Cây Ca Cao Nhiễm Bệnh Ở Đồng Nai

Những năm gần đây, trồng ca cao là một hướng đi mới mang lại hiệu quả kinh tế cao cho nông dân huyện Thống Nhất (Đồng Nai). Chỉ riêng tại Hưng Lộc, xã có diện tích trồng ca cao nhiều nhất huyện, đã có trên 80 hécta.
Cây ca cao dễ trồng, không tốn nhiều diện tích đất vì có thể trồng xen dưới tán cây điều và một số cây lâu năm khác, trong khi giá bán những năm qua đều khá cao và ổn định. Thế nhưng, năm nay khi mùa thu hoạch gần kề, người trồng ca cao lại đang điêu đứng vì cây nhiễm nấm bệnh làm hư trái, gây thiệt hại từ 30 - 70% sản lượng.
Theo các nhà vườn, những năm trước cây ca cao cũng bị nhiễm nấm và một số loại bệnh khác nhưng phun xịt thuốc phù hợp là cây nhanh chóng phục hồi và cho năng suất ổn định. Chỉ riêng năm nay, khi cây ra trái một thời gian ngắn thì xuất hiện nhiều đốm nhỏ trên trái, sau đó lan ra toàn trái và bị thối rụng. Tình trạng này diễn ra tại nhiều vườn và lây lan nhanh làm nhiều nhà nông điêu đứng vì đứng trước nguy cơ thua lỗ. Điển hình như vườn ca cao 1 hécta được 4 năm tuổi của gia đình ông Lê Văn Sách ở ấp Hưng Nghĩa, xã Hưng Lộc.
Năm ngoái trên diện tích này, ông thu về khoảng 2 tấn trái, sau khi trừ mọi chi phí, gia đình ông lời gần 10 triệu đồng. Thấy hiệu quả khá cao, vụ này ông đầu tư gần 10 triệu đồng mua phân bón để chăm sóc, ban đầu vườn ca cao ra hoa đậu trái rất đều nhưng khi trái đang phát triển tốt thì nấm xuất hiện và lây lan nhanh làm năng suất cây giảm khoảng 30% so với năm ngoái. Ông Sách cho biết: “Ca cao năm nay gặp mưa nhiều lúc ra hoa, bị bệnh nấm gây thối trái nhiều làm nông dân chúng tôi thua lỗ. Năm ngoái tôi thu được 2 tấn trái thì năm nay dự tính chỉ khoảng 1,2 - 1,3 tấn, thất thu khoảng 700 kg“.
Đến nay, Hưng Lộc đã có gần 50% diện tích trồng ca cao bị nhiễm nấm bệnh khiến nhiều nhà vườn bị thiệt hại. Cá biệt, có hộ bị thiệt hại nặng, năng suất giảm đến 70% như hộ ông Phạm Văn Đồng. “Mọi năm ca cao bị nhiễm nấm không nhiều, riêng năm nay nấm phát triển và khó diệt trừ. Tôi tính thực tế theo trái phải mất 70% là bị nấm khô, nhiều cây khô chỉ còn 3 - 4 trái. Loại nấm này tôi cũng chưa biết nó là nấm gì?” - ông Đồng ngao ngán nói. Ông còn cho biết thêm, năm ngoái 400 cây ca cao trong vườn ông thu hoạch được 1,5 tấn nhưng năm nay chắc chắn là dưới 1 tấn.
Trước tình hình trên, ông Lê Minh Tôn, Chủ nhiệm Câu lạc bộ ca cao xã Hưng Lộc, cho biết câu lạc bộ đã vào cuộc và tìm ra nguyên nhân nấm gây bệnh trên cây là do nấm phi-tốp (phytophthora): “Câu lạc bộ chúng tôi đã khuyến cáo toàn bộ hội viên sử dụng phân chuồng trộn với tri-cô-péc-ma (trichoderma) để đối kháng với nấm phi tốp, sau khi phát hiện những trái do nấm phi-tốp gây ra thì phải hái thu gom lại, đồng thời đào hố chôn và rắc vôi bột để tiêu hủy các mầm bệnh không cho lây lan”.
Có thể bạn quan tâm

Nhóm các nhà khoa học của Viện Cây lương thực và cây thực phẩm (Viện Khoa học nông nghiệp VN) vừa thực hiện thành công phương pháp chọn lọc cá thể đồng dạng từ các mẫu giống dưa bở nhập nội năm 1997, để tạo thành giống dưa bở vàng số 1.

Tình trạng tôm chết ở các tỉnh ĐBSCL ngày càng lan rộng khiến hàng loạt hộ nuôi tôm mất ăn mất ngủ. Mặc dù các ngành chức năng đang nỗ lực khống chế dịch bệnh nhưng tôm vẫn chết. Ngoài chuyện thiệt hại tiền tỷ, còn mối lo lớn nhất hiện nay là môi trường nuôi bị nhiễm độc do lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật…

Từ đầu năm đến nay, giá tôm nguyên liệu tại Cà Mau liên tục bị mất giá, đáng nói nhất là vào thời điểm hiện tại.

Vú sữa không khó trồng mà lại cho hiệu quả cao. Nơi nào đủ điều kiện rất nên trồng vú sữa. Ta nên trồng vú sữa vào đầu mùa mưa...

Cây dưa hấu không ít lần khiến nhiều hộ dân ở Bình Định đổ nước mắt, thậm chí lâm cảnh tán gia bại sản vì thua lỗ. Sự phát triển ào ạt của dưa hấu không tuân thủ quy hoạch dẫn đến tình trạng cung vượt cầu.