Cây Chuối Giúp Xoá Nghèo Bền Vững

Những năm gần đây, cây chuối đã khẳng định giá trị kinh tế khi mức thu nhập hiện nay của những hộ trồng chuối đạt từ 30-50 triệu đồng mỗi năm. Nhiều hộ nhờ trồng chuối mà thoát nghèo, có cuộc sống no đủ.
Cây chuối hiện đem lại nguồn thu nhập khá cao cho nông dân trong huyện U Minh (Cà Mau). Chính vì thế, diện tích trồng chuối cũng tăng lên, nhất là ở các ấp trên các lâm phần rừng tràm, nông dân đã tận dụng đất trống của khuôn hộ để trồng chuối.
Ông Phạm Chí Nhẫn, ấp 14, xã Nguyễn Phích, cho biết: “Mấy năm nay nhờ trồng chuối mà gia đình tôi có dư và nuôi được đứa con học cao đẳng”. Hiện tại, ông Nhẫn có 1.200 m bờ bao trồng chuối (tương đương 0,7 ha) đang ở thời kỳ phát triển tốt.
Ông Nhẫn cho biết, giá chuối hiện tại đang ở mức cao, người trồng chuối rất phấn khởi. Vườn chuối nhà ông Nhẫn mỗi tháng thu hoạch 2 lần, mỗi lần từ 1,2-1,5 triệu đồng. Bắp chuối cũng có giá 4.000 đồng/bắp. Bình quân mỗi tháng ông Nhẫn thu nhập khoảng 4 triệu đồng từ buồng và bắp chuối.
Ông Nguyễn Thành Hiệp, hội viên cựu chiến binh ở ấp 12, xã Khánh Thuận có tới 3.000 m2 đất (khoảng 1,8 ha) bờ bao trồng chuối, mỗi năm mang về thu nhập 70 triệu đồng. Tuy vườn chuối nhà ông Hiệp đã giảm rất nhiều do già cỗi, nhưng mỗi tháng thu nhập từ 4,5 triệu đồng trở lên, riêng tiền bán bắp chuối cũng không dưới 1,5 triệu đồng/tháng.
Nhờ trồng chuối mà nhiều hộ từ nghèo khó nay đã thoát nghèo và có cuộc sống ổn định. Điển hình như hộ ông Nguyễn Văn Út ở ấp 14, xã Nguyễn Phích. Trước đây nhà ông Út đông miệng ăn lại có người trong gia đình bị bệnh tật nên rất nghèo. Khi chuối có giá, ông Út chăm sóc lại vườn chuối và có thu nhập ổn định khoảng 2 triệu đồng/tháng. Nguồn thu này rất ổn định từ vài năm nay nên hộ ông Út đã thoát nghèo và tích luỹ được vốn sản xuất.
Ông Trần Việt Hồng, Bí thư Chi bộ ấp 14, xã Nguyễn Phích, cho biết: “Thực hiện Nghị quyết 07 của Huyện uỷ U Minh về phát động phong trào tận dụng đất trống để trồng hoa màu, cây ăn trái và các loại cây khác, diện tích trồng chuối trong ấp đã tăng đáng kể. Hiện đa số hộ dân trong ấp đều trồng chuối. Hộ trồng nhiều thì thu nhập từ 3-5 triệu đồng/tháng. Hộ trồng ít thì cũng đủ chi phí cho sinh hoạt gia đình hằng ngày”.
Theo ông Phạm Chí Nhẫn, những bờ xáng cao ráo của khuôn hộ rất phù hợp để cây chuối phát triển. Chuối rất dễ trồng và nhanh cho thu hoạch, chỉ khoảng 8 tháng sau khi trồng thì cây chuối bắt đầu trổ buồng và vài tháng sau đã thu hoạch lứa chuối đầu tiên. Vốn đầu tư cho trồng chuối cũng ít, chủ yếu là tiền thuê mướn đắp bờ. Tất cả các hộ dân ở các ấp mới trên lâm phần đều thực hiện được mô hình này.
Các bờ bao đất rừng trên lâm phần U Minh Hạ rất thích hợp cho cây chuối phát triển. Nếu hàng ngàn hộ dân đang sinh sống ở đây tận dụng đất bờ đê bao, đất bờ kinh thuỷ lợi trên phần đất của mình nhận khoán để trồng chuối thì sẽ có nguồn thu ổn định hằng năm. Bờ chuối không những mang lại hiệu quả kinh tế, góp phần cải thiện môi trường mà còn là đường băng xanh cản lửa phòng, chống cháy rừng mùa khô.
Với đầu ra ổn định như hiện nay, lợi thế và tiềm năng kinh tế cây chuối ở huyện U Minh sẽ góp phần đáng kể vào công tác xoá nghèo, cải thiện đời sống nông dân.
Có thể bạn quan tâm

Cây bí xanh đã được các hộ dân ở huyện Thạch Thành trồng từ nhiều năm nay và cho hiệu quả kinh tế cao. Đến thăm ruộng bí nhà anh Lê Văn Tám, ở thôn Hợp, xã Thành Hưng đang kỳ thu hoạch, anh cho biết: Vụ thu – đông năm nay gia đình anh trồng 4 sào trên đất màu.

Theo Vicofa, nguyên nhân là mỗi vụ cà phê chỉ thu hoạch trong khoảng hai tháng nên nông dân có xu hướng bán cà phê ngay sau khi thu hoạch để trang trải chi phí. Nếu đề nghị tạm trữ cà phê được chấp thuận sẽ hạn chế được việc nông dân bán ra nhiều khiến giá giảm.

EU là một trong những thị trường xuất khẩu rau quả lớn và rất khó tính. Hệ thống tiêu chuẩn kỹ thuật rau quả nhập vào EU phải đạt năm tiêu chuẩn về chất lượng, vệ sinh thực phẩm, an toàn cho người sử dụng, bảo vệ môi trường và tiêu chuẩn về lao động.

Theo quy hoạch phát triển bò sữa tại xã Đạ Ròn của UBND huyện Đơn Dương, đến năm 2015, xã này được ấn định là 1.500 con, năm 2020 nâng lên 2.000 con. Tuy nhiên, thống kê của UBND xã Đạ Ròn cho thấy, cuối năm 2013, toàn xã đã có 1.800 con, đến thời điểm hiện nay là 2.047 con và dự báo sẽ còn tiếp tục tăng mạnh trong thời gian tới.

Mỗi năm người nuôi tôm trong huyện Đầm Dơi (Cà Mau) cần hơn 4 tỷ con giống, nhưng nguồn cung tại chỗ mới đáp ứng được khoảng 30%, số còn lại phải nhập từ nơi khác về.