Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Cây Trồng Biến Đổi Gen Đang Được Đánh Giá Kỹ Lưỡng

Cây Trồng Biến Đổi Gen Đang Được Đánh Giá Kỹ Lưỡng
Ngày đăng: 21/11/2014

Bộ Tài nguyên và Môi trường (TNMT) vừa chính thức công bố phê duyệt và cấp giấy chứng nhận an toàn sinh học (ATSH) cho hai sự kiện ngô biến đổi gen (BĐG) GA21 của Công ty TNHH Syngenta Việt Nam và NK603 của Công ty TNHH Dekalb Việt Nam (Monsanto). Các sự kiện ngô biến đổi gen được cấp Giấy chứng nhận an toàn sinh học lần này đều mang đặc tính chống chịu thuốc trừ cỏ.

Để hiểu rõ hơn về vấn đề này, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Hồng Chính, Giám đốc đối ngoại Công ty TNHH Dekalb Việt Nam. Ông Chính cho biết:

Đây là kết quả của hoạt động xây dựng hệ thống văn bản, hành lang pháp lý của Chính phủ qua gần một thập kỷ, nhằm giúp nông dân Việt Nam tiếp cận được với các công nghệ hàng đầu trong nông nghiệp thế giới để giải quyết các khó khăn trong canh tác, tăng thu nhập và cải thiện cuộc sống. Việc cấp giấy chứng nhận ATSH lần này đã theo đúng trình tự, thủ tục được quy định (Nghị định số 69/2010/NĐ-CP về ATSH đối với sinh vật BĐG, mẫu vật di truyền và sản phẩm của sinh vật BĐG, Thông tư 08/2013/TT-BTNMT ngày 16/5/2013 của Bộ trưởng Bộ TNMT quy định trình tự, thủ tục cấp và thu hồi giấy chứng nhận ATSH đối với cây trồng BĐG) và tuân thủ các chuẩn mực về đánh giá hồ sơ và chứng nhận ATSH được công nhận trên thế giới.

Hai sự kiện ngô BĐG NK603 và GA21 đã được chấp thuận là an toàn đối với môi trường và đa dạng sinh học sau quá trình thẩm định kỹ lưỡng và khoa học bởi tổ tư vấn và Hội đồng ATSH Quốc gia gồm các chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực nông nghiệp, công nghệ gen và môi trường. Có thể khẳng định, cây trồng BĐG được đánh giá kỹ lưỡng nhất tại Việt Nam và tuân theo quy trình tiêu chuẩn quốc tế.

Kết quả này sẽ mang đến một hướng đi mới tiềm năng hơn cho cây trồng BĐG tại Việt Nam, ông đánh giá thế nào về điều này?

Việc chính thức phê duyệt cho phép ứng dụng cây ngô chuyển gen tại Việt Nam đã mở ra bước đột phá mới trong sản xuất nông nghiệp.

Trước tiên, chúng ta mở ra cơ hội cho nông dân Việt Nam có thể tiếp cận và ứng dụng hạt giống ngô chuyển gen, công nghệ tiên tiến mà hàng chục triệu nông dân ở các quốc gia trên thế giới đang ứng dụng. Trên thế giới, công nghệ BĐG chống chịu thuốc trừ cỏ đã được chứng minh là mang lại hiệu quả lâu dài trong việc tăng thu nhập cho nông dân, giảm thiểu tác động tiêu cực lên môi trường, góp phần phát triển nông nghiệp bền vững. Trong giai đoạn 1996-2012, thu nhập tăng thêm nhờ ứng dụng ngô BĐG chống chịu thuốc trừ cỏ trên toàn cầu là hơn 5 tỉ USD.

Lợi nhuận tăng thêm này đến từ hai nguồn chính: thứ nhất, tăng năng suất cây trồng (14%) và thứ hai, giảm chi phí sản xuất (86%). Cũng trong giai đoạn này, lượng thuốc trừ cỏ được sử dụng trên ngô BĐG giảm 203 triệu kilôgam. Tính riêng trong năm 2012, canh tác cây trồng BĐG đã góp phần đáng kể vào việc giảm khí thải nhà kính với hơn 27 tỉ kilôgam carbon dioxide đã được “tiết kiệm” khi không bị thải vào môi trường. Lượng khí thải giảm được này tương đương với việc “chặn” thành công 11,9 triệu xe ô tô lưu thông trên đường trong 1 năm.

Đồng thời, thông qua việc ứng dụng công nghệ này giúp bà con nông dân Việt nâng cao hiệu quả canh tác, quản lý đồng ruộng và sản xuất hàng hóa theo hướng thị trường và đem lại giá trị gia tăng cao hơn, góp phần xây dựng một nền nông nghiệp thân thiện hơn với môi trường trong khi vẫn giải quyết được nhu cầu tăng năng suất, sản lượng trên cùng một đơn vị diện tích.

Về lâu dài, cá nhân tôi kỳ vọng việc ứng dụng công nghệ sinh học nông nghiệp nói chung và cây trồng chuyển gen nói riêng sẽ được áp dụng trên diện rộng, với nhiều đối tượng cây trồng nhằm phát huy được lợi thế sản xuất nông nghiệp của Việt Nam. 

Để giúp nông dân cũng như người tiêu dùng hiểu đúng, tin tưởng sử dụng các sản phẩm BĐG, Monsanto sẽ có những kế hoạch cụ thể nào trong thời gian tới, thưa ông?

Trước hết, chúng ta cần nhắc lại để khẳng định rằng, các loại cây trồng chuyển gen hiện đang được thương mại hóa và sử dụng rộng rãi trên thế giới đã trải qua một lịch sử sử dụng an toàn trong suốt gần 2 thập kỷ qua. Kể từ năm 1996 đến nay, hơn 60 quốc gia trên thế giới đã thông qua và công nhận về pháp lý cho việc canh tác cây trồng BĐG và nhập khẩu thức ăn chăn nuôi, thực phẩm có nguồn gốc BĐG. Công nghệ sinh học, cụ thể hơn là cây trồng BĐG được khẳng định là thành tựu khoa học nổi bật của thế kỷ và được ủng hộ mạnh mẽ bởi cộng đồng khoa học trên toàn cầu. 25 người từng nhận giải Nobel và khoảng 3.400 nhà khoa học trên toàn thế giới đã chứng minh rằng đây là giải pháp giúp cải thiện nông nghiệp và môi trường một cách hữu hiệu, an toàn.

Nhìn vào lịch sử phát triển của ngành khoa học, chúng ta có thể thấy có rất nhiều thành tựu khi mới đưa ra công chúng đều vấp phải sự phản đối, nghi ngại. Tôi tin rằng, với hiệu quả của cây trồng BĐG đã được chứng minh trên thế giới trong gần hai thập kỷ qua, cây trồng BĐG sẽ sớm trở thành một loại cây trồng không chỉ đem lại lợi ích cho nông dân mà còn được chấp nhận rộng rãi bởi người tiêu dùng.

Sau ngô, Dekalb còn có kế hoạch đưa giống biến đổi gien nào nữa vào Việt Nam?

Trong ngắn hạn, Dekalb Việt Nam sẽ tập trung vào phát triển và chuyển giao kỹ thuật canh tác giống ngô BĐG cho nông dân Việt Nam. Trong dài hạn, theo đúng như cam kết của Dekalb Việt Nam đồng hành cùng nông dân, Chính phủ Việt Nam phát triển nông nghiệp bền vững, chúng tôi sẽ cân nhắc đến các giống cây trồng BĐG khác mà Việt Nam cần và mong muốn phát triển. Yếu tố quan trọng nhất là phải thực sự đem lại hiệu quả về kinh tế, xã hội.

Theo ông, để người trồng ngô và người chăn nuôi Việt Nam có được lợi nhuận phù hợp thì điều kiện cần và đủ là gì?

Cần rất nhiều yếu tố để nông dân Việt Nam có thể thu được lợi nhuận tối ưu – bao gồm các điều kiện đầu vào trong canh tác như giống, thuốc bảo vệ thực vật, kỹ thuật canh tác... đến các yếu tố đầu ra như hình thành chuỗi thu mua tập trung, chính sách hỗ trợ... Để tăng thu nhập cho nông dân một cách bền vững thì điều quan trọng nhất là một chiến lược tổng thể với tầm nhìn bao quát trong dài hạn và chủ động, linh hoạt trong ngắn hạn.

Xin chân thành cảm ơn ông!

Nguồn bài viết: http://www.kinhtenongthon.com.vn/Cay-trong-bien-doi-gen-Dang-duoc-danh-gia-ky-luong-108-48156.html


Có thể bạn quan tâm

5 Loại Giống Triển Vọng Với Vùng Đất Phèn Mặn 5 Loại Giống Triển Vọng Với Vùng Đất Phèn Mặn

Ngày 8-4, Ban quản lý Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (NN ƯDCNC) Hậu Giang tổ chức buổi Hội thảo đánh giá đặc tính và chọn ra các giống lúa có triển vọng làm cơ sở nhân rộng trong thời gian tới tại ấp 7, xã Vĩnh Viễn A, huyện Long Mỹ.

11/04/2014
Nông Dân Trồng Ớt Đang Gặp Khó Nông Dân Trồng Ớt Đang Gặp Khó

Những ngày này, các cánh đồng ớt trên địa bàn huyện Thanh Bình (địa phương có diện tích trồng ớt lớn nhất tỉnh) bước vào thu hoạch rộ. Tuy nhiên, không khí thu hoạch vụ ớt này không còn hối hả, rộn ràng như vụ ớt năm 2013, do giá ớt đang ở mức thấp, dưới giá thành sản xuất.

11/04/2014
Giá Trị Thực Của Ca Cao Bến Tre Giá Trị Thực Của Ca Cao Bến Tre

Từ đầu năm 2014 đến nay, giá ca cao đã phục hồi và duy trì ở mức từ 4.700 đến 5.000 đồng/kg trái, sau đợt sụt giá vào cuối năm 2013 (chỉ còn 3.000 đến 3.500 đồng/kg trái). Hạt ca cao lên men hiện có giá từ 55.500 đến 61.500 đồng/kg. Sự biến động giá ca cao lần này có ý nghĩa đặc biệt đối với người trồng cây ca cao.

11/04/2014
Cơn Mưa Vàng Cho Người Nông Dân Cơn Mưa Vàng Cho Người Nông Dân

Liên tục mấy ngày qua trận mưa đầu mùa khá lớn tại thị xã Đồng Xoài (Bình Phước) và một số huyện, thị khiến nông dân phấn khởi, hàng ngàn ha cây trồng được cứu thoát.

11/04/2014
Giàu Có Từ Làm VAC Giàu Có Từ Làm VAC

Với mô hình vườn – ao – chuồng khép kín, gia đình ông Ngô Văn Kiện ở xã Gia Thịnh, huyện Gia Viễn, Ninh Bình không những thoát nghèo mà còn có của ăn của để.

11/04/2014