Cây Táo Phủ Xanh Đất Bãi

Nhờ trồng táo trên đất soi bãi thay thế cây lúa, người dân xã Đồng Tân, huyện Hiệp Hoà (Bắc Giang) có thu nhập khá.
Năm nay táo được mùa, giá dao động từ 10 - 15 nghìn đồng/kg. Nhiều gia đình ở thôn Đồng Vân thu vài chục triệu đồng từ cây trồng này. Anh Nguyễn Phi Tâm, Trưởng thôn Đồng Vân cho biết: "Thôn có nhiều chân ruộng cao và đất soi bãi nên hầu hết diện tích canh tác gặp khó khăn về tưới tiêu, cấy lúa không hiệu quả. Mạnh dạn chuyển đổi từ cấy lúa sang trồng táo, nông dân có thu nhập cao hơn hẳn”.
Đến nay, thôn có 70/109 hộ trồng táo với tổng diện tích gần 10 ha. Từ hơn 10 năm trước, gia đình chị Dương Thị Lựu, thôn Đồng Vân đã trồng táo trên đất cấy lúa không ăn chắc, nhờ đó mà kinh tế trở nên khá giả. Vụ này, chị thu ba tấn quả từ ba sào táo, lãi gần 30 triệu đồng.
Theo chị Lựu thì giống táo ta (gồm hai loại chua và ngọt) rất dễ trồng, trồng một lần sau 10-15 năm mới phải thay gốc nên không tốn tiền mua giống như nhiều loại cây khác. Cây cho thu hoạch trong thời gian dài, từ tháng 10 năm trước đến hết tháng 2 năm sau. Khi thu hoạch hết, chị đốn toàn bộ cành. Trong thời gian chờ cây ra mầm mới, chị trồng xen ngô, bí và một số rau màu ngắn ngày khác.
Cũng như gia đình chị Lựu, nhận thấy việc trồng táo phù hợp với đất vườn, bãi bồi, dễ chăm sóc, ít tốn công lại cho thu nhập khá, anh Nguyễn Viết Chín đã mở rộng diện tích cây trồng này từ 2 sào lên 6 sào. Theo anh Chín, nhiều năm qua, giá táo tương đối ổn định nên anh yên tâm gắn bó với cây trồng này. Mùa thu hoạch, khách đến tận vườn thu mua, mỗi ngày bán buôn 1-2 tạ.
Để khuyến khích phát triển mô hình kinh tế ở thôn Đồng Vân, từ năm 2013, xã Đồng Tân đã hỗ trợ đối với những hộ mở rộng diện tích táo, mức hỗ trợ 300 nghìn đồng/sào, tổ chức nhiều lớp tập huấn kỹ thuật chăm sóc, thu hái. Chủ trương này được người dân đồng tình, hưởng ứng. Riêng trong năm 2013, toàn xã có 3ha được trồng mới trên đất bãi ven sông, nâng tổng diện tích táo trong xã lên hơn 13 ha.
Theo ông Nguyễn Văn Tân, Chủ tịch UBND xã, táo được xác định là cây trồng thế mạnh, phù hợp với đất đai ở Đồng Tân, vừa mang lại thu nhập cao vừa giúp bảo vệ quỹ đất soi bãi ven sông. Năm 2014, xã tiếp tục hỗ trợ nông dân trồng táo, dự kiến trồng mới khoảng 5 ha táo.
Có thể bạn quan tâm

Nhờ khoai có giá nên sau khi thu hoạch xong vụ thứ 1, bà con nông dân huyện Bình Tân (Vĩnh Long) khẩn trương làm đất xuống giống tiếp vụ 2/2014.

Theo ngành nông nghiệp huyện Vị Thủy (Hậu Giang), hiện diện tích dưa hấu tại huyện đã giảm đáng kể do đầu ra và giá cả bấp bênh. Cụ thể, giá dưa hiện chỉ còn 1.500-2.000 đồng/kg. Giá quá thấp dẫn tới thua lỗ, nên nhiều hộ tự mang sản phẩm chất đống trước nhà để bán, nhưng cũng chỉ được 2.500-3.500 đồng/kg, trong khi giá dưa bán tại các chợ đầu mối từ 5.000-6.000 đồng/kg.

Tăng năng suất, khắc phục hiện tượng sượng cơm trái sầu riêng là yêu cầu chính đặt ra đối với đề tài khoa học cấp tỉnh “Nghiên cứu xây dựng quy trình canh tác hợp lý nhằm đảm bảo và nâng cao năng suất, chất lượng sầu riêng ở huyện Khánh Sơn (Khánh Hòa)”.

Nhà vườn ở miền Tây đang mùa trái chín bắt đầu “thấm đòn” trước tác động kép: Hàng tiêu thụ chậm nay lại gặp thêm “nhà xe” tăng phí vận chuyển. Thương lái, nhà vựa thu mua trái cây cầm chừng, trái cây rớt giá sâu.

Ông Nguyễn Công Thừa, chủ nhiệm Hợp tác xã rau Anh Đào (Đà Lạt, Lâm Đồng), cho biết do ảnh hưởng của thời tiết, mưa nhiều và nguồn cung giảm, chưa kể chi phí vận tải cũng tăng, khiến giá nhiều mặt hàng rau tăng từ 100-200%.