Cây Dong Riềng Trên Đồng Đất Bắc Kạn

Năm nay là vụ thứ 3 tỉnh Bắc Kạn đưa dong riềng vào cơ cấu cây trồng mũi nhọn với quy mô đại trà, nhờ đó diện tích cây trồng này đã nhanh chóng được mở rộng lên tới gần 3.000ha, trong khi kế hoạch năm 2013 mới chỉ là 2.100ha. Sản lượng củ dong năm nay ước đạt 193.000 tấn.
Vấn đề đặt ra ở đây là làm sao để chế biến, tiêu thụ hết sản lượng dong riềng cho bà con mà vẫn đảm bảo có lãi, tránh tình trạng bị đẩy giá xuống quá thấp gây thiệt hại cho nông dân.
Khởi nguồn cây dong riềng và nghề làm miến dong ở Na Rì
Cây dong riềng đã có mặt từ rất lâu ở Bắc Kạn, nhưng khởi nguồn cho việc chế biến từ củ dong ra làm miến thì phải kể đến mảnh đất Côn Minh (Na Rì) - nơi được coi là “làng nghề miến dong” đầu tiên của tỉnh.
Tại các thôn Lủng Vạng, Bản Lài xã Côn Minh, từ những năm 1960 nhà nào cũng trồng vài vạt dong riềng lấy củ về ăn, chưa biết đến nghề làm miến. Phải đến năm 1985, một số hộ gia đình từ Thái Bình lên khai hoang đã trồng dong để nghiền lấy tinh bột, vận chuyển về xuôi bán.
Khoảng những năm 1990 - 1991, chính những người dân miền xuôi lên Côn Minh lập nghiệp đã mang nghề làm miến dong đến mảnh đất này. Trong bản, hộ này phổ biến cho hộ kia cách làm miến, ban đầu chỉ để ăn vào dịp Tết, sau có khách qua đường mua miến về xuôi làm quà, vậy là miến dần trở thành hàng hoá. Do sản xuất bằng phương pháp thủ công nên sản lượng miến đạt thấp, hiệu quả kinh tế không đáng kể.
Miến dong được làm từ bột dong tinh khiết không pha trộn, không dùng hoá chất tẩy trắng, miến có màu đen đặc trưng, dai giòn, đậm đà đã khiến những khách hàng mỗi lần qua Côn Minh phải dừng chân ghé mua. Từ đó người làm miến nơi bắt đầu nghĩ cách để làm miến nhanh hơn, số lượng nhiều hơn nhằm cung cấp cho khách. Xuất phát từ yêu cầu đó, năm 2011, 17 hộ dân của Côn Minh đã cùng nhau thành lập ra Hợp tác xã Sản xuất và chế biến miến dong Côn Minh.
Những thành viên trong HTX đã cùng nhau tìm tòi học hỏi, đầu tư công nghệ làm miến hiện đại thay cho phương pháp thủ công trước đây, đó là công nghệ chế biến miến dong chạy bằng điện, nồi hơi tráng liên hoàn. Miến dong Na Rì đã dần có mặt trên thị trường không chỉ ở trong tỉnh mà còn vươn xa ra các tỉnh bạn, đặt nền móng cho sản phẩm mang thương hiệu miến dong Bắc Kạn sau này.
Có thể nhận thấy một thực tế đó là từ trước tới nay chưa một loại cây trồng nào ở tỉnh Bắc Kạn lại phát triển với tốc độ nhanh như cây dong riềng. Tới nay, cây dong riềng đã có mặt ở hầu khắp 8 huyện, thị trong tỉnh.
Năm 2010, sau những chuyến khảo sát thực tế, Tỉnh uỷ, Uỷ ban nhân dân tỉnh đã quyết định lựa chọn cây dong riềng làm cây trồng mũi nhọn với nhiều kỳ vọng nhằm chuyển đổi cơ cấu cây trồng đem lại thu nhập, xoá đói giảm nghèo cho người dân.
Những chính sách hỗ trợ khuyến khích mở rộng diện tích canh tác dong riềng đã được tỉnh áp dụng như hỗ trợ giống, phân bón. Năm 2010 diện tích dong của tỉnh trồng là 354ha, năm 2011 nâng lên 578ha chủ yếu ở 02 huyện Na Rì và Ba Bể. Năm 2012 diện tích đã tăng gấp 3 đạt trên 1.800ha và năm 2013 này diện tích tăng đột biến, đến nay đã lên tới gần 3.000ha.
Cây dong riềng giờ đã vươn khắp các huyện, thị nhưng Ba Bể và Na Rì chiếm phần lớn diện tích và được xem như “vựa dong riềng” của tỉnh. Diện tích trồng dong riềng của huyện Na Rì dẫn đầu với 1.133ha và Ba Bể là 786ha, tiếp đó là Bạch Thông trên 300ha, Chợ Đồn 257ha, Pác Nặm 220ha. Huyện ít nhất cũng gần 80ha.
Với diện tích trồng dong tăng nhanh như vậy, sản lượng củ dong thu được sẽ lên tới trên 190.000 tấn, gây áp lực không nhỏ cho việc chế biến, tiêu thụ sản phẩm trên địa bàn. Vậy thực trạng hoạt động của các nhà máy, cơ sở chế biến dong và miến dong ở tỉnh Bắc Kạn hiện nay cũng như giải pháp mà tỉnh đặt ra cho vụ thu hoạch dong riềng sắp tới như thế nào sẽ được phản ánh trong những bài tiếp theo.
Có thể bạn quan tâm

Thời điểm tháng 11.2011, khi giá ớt tươi từ 45.000 – 55.000 đồng/kg, nông dân miền Tây đổ xô trồng ớt. Tuy nhiên, hiện nay giá ớt giảm được cho là do thị trường chính (Trung Quốc) giảm “ăn”, khiến giá sụt giảm.

Tỉnh Đắk Lắk là địa phương trọng điểm càphê của cả nước nhưng hiện nay đang diễn ra tình trạng thiếu sân phơi nghiêm trọng, không những gây thất thoát sau thu hoạch mà còn góp phần làm giảm chất lượng càphê xuất khẩu.

Nhằm từng bước nâng cao lợi nhuận chăn nuôi bò sữa, và khắc phục tình trạng thiếu lao động, thì cơ giới hoá trong chăn nuôi bò sữa đang từng bước tháo gỡ gánh nặng, nổi lo cho người nông dân về chất lượng nguồn lực lao động, và cũng là giải pháp để nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm nông nghiệp trong tình hình sản xuất hiện nay.

Hầu hết các mặt hàng nông sản, thực phẩm, thủy sản tại thời điểm này đều bị giảm giá tới 50-60%, song vẫn chưa có dấu hiệu phục hồi. Theo nhận định, với đà giảm giá này, có thể khiến cho sản xuất nông nghiệp của bà con nông dân rơi vào khủng hoảng, thậm chí tê liệt.

Sau hơn 3 tháng thả nuôi, Công ty TNHH một thành viên Thông Thuận - Kiên Giang (Cty Thông Thuận) vừa thu hoạch vụ nuôi tôm thẻ chân trắng đầu tiên tại xã Phú Mỹ, huyện Giang Thành, tỉnh Kiên Giang với năng suất đạt gần 17 tấn/ha.