Cây Tiêu Bén Duyên Trên Đất Bình Sơn

Cách đây 5 năm, một số hộ dân các xã khu đông huyện Bình Sơn (Quảng Ngãi) đã mang giống tiêu nổi tiếng ở Vĩnh Linh về trồng. Nhưng cây tiêu mọc lên còi cọc nên nhiều người muốn bỏ. Thế nhưng, chỉ vài năm sau, cây tiêu bỗng phát triển xanh tốt, đơm hoa, kết trái, đem lại hiệu quả kinh tế cao nên nhiều nông dân đã bắt đầu chú trọng đến việc phát triển cây tiêu.
Năm 2009, anh Đặng Tấn Thượng, thôn Vạn Tường, xã Bình Hải mang từ Buôn Hồ (Đắk Lắk) về 15 cây tiêu giống Vĩnh Linh. Ban đầu, anh chỉ trồng cho vui chứ không có ý trồng với mục đích kinh tế. Vì thế, sau khi trồng anh chỉ bỏ ít phân chuồng, tưới ít nước rồi bỏ mặc cho cây tiêu tự phát triển. Vậy mà sau 3 năm, những cây tiêu đã ra trái. Đến nay, những gốc tiêu ngày nào đã sai quả, năng suất năm sau cao hơn năm trước.
Nhận thấy cây tiêu thật sự “bén duyên” trên vùng đất quê mình, anh Thượng trồng thêm 45 gốc trong vườn nhà và 100 gốc trồng bám trên rẫy cây xà cừ. Anh Thượng chia sẻ: “Đất này trồng tiêu sai quả lắm. Vừa rồi tôi thu được khoảng 100kg tiêu. Với giá bán từ 150 – 200 nghìn đồng/kg, tôi thu về gần 20 triệu đồng. So với các loại cây trồng khác, cây tiêu cho hiệu quả kinh tế cao hơn. Tuy nhiên, nếu muốn đầu tư trụ bê tông có sắt bên trong thì phải bỏ vốn nhiều”.
Đứng trước vườn tiêu xanh ngút tầm mắt, lão nông Phạm Vững hồ hởi chia sẻ: “Giống tiêu thật ưa đất này! Lúc mới đem giống về trồng, nó lên còi cọc lắm. Tôi cứ tưởng, đất này không thích hợp cho cây tiêu nên cũng chẳng chăm bón gì. Ai dè chỉ sau 2 năm, tiêu đã vươn lên xanh tốt”. Hiện tại, vườn tiêu của ông Vững có trên 60 gốc, trong đó 30 gốc đã được 8 năm tuổi.
Không giống như những nông dân khác, lão nông Vững có cách trồng tiêu vô cùng đặc biệt. Thông thường, nông dân hay sử dụng biện pháp đôn dây tiêu vào năm thứ 2. Sau khi rễ nhú ra từ các khoanh dây được đôn xuống thì vun gốc bón phân cho tiêu. Tuy nhiên, ông Vững không làm như thế mà cạo vỏ trên các đốt thân tiêu, rồi tưới nước liên tục, như thế tiêu sẽ nứt nhiều chèo.
Cứ như thế, trung bình một gốc tiêu, ông Vững sẽ tạo ra được 3 gốc và gốc nào cũng cho sai quả. Ngoài ra, lợi dụng trong vườn có cây cối nên ông Vững áp dụng mô hình trồng tiêu trên “trụ sống”. Tất cả cây cối trong vườn từ xoài, sung, mận cho đến cây cau ông đều biến thành trụ cho tiêu bám vào.
Nói về kinh nghiệm trồng tiêu, ông Vững cho biết: Cây tiêu coi vậy chứ cũng khó tính. Đặc biệt là vào mùa nắng, không nên tưới nước nhiều mà hãy để cho tiêu chịu hạn. Khi nào trời gần mưa mới tưới nước, nếu không tiêu sẽ bị lỏng gốc mà chết.
Có thể xây dựng vùng chuyên canh tiêu?
Thấy cây tiêu sinh trưởng tốt, lại cho hiệu quả kinh tế cao nên lão nông Vững muốn mở rộng diện tích trồng, nhưng điều khiến ông lo chính là không có vốn để đầu tư xây trụ.
“Vườn tôi rộng tới cả mẫu. Giờ tôi muốn đúc trụ trồng tiêu hết nhưng không có vốn. Bởi chi phí mỗi trụ bê tông có sắt bên trong có giá gần cả triệu đồng. Nhưng bây giờ mình già rồi, lấy đâu ra số tiền lớn thế”, lão nông Vững cho hay.
Tuy nhiên, không vì thế mà ông Vững bỏ ý định mở rộng diện tích trồng tiêu. Ông bảo: “Không có điều kiện thì mỗi năm mình trồng thêm 10 gốc. Như vậy năm nào mình cũng có tiêu bán, tha hồ có tiền dưỡng già”.
Ông Phạm Cầu - Phó Chủ tịch UBND xã Bình Hải nhận định: “Phải nói cây tiêu trồng trên đất Bình Hải là rất thích hợp. Hiện tại, toàn xã có khoảng 10 hộ trồng tiêu với tổng diện tích khoảng 1ha. Lúc đầu, người dân chưa thấy được hiệu quả của cây tiêu nên chỉ trồng quanh vườn theo kiểu cho leo lên cây mít, cây xoài. Những năm gần đây, thấy cây tiêu có giá nên nhiều người đã bỏ công chăm sóc kỹ hơn, đầu tư đổ trụ bê tông để trồng”.
Còn theo ông Phan Diệp- Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Bình Sơn thì cây tiêu được huyện xếp vào nhóm cây có tiềm năng và lợi thế. Do vậy, huyện cũng đang có kế hoạch trong thời gian tới sẽ phát triển, mở rộng diện tích trồng tiêu. Trong đó, tập trung ở các xã khu đông và một số xã khu tây như: Bình Minh, Bình Khương, Bình An. Tuy nhiên, một khi đã trồng với mục đích kinh tế thì cần phải có sự đầu tư, chăm sóc theo đúng quy trình kỹ thuật để mang lại hiệu quả cao nhất.
Có thể bạn quan tâm

Thời gian qua, trong khi một số địa phương đang loay hoay tìm hướng đi mới nhằm nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp, thì tại một số xã của huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang lại đang có bước chuyển dịch, phát triển theo hướng tích cực.

Vụ Mùa 2015, lần đầu tiên Trung tâm Trợ giúp nông dân Hà Nội (Hội Nông dân TP) thực hiện mô hình trên cây lúa giống phân bón NPK chứa silic và vi lượng dạng chelate (NPKSilic).

Theo lãnh đạo HTX hành tím Vĩnh Châu (Sóc Trăng), ở vụ hành sớm năm 2015 có 18 hộ trồng hành tím là thành viên của HTX tham gia mô hình trồng cà chua xen hành tím với tổng diện tích hơn 2,8 ha được Công ty TNHH MTV T16 Việt Nam ký hợp đồng bao tiêu.

Theo kế hoạch trong vụ mía 2015 - 2016 này, Công ty Cổ phần Mía đường Cần Thơ (Casuco) sẽ chấm khoảng 350 rẫy mía của những hộ dân đăng ký trở thành thành viên Câu lạc bộ trồng mía đạt 200 tấn/ha (CLB 200) do Casuco sáng lập.

Những ngày này, người dân nhiều xã ở huyện miền núi Pác Nặm (Bắc Kạn) đang vào vụ thu hoạch gừng. Sau gần ba năm đưa vào trồng thử nghiệm và phát triển trên diện rộng, cây gừng đã từng bước khẳng định được giá trị kinh tế và mang lại cho người nông dân nguồn thu đáng kể.