lập biên bản, xử phạt hành chính 25 trường hợp vi phạm nuôi tôm ngoài quy hoạch; đồng thời tổ chức tuyên truyền, vận động không cho người dân phát triển thêm ao nuôi. Chính quyền địa phương đề nghị Sở NN-PTNT hướng dẫn kỹ thuật nuôi tôm gắn với việc xử lý môi trường để hạn chế dịch bệnh và ô nhiễm môi trường tại địa phương…

Có thể bạn quan tâm

Xoài Nghịch Vụ Cho Hiệu Quả Kinh Tế Cao Xoài Nghịch Vụ Cho Hiệu Quả Kinh Tế Cao

Những ngày này, vườn xoài cát Hòa Lộc 1.000 cây (trên diện tích 4 ha) đang cho trái nghịch vụ khá nhiều của gia đình ông La Văn Điều, ở thôn Đá Trắng, được thương lái tìm đến mua với giá cao. Qua trao đổi, ông Điều cho biết, vườn xoài cát Hòa Lộc này được trồng cách đây hơn 4 năm. Đây là đợt trái nghịch vụ năm thứ 2 tương đối hiệu quả. Mùa xoài nghịch vụ năm rồi thu bán giá 30.000 đồng/kg, trừ chi phí lãi gần 100 triệu đồng.

29/01/2015
Một Mô Hình Xen Canh Hiệu Quả Một Mô Hình Xen Canh Hiệu Quả

Theo chị Hạnh, ổi Đài Loan là loại cây dễ trồng, ít tốn phân bón nên chi phí đầu tư thấp, chủ yếu định kỳ phun thuốc phòng trừ các loại rệp sáp và cung cấp đủ lượng nước cho cây. Ưu điểm của trái ổi Đài Loan là vỏ láng, nhiều nước, ít hạt, giòn ngọt và thơm ngon nên được thị trường ưa chuộng, đầu ra ổn định.

29/01/2015
Trồng Thanh Long Mô Hình Mới Thích Hợp Với Người Cao Tuổi Trồng Thanh Long Mô Hình Mới Thích Hợp Với Người Cao Tuổi

Thực hiện cơ cấu đa dạng hóa cây trồng, vật nuôi những năm qua, nhiều nông dân trên địa bàn huyện Châu Thành (Bến Tre) đã chuyển đổi cây trồng kém hiệu quả sang đầu tư trồng các loại cây có hiệu quả kinh tế cao. Điển hình như hộ ông Nguyễn Minh Bạch ngụ ấp Tân Phong Ngoại, xã Tân Thạch đã xây dựng thành công mô hình trồng thanh long đem lại hiệu quả kinh tế cao.

29/01/2015
Hậu Giang Nhộn Nhịp Vựa Nông Sản Hậu Giang Nhộn Nhịp Vựa Nông Sản

Không khí tết len lỏi đến vườn cây bằng tín hiệu thu hoạch thì thị trường trái cây tết cũng bắt đầu sôi động. Các loại trái cây chủ lực của chợ tết như bưởi, cam, chanh, quýt, mãng cầu... đang được nhiều vựa tất bật thu mua, có loại đang chuẩn bị thu hoạch cũng đã được đặt hàng trước vài tuần. Tại vườn, các thương lái ráo riết “săn hàng” để kịp đưa trái cây bán ra chợ tết.

29/01/2015
Nhà Vườn Núi Cấm Đón Tết Nhà Vườn Núi Cấm Đón Tết

Đối với loại cây có múi như quýt, cư dân núi Cấm (xã An Hảo, Tịnh Biên, An Giang) mang giống từ miệt Tiền Giang, Vĩnh Long, Đồng Tháp… về trồng rất thích hợp. Độc đáo hơn, trái cho thu hoạch vào dịp Tết, trở thành loại đặc sản quý hiếm ở An Giang.

29/01/2015