Cây Vải Thiều Ghép Ở Nam Xuân (Đắk Nông)

Gia đình anh Nguyễn Văn Minh ở thôn Nam Xuân, xã Nam Đà (Krông Nô - Đắk Nông) hiện có vườn vải 400 gốc, cho thu hoạch mỗi năm 25 tấn, đưa lại tổng thu nhập 700 triệu đồng.
Theo anh Minh thì vải thiều vốn là cây truyền thống được trồng hiệu quả ở các tỉnh phía Bắc như Hải Dương, Bắc Giang nhưng khi được trồng ở vùng đất cao nguyên Đắk Nông cũng rất “có duyên”. Tuy nhiên, để có được kết quả như ngày hôm nay, anh cũng đã mất nhiều năm mày mò học tập cách trồng, chăm sóc, ghép giống với nhiều bài học được rút ra sau những lần thất bại.
Không nản lòng, vừa học, vừa làm, anh đã từng bước khắc phục được những hạn chế của mình về việc trồng cây đúng mật độ, biết cách kích thích cho cây ra hoa, đậu quả. Trong đó, anh đã nắm bắt nhanh chóng và triển khai ghép thành công các giống vải cho ra hoa sớm, năng suất cao.
Theo đó, trước khi ghép, anh tiến hành chăm sóc nhiều hơn để cây phát triển khỏe mạnh, tăng sức đề kháng và không bị sâu bệnh gây hại. Phương pháp lấy và bảo quản mắt ghép cũng được anh tuân thủ đúng kỹ thuật.
Cụ thể, mắt ghép được lấy trên đoạn cành có độ tuổi 50-120 ngày tuổi. Cành mắt ghép được cắt xuống, loại bỏ ngay lá để tránh mất nước. Gốc ghép chỉ trừ lại 1-2 cành ở giữa, còn lại dùng cưa sắc cắt bỏ toàn bộ những cành ở độ cao 1,5m so với mặt đất; dùng vôi hoặc oxyclorua đồng quét lên trên vết cắt.
Phương pháp là ghép vải đoạn cành. Nếu cây từ 8 năm tuổi trở xuống thì anh chọn và định vị cành ghép phân bố đều theo các hướng, không chọn ghép vào các cành dưới, thấp quá hay các cành ở trung tâm. Anh dùng kéo sắc hoặc cưa nhỏ cắt toàn bộ cành để ghép ở vị trí cành có đường kính 2,1-2,5 cm sao cho sau khi ghép, bộ tán mới sau này sẽ có hình bán cầu dẹt và có độ cao hợp lý tùy theo tuổi cây hay tùy theo vườn cây.
Đối với cây trên 8 năm tuổi, trên mỗi đầu cành đã cưa đốn của gốc ghép, anh chọn ghép trên 2-3 chồi hướng ra ngoài hoặc chồi bên có đường kính từ 1,5-2,5cm, sao cho các cành định ghép phân bố đều xung quanh tán; không ghép vào các chồi mọc hướng vào trung tâm và các cành ở trung tâm tán.
Điểm mấu chốt là giống ghép phải là những giống chín sớm, chất lượng cao, quả to, ngọt mát đã được Bộ Nông nghiệp- PTNT công nhận như U hồng, U trứng, U thâm, Bình Khê. Sau ghép, gia đình tiến hành chế độ chăm sóc thích hợp để cành phát triển nhanh.
Cũng theo anh Minh thì vải thiều cũng là cây có khả năng kháng sâu bệnh khá tốt, những loại sâu bệnh thường gặp như bọ xít nâu, sâu đục đầu quả, rệp hại quả non, mốc sương đều có thể phòng và chống được bằng các biện pháp thủ công như cắt tỉa cành tạo sự thông thoáng, làm sạch cỏ dại, phun các loại thuốc trong danh mục cho phép…
Nhờ ghép những giống tốt, chăm sóc đúng quy trình mà hàng năm, thời vụ thu hoạch vải của gia đình thường sớm hơn so với các tỉnh phía Bắc từ 15- 30 ngày nên tiêu thụ hết sức dễ dàng.
Nói về đầu ra cho sản phẩm, anh Minh cho biết: "Hơn 3 năm nay, toàn bộ sản lượng vải đều được một tư thương ở chợ đầu mối Thủ Đức (TP. Hồ Chí Minh) bao tiêu với giá cao. Tôi cũng rất sẵn sàng truyền đạt những kinh nghiệm của mình cho những hộ dân muốn học tập, nhân rộng mô hình”.
Có thể bạn quan tâm

Với những lợi thế như thời gian sinh trưởng ngắn, tận dụng dụng được nguồn thức ăn tự nhiên, không mất nhiều thời gian chăn thả và thị trường tiêu thụ rộng lớn... nuôi dê đang là một hướng đi mới giúp bà con nông dân ở thôn Phước Sơn, xã Hoà Khương, huyện Hoà Vang, TP. Đà Nẵng vươn lên thoát nghèo.

“Chăm sóc cây mai vàng xem ra không khó, nhưng để có một cây mai đẹp, vừa ý khách hàng, trổ hoa đúng vào dịp Tết là đều không đơn giản đối với người làm mai”. Đó là lời tâm sự của ông Nguyễn Văn Định ấp Vĩnh Phú, xã Vĩnh Thành (Chợ Lách) người có hơn 20 năm gắn bó với cây mai vàng.

Năm 1997, Nông trường Lam Sơn (nay là Cty TNHH MTV Lam Sơn, gọi tắt là Cty Lam Sơn) đầu tư trồng hàng trăm ha cao su tại huyện miền núi Ngọc Lặc và Thọ Xuân (Thanh Hóa). Nay cây cao su đã 15 năm tuổi song lượng mủ chỉ lèo tèo thu vài ba cân/ha/ngày khiến nảy sinh mâu thuẫn giữa Cty với hộ dân.

Sau 4 năm bắt tay xây dựng mô hình nuôi cá sấu, “lão nông” Đỗ Việt Tiến mang trong mình dòng máu người lính đã trở thành tỷ phú và từng bước làm giàu trên mảnh đất quê hương, trở thành gương điển trong phát triển mô hình kinh tế vườn-ao-chuồng (VAC) của tỉnh Vĩnh Phúc.

Hiệp hội Cao su VN vừa cho biết, giá cao su XK hiện đang ở mức cao đạt 3.700– 3.750 USD/tấn, tăng khoảng 500 USD so với đầu tháng 1/2012.