Cây Ớt Niềm Hy Vọng Của Nông Dân

Giá rau sau Tết Nguyên đán rớt giá thê thảm khiến nhiều nông dân trồng rau huyện Đak Pơ (Gia Lai) rơi vào cảnh trắng tay. Trước tình hình đó, mặc dù giá cả so với trước Tết có giảm, nhưng với mức giá từ 15.000 đồng đến 20.000 đồng/kg, cây ớt hiện đang trở thành niềm hy vọng của bà con nơi đây.
Đak Pơ là huyện có hơn 5.000 ha đất trồng rau. Trước Tết, giá rau rớt thê thảm, nhiều nông dân chịu thiệt, quyết định phá bỏ để tập trung trồng rau cho dịp sau Tết với hy vọng giá cả khá hơn. Nhưng lại một lần nữa, hành chỉ còn 700 đồng-1.000 đồng/bó, rau ngò 300 đồng/bó, bắp sú 500 đồng-700 đồng/kg, xà lách cũng rớt giá còn 1.000 đồng/kg khiến nhiều nhà nông điêu đứng.
Nhận thấy giá ớt chỉ giảm nhẹ, đồng thời cây ớt cho thu hoạch dài ngày và ổn định, các nhà nông ở đây đã quyết định trồng cây ớt làm cây chủ lực để giữ vốn trong vụ rau này.
Theo đa số người dân ở đây thì trồng ớt khỏe và yên tâm hơn so với trồng các loại rau khác bởi giá ớt ít có biến động, ngoài ra ớt cũng cho sản lượng lớn đem lại lợi nhuận cao.
Cùng với các loại rau khác, bà Lê Thị Thanh (thôn Tân Định, xã Cư An) đã có kinh nghiệm hơn 10 năm trồng ớt. Những mùa trước, cây ớt đem lại cho gia đình bà Thanh hơn 40 triệu đồng sau khi đã trừ chi phí. Hiện tại, một sào ớt nhà bà đang sinh trưởng tốt và sắp bước vào thời điểm ra hoa.
Bà Thanh chia sẻ: “Thấy các loại rau khác rớt giá quá nên nhà tôi cũng không trồng nhiều, chỉ trồng cầm chừng và tập trung cho cây ớt. Mặc dù cây ớt cũng đòi hỏi phải đầu tư nhiều, khoảng 15 triệu đồng/vụ nhưng bù lại giá cả ổn định nên chúng tôi cũng yên tâm hơn”.
Giá ớt trên thị trường thường dao động trong khoảng từ 15.000 đồng đến 20.000 đồng/kg, thời điểm thấp nhất cũng khoảng 10.000 đồng/kg, cao nhất có thể lên đến 50.000 đồng/kg nên vẫn được nhà nông lựa chọn để đầu tư. Gia đình chị Đào Thị Kim Diễm (thôn An Cư, xã Cư An) cũng trồng gần 2 sào ớt. Trong vụ năm ngoái, 2 sào ớt đem lại cho gia đình chị hơn 70 triệu đồng sau khi trừ hết các khoản chi phí.
Chị Diễm chia sẻ: “Trồng ớt cũng có lợi lắm. Nếu cây ớt tốt, khi vào vụ thu hoạch rộ thì 4-5 ngày hái một lần, mỗi lần hái được khoảng 5 tạ. Còn bình thường cũng được 3 tạ/lần hái. Tính chi li thì có lời hơn so với trồng các loại rau khác”.
Cũng nắm bắt được sức giảm của các loại rau nên ngay từ trước Tết, gia đình chị Nguyễn Thị Hảo (thôn Tân Sơn, xã Tân An) đã quyết định nhổ bỏ toàn bộ rau để thay vào đó cây ớt, chị Hảo nói: “Bây giờ chỉ dựa vào cây ớt thì mới mong có lời thôi, còn trồng các loại rau khác chỉ sợ mất vốn chứ mong gì lãi”.
Có thể bạn quan tâm

Dù không phải là "xứ sở của cây nhãn", nhưng vài năm gần đây, nông dân huyện Tân Yên (Bắc Giang) bắt đầu quan tâm, phát triển loại cây ăn quả có giá trị kinh tế này.

Theo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, diện tích trồng cây chôm chôm toàn tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu hiện nay khoảng 231ha, trong đó 174ha đang cho trái và có thể cung cấp cho thị trường khoảng 2.296 tấn quả/vụ. Chôm chôm là cây ăn quả khá phù hợp đối với vùng đất đỏ bazan, hiện được trồng phổ biến ở các huyện: Châu Đức, Xuyên Mộc, Tân Thành và Đất Đỏ.

Theo số liệu từ Cục Thống kê Đồng Nai, trong 7 tháng đầu năm 2015, xuất khẩu cà phê của tỉnh chỉ đạt trên 134 ngàn tấn, giảm khoảng 63 ngàn tấn so với cùng kỳ năm ngoái. Theo đó, kim ngạch xuất khẩu cà phê của Đồng Nai chỉ đạt gần 271 triệu USD, đạt khoảng 53% so với cùng kỳ.

Lần đầu tiên tại đồng bằng sông Cửu Long, nhiều nông dân trồng giống ngô chuyển gen NK66 Bt/GT của Công ty Syngenta đã tận mắt, tận tay trải nghiệm tính ưu việt của công nghệ mới, giúp cây ngô vừa chống chịu thuốc trừ cỏ gốc glyphosate vừa kháng được sâu đục thân, tiết kiệm chi phí và nâng cao thu nhập. Đây là một tín hiệu vui cho người trồng ngô, nhất là trước tình hình giá ngô không ổn định như hiện nay.

Cùng với cây hồ tiêu, cà phê là một trong 2 loại cây trồng chủ lực của huyện Chư Sê (Gia Lai), góp phần thúc đẩy kinh tế huyện nhà phát triển những năm qua.