Cây Điều Việt Nam Đang Đứng Trước Nhiều Cơ Hội Và Thách Thức

Đó là nhận định của các doanh nghiệp thuộc Hiệp hội điều Việt Nam (VINACAS) và các nhà quản lý ngành điều tại hội nghị Điều quốc tế Việt Nam 2014 diễn ra tại TP Vũng Tàu (Bà Rịa – Vũng Tàu) từ ngày 15 đến 17-5. Tham dự hội nghị có hơn 200 doanh nghiệp, nhà phân phối đến từ 40 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới.
Theo thông tin từ hội nghị, hiện nay, Việt Nam được coi như một cường quốc về sản suất, chế biến điều, chỉ đứng sau Ấn Độ. Những năm trước đây, diện tích cây điều của nước ta có khoảng hơn 400.000 ha nhưng vì nhiều lý do khách quan lẫn chủ quan, hiện diện tích trồng điều chỉ còn khoảng hơn 310.000 ha, chủ yếu trên địa bàn các tỉnh miền Đông Nam Bộ như Bình Phước, Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu...
Bình quân sản lượng những năm gần đây khoảng hơn 1,2 triệu tấn điều thô, khoảng 260.000 tấn điều nhân sơ chế và hơn 100.000 tấn vỏ điều chế biến dầu. Kim ngạch xuất khẩu hơn 1,8 tỉ USD, chỉ đứng sau các mặt hàng xuất nông sản khác như gạo, cao su, cà phê…
Về chế biến sau thu hoạch, hiện Việt Nam có hơn 500 doanh nghiệp, cơ sở và khoảng 333 đơn vị xuất khẩu điều trực tiếp cho hơn 80 quốc gia vùng lãnh thổ trên thế giới. Không những đem lại nguồn ngoại tệ xuất khẩu, ngành sản xuất, chế biến điều còn tạo việc làm ổn định cho hàng trăm ngàn lao động ở nông thôn.
Bên cạnh những cơ hội, theo nhận định của một số doanh nhân, nhà quản lý, Hiệp hội Điều Việt Nam thì vẫn còn có những thách thức không nhỏ. Những năm gần đây, diện tích điều của nước ta liên tục thu hẹp; nguyên nhân là do như nông dân chặt bỏ cây điều để trồng cây công nghiệp khác đạt hiệu quả kinh tế cao hơn, tái canh vườn điều có năng suất thấp để đưa vào trồng giống điều mới có hiệu quả hơn…
Không những vậy, cây điều của Việt Nam cho năng suất thấp, trình độ thâm canh của nông dân vẫn còn hạn chế, khâu chế biến còn nhỏ lẻ, vệ sinh an toàn thực phẩm chưa tốt… Trong khi đó, các thị trường xuất khẩu như: Mỹ, Nhật Bản, Úc… lại đòi hỏi rất khắt khe về quy trình sản xuất, chế biến, nếu các doanh nghiệp chuẩn bị không tốt sẽ khó chiếm lĩnh được các thị trường lớn nói trên.
Ông Nguyễn Văn Hòa Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) cho biết: Cơ hội xuất khẩu đang rộng mở là tín hiệu vui cho ngành Điều trong hiện tại và tương lai. Tuy nhiên, muốn điều này mang tính ổn định lâu dài thì ngành sản xuất, chế biến điều vẫn còn có những hạn chế nhất định.
Chúng ta cần có quy trình cải tạo vườn điều một cách bài bản từ khâu chọn giống điều tốt có năng suất cao hiệu quả hơn, rà soát quy hoạch vùng nguyên liệu chuyên canh. không chặt bỏ ồ ạt để chạy theo thị trường hiện tại. Song song đó, các ngành chức năng, các địa phương cần tăng cường hướng dẫn kỹ thuật cho người nông dân về cách chăm bón, thu hoạch và sau khi thu hoạch đạt chất lượng cao và nhất là làm tốt khâu vệ sinh an toàn thực phẩm.
Hiện tại năng suất của cây điều của Việt Nam chỉ đạt khoảng hơn 1 tấn/ha. Nếu người nông dân làm tốt những kỹ thuật trên thì có thể đạt năng suất 2-3 tấn/ha. Ngoài ra, không chỉ hạt điều mới mang lại giá trị kinh tế mà vỏ điều có thế làm dầu, trái điều làm phân bón...
Có thể bạn quan tâm

Lẽ ra vào thời điểm này, bà con nông dân ở huyện Đức Phổ (Quảng Ngãi) đang hối hả xuống giống vụ hè thu, nhưng hiện nay hàng nghìn héc ta đất canh tác trên địa bàn huyện phải bỏ hoang, ruộng khô cỏ cháy.

Xuất thân là một nông dân, cựu chiến binh Phan Ngọc Vui (thôn Thủ Lễ, xã Quảng Phước, huyện Quảng Điền, Thừa Thiên Huế) thử sức với nhiều mô hình làm ăn nhưng đều không mấy hiệu quả. Gần đây, tính toán lợi ích, ông bàn với vợ phát triển chăn nuôi vịt lang cạnh trắng. Ban đầu, ông phát triển đàn vịt theo hướng lấy thịt và bán trứng.

Ngày 18/11, Phòng NN-PTNT huyện Đồng Xuân (Phú Yên) phối hợp với Viện Khoa học kỹ thuật kinh tế nông nghiệp Duyên hải Nam Trung Bộ tổ chức hội nghị đầu bờ trình diễn mô hình trồng đậu phộng xen sắn trên đất đồi với 50 hộ nông dân tham gia.

Nhằm giúp nông dân đa dạng hóa các loại vật nuôi, phát triển kinh tế gia đình, tháng 9 -2011, thông qua nguồn vốn của Sở Khoa học và Công nghệ, Trạm Khuyến nông – Khuyến ngư, Phòng Kinh tế - Hạ tầng và Hội Nông dân huyện Ninh Phước đã phối hợp triển khai Dự án “Nuôi trùn quế theo hướng quy mô hộ tại xã Phước Vinh”.

Trung tâm Khuyến nông Lâm Đồng đang phối hợp cùng với ngành nông nghiệp Đà Lạt xây dựng một khu vực chuyên canh rau không thuốc và không phân bón hóa học, được tưới tiêu bằng hệ thống bơm nước mạch ngầm… ở khu vực Thánh Mẫu, theo mô hình “Trồng rau ăn lá bằng phương pháp thủy canh hồi lưu”.