Cây quýt đường cho hiệu quả kinh tế cao

Ông Lê Anh Quang - cán bộ phụ trách nông nghiệp xã Sơn Bình cho biết, mấy năm gần đây, một số nông dân đã đưa cây quýt đường vào trồng thử nghiệm tại địa phương.
Đây là loại cây cho năng suất cao, sản phẩm được người tiêu dùng ưa chuộng, giá thành khá cao và ổn định.
Vì vậy hiện nay, nhiều hộ đã tìm mua giống quýt này về trồng xen với các loại cây ăn trái khác, thậm chí có hộ còn bỏ cà phê, cải tạo lại vườn tạp để trồng quýt.
Chúng tôi đến vườn quýt của gia đình ông Nguyễn Ngọc Ánh (thôn Liên Hòa) - người tiên phong đưa cây quýt về Sơn Bình. Ô
ng Ánh cho biết, năm 2012, ông bắt đầu mua giống cây quýt đường về trồng xen với cây sầu riêng trên diện tích hơn 2ha. Năm 2014, vườn quýt đã cho thu hoạch vụ đầu tiên với sản lượng hơn 20 tấn.
Với giá bán 20.000 đồng/kg, gia đình ông thu hơn 400 triệu đồng. Hiện nay, vườn quýt của gia đình ông Ánh đang cho thu hoạch vụ thứ hai, dự kiến sản lượng sẽ tăng hơn so với vụ đầu. Gia đình ông Nguyễn Mậu Thạch (thôn Liên Hòa) cũng đầu tư trồng quýt đường.
Trò chuyện với chúng tôi, ông Thạch cho biết: “Gia đình tôi chủ yếu trồng sầu riêng. Năm 2012, tôi tình cờ biết được cây quýt đường có hiệu quả nên đã mua 70 cây về trồng thử nghiệm trên 3 sào đất trồng sầu riêng. Không ngờ trồng chơi mà ăn thật, sau 28 tháng, quýt đã cho thu hoạch lứa đầu hơn 1 tấn, bán được hơn 20 triệu đồng. Hiện nay, tôi đang tiếp tục mua thêm giống về trồng xen với diện tích sầu riêng còn lại. Năm nay, dự kiến vườn quýt của gia đình sẽ tiếp tục cho thu hoạch vụ thứ hai với khoảng 1,3 tấn quả”...
Theo nhận định của chính quyền địa phương, cây quýt đường đang có giá trị kinh tế cao, dễ trồng, hiệu quả hơn so với trồng cà phê. Nếu như năm 2012, cây quýt đường chỉ được một vài hộ trồng thử nghiệm với diện tích hơn 5ha thì đến nay, diện tích tại Sơn Bình đã tăng lên gấp đôi.
Tuy nhiên, lãnh đạo địa phương vẫn rất băn khoăn. Ông Cao Liên - Chủ tịch UBND xã Sơn Bình chia sẻ: “Cây quýt đường phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng và khí hậu tại địa phương, giá bán hiện cũng khá cao. Thế nhưng, điều chúng tôi lo lắng là liệu khi phát triển đại trà, giá bán có còn giữ ổn định ở mức cao như hiện nay? Đầu ra của sản phẩm này vẫn đang phụ thuộc hoàn toàn vào thương lái...”.
Có lẽ, chính vì sự lo lắng ấy mà hiện nay, địa phương chưa có kế hoạch phát triển đại trà cây quýt đường, chỉ một số hộ kinh tế khá tiên phong trồng thử nghiệm. Trong tương lai, nếu loại cây này có đầu ra ổn định thì địa phương mới khuyến khích nông dân phát triển ở một số khu vực có điều kiện thích hợp.
Có thể bạn quan tâm

Xác định tiêm phòng vắc-xin cho gia súc, gia cầm là một trong những biện pháp chủ lực, quan trọng hàng đầu trong phòng, chống dịch bệnh nên trong vụ xuân năm 2015, UBND tỉnh Nam Định đã chỉ đạo các địa phương thực hiện công tác tiêm phòng một cách quyết liệt.

Ông Trần Nguyễn Hồ ở ấp Long Thành, xã Long An, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang, nổi tiếng với mô hình chăn nuôi theo quy mô trang trại công nghiệp, an toàn sinh học và là một gương nông dân làm giàu theo hướng sản xuất hàng hóa với danh hiệu "vua chim cút".

Sau 3 tháng triển khai dự án chăn nuôi gà thả đồi tại xã Bảo Hà (Bảo Yên, Lào Cai) với tổng đàn gần 7.000 con, bước đầu đã khẳng định phù hợp với điều kiện chăn nuôi, tỷ lệ sống cao và tốc độ sinh trưởng nhanh. Dự án đã mở ra hướng phát triển kinh tế mới cho người dân địa phương vươn lên làm giàu.

Chỉ là 1 loại cây trồng “bén duyên” trên vùng đất cù lao Ngũ Hiệp, nhưng hơn 40 năm có mặt trên vùng đất này, cây sầu riêng đã bám rễ và phát triển trở thành cây trồng chủ lực của tỉnh Tiền Giang; đồng thời đưa xã Ngũ Hiệp (huyện Cai Lậy) trở thành “vương quốc” sầu riêng được nhiều người biết đến.

Anh Trần Phước Trung, cán bộ Ban Phát triển xã Nhị Hà (huyện Thuận Nam, tỉnh Ninh Thuận) đưa chúng tôi đến thăm mô hình nhóm cùng sở thích chăn nuôi cừu sinh sản ở thôn Nhị Hà 3. Đây là nhóm nông dân liên kết nuôi cừu đầu tiên ở địa phương được thành lập từ tháng 9- 2014 đến nay.