Cây Bông Lài Cây Giảm Nghèo

Bông lài dùng ướp trà, tạo hương vị thơm ngon hơn cho trà và được đông đảo “tín đồ trà” ưa thích. Mặc dù đây không phải là cây chủ lực trong thực hiện chuyển đổi cây trồng của địa phương nhưng chính cây bông lài cũng đã góp phần xóa đói giảm nghèo cho đồng bào Khmer ở Trà Vinh.
Theo số liệu thống kê của Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Trà Vinh, hiện toàn tỉnh có khoảng 200 hộ dân đã trồng hơn 43ha cây bông lài, trong đó có hơn 37ha đang cho sản phẩm, đạt sản lượng 2,78 tấn.
Cây bông lài trồng tập trung nơi có đất giồng cát ở TP Trà Vinh và huyện Châu Thành, bình quân mỗi hộ trồng từ 1- 2 công và nhiều nhất là 5 công. Đây là một loại cây trồng khác với các loại hoa màu khác. Người trồng thu hoạch bông mỗi ngày. Nhiều hộ dân nhờ cây bông lài này đã giải quyết được việc làm ở nông thôn và giảm được nghèo.
Theo một số hộ nông dân có kinh nghiệm trồng cây bông lài: “Cây bông lài rất dễ trồng mà hiệu quả lại cao, song phải chịu khó thường xuyên chăm sóc làm cỏ, bón phân… sớm phát hiện các loại sâu bệnh mà phòng trị kịp thời. Thời điểm thu hoạch thường theo nhu cầu của khách hàng.
Nếu khách hàng ở tỉnh xa, cần nhiều thời gian vận chuyển thì phải thu hoạch bông từ 13- 17 giờ, để sáng hôm sau giao cho khách hàng, còn nếu ở trong tỉnh thì tùy theo từng thời điểm mà thu hoạch.
Ở đây thường trồng cây bông lài theo phương pháp nhánh ghép. Trồng được 3- 4 tháng là bắt đầu thu hoạch nhưng năng suất không cao. Khoảng 1- 2 năm thì năng suất mới đạt đến đỉnh điểm. Mùa thuận thường vào tháng 2, tháng 3, năng suất hơn 10 kg/ngày cho mỗi công, giá từ 50.000- 80.000 đ/kg.
Như anh Thạch Kim Sanh (ấp Bình La, xã Lương Hòa- Châu Thành) gia đình tận dụng hơn 3.000m2 đất giồng cát quanh nhà trồng cây bông lài. Hiện diện tích trồng cây bông lài của gia đình anh đã được hơn 3 năm tuổi.
Nếu tính bình quân mỗi ngày gia đình anh thu hoạch được 8 kg/công thì với giá 50.000 đ/kg, mỗi tháng gia đình anh bán được hơn 12 triệu đồng. Sau khi trừ chi phí nhân công hái bông, làm cỏ, phân bón, gia đình còn lời hơn 8 triệu đồng.
Ngoài ra, từ cây bông lài, gia đình anh còn tạo công ăn việc làm cho nhiều lao động ở địa phương như: làm cỏ, hái bông… Anh còn có nguồn thu từ bán nhánh ghép (tỷ lệ nhánh sống đạt 100%).
Anh cho biết kinh nghiệm trồng cây bông lài: “Nhà tôi trồng cây bông lài cha truyền con nối. Kỹ thuật trồng thì đào hộc như dưa hấu, bón phân chuồng với phân lân và phải nhổ cỏ cho sạch, chăm sóc thường xuyên. Tháng khô thì phải 3- 4 ngày tưới nước 1 lần. Theo tôi, trồng lài này lời gấp 4- 5 lần trồng lúa”.
Từ hiệu quả của cây bông lài, nông dân ở địa phương coi đây là loại cây trồng “lấy ngắn nuôi dài” nên thường trồng xen với các loại hoa màu khác, vừa ít tốn tiền đầu tư vừa thuận tiện trong việc chăm sóc mà có hiệu quả cao hơn trồng đơn thuần một cây giống.
Đây không phải là một cây trồng chủ lực ở địa phương nhưng địa phương vẫn khuyến khích bà con trồng, bởi vì khi phát triển cây bông lài song song với một số cây trồng khác giúp cho bà con nâng cao được thu nhập. Hiện nay ở địa phương đã có nhiều hộ khấm khá từ trồng cây bông lài.
Có thể bạn quan tâm

Là tỉnh có truyền thống sản xuất nông nghiệp với trình độ thâm canh cao, hằng năm sản xuất một sản lượng lớn lương thực, rau quả và sản phẩm chăn nuôi, thủy sản. Ngoài đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong tỉnh, nông sản tỉnh ta đã được tiêu thụ ở các thị trường trong nước và xuất khẩu.

Những ngày này công tác vệ sinh, tiêu độc, khử trùng chuồng trại chăn nuôi, nơi buôn bán, giết mổ gia súc, gia cầm (GSGC) tại các địa phương trên địa bàn tỉnh đang được thực hiện nghiêm túc, triệt để. Đây là một biện pháp hữu hiệu tiêu diệt mầm bệnh ngoài môi trường, ngăn chặn sự phát sinh, bùng phát và lây lan dịch bệnh trên đàn GSGC; góp phần bảo vệ sức khỏe cộng đồng và môi trường, bảo vệ chăn nuôi.

Tôi gặp Phạm Năng Thành lần đầu khi anh là 1 trong 5 nông dân của tỉnh Hưng Yên về Hà Nội dự Hội nghị biểu dương nông dân điển hình tiên tiến toàn quốc lần thứ IV (tháng 5.2012). “Trong 2 năm đó, vợ chồng em nâng diện tích trồng chuối từ 10ha lên gần 20ha; xây căn biệt thự khang trang và sắm xe hơi...” - Thành chia sẻ trong lần gặp lại tôi mới đây.

Hiện nay, ở khu vực duyên hải miền Trung chưa có tỉnh nào trồng cây Mắc ca. Song, huyện Sơn Tây đã mạnh dạn đưa cây này trồng trên diện tích 6 ha với tổng kinh phí đầu tư gần 1,3 tỷ đồng ở 3 địa phương: Sơn Bua, Sơn Liên và Sơn Long trong tháng 9 này.

Sự ra đời của Nghị định số 67/NĐ-CP về một số chính sách phát triển thủy sản của Chính phủ không chỉ làm nức lòng bà con ngư dân, mà đây thật sự là cú huých để ngành thủy sản phát triển. Tuy nhiên, nhiều ngư dân vẫn còn băn khoăn liệu mình có nằm trong diện được tiếp cận nguồn vốn này.