Cây Bơ Cho Trái Vàng

Không ít người tò mò tìm đến xã Xuân Bảo (Cẩm Mỹ - Đồng Nai) để chiêm ngưỡng những cây bơ cho “trái vàng”. Bởi chỉ thu hoạch 2-3 cây bơ đã có thể mua được cả lượng vàng.
Những cây bơ cho trái được sánh như vàng có tuổi đời từ 8 đến gần 20 năm. Trước đây, loại cây này ít được người dân trong vùng chú ý. Nhưng mấy năm gần đây, trái bơ được thương lái các nơi đổ về thu mua, nên bà con mới để tâm chăm sóc.
Làm giàu từ bơ
Người có cây bơ cho trái kỷ lục ở xã Xuân Bảo là ông Nguyễn Văn Tân ở ấp Tân Hạnh, bà con trong ấp quen gọi ông là Sáu Hoàng. Theo lời ông Sáu Hoàng, mấy mươi năm làm nông, ông trồng nhiều loại cây, song chưa cây nào cho thu nhập cao như cây bơ.
Vợ ông Sáu Hoàng không giấu nổi niềm vui, khoe: “ Vụ bơ vừa rồi, thương lái vào hỏi mua mão với giá 15 triệu đồng/cây, tôi tính bán nhưng ông nhà tôi thấy trái nhiều, kêu họ hái xuống cân bán. Nào ngờ hái xuống, cân lên được hơn 8 tạ, lúc đó bơ đầu mùa đang có giá, tôi bán được 26 triệu đồng”.
Ông Nguyễn Ngọc Thạch, cũng ở ấp Tân Hạnh, vừa dẫn chúng tôi ra vườn, vừa kể: “Loại bơ bán trên 10 triệu đồng/cây/vụ thì ở vùng này nhiều lắm. Ngay trong vườn của tôi cũng có tới gần chục cây, cho thu hoạch bán được 10-12 triệu đồng/cây”. Hiện tại, ông đã chặt bỏ dần càphê, mãng cầu xiêm để chuyển sang trồng bơ, măng cụt. Và ông Thạch là người duy nhất trong cả nước có trái bơ đoạt giải trái ngon, giống tốt tại Festival trái cây đầu tiên được tổ chức vào năm 2010 tại Tiền Giang.
Theo một số hộ dân trồng bơ ở xã Xuân Bảo, bơ trồng ở vùng này hương vị ngon nên luôn được thương lái mua với giá cao hơn 2.000 - 3.000 đồng/kg so với bơ ở những vùng nổi tiếng lâu nay như: Đắk Lắk, Lâm Đồng và miền Tây. Đặc biệt, vào dịp cuối tháng 10, đầu tháng 11, khi bơ hết mùa, những hộ nào biết cách xử lý cho cây ra trái nghịch vụ, giá còn cao hơn, đạt 70.000 - 80.000 đồng/kg.
Đặc sản mới
Ông Nguyễn Văn Hết, cán bộ nông nghiệp xã Xuân Bảo cho hay, hiện ở địa phương có đến 20 giống bơ khác nhau, đều là những giống bơ ngon. Một số giống được cả năng suất lẫn chất lượng như: Dưa Leo, Năm Láng, Ngãi Giao, Láng Lớn. Đây cũng là những giống được nhiều nông dân trong vùng chọn trồng.
Ông Thạch nhận xét: “Có lẽ do đất đai và thời tiết vùng này ưu đãi cho cây bơ nên cùng giống đó trồng ở các tỉnh khác có năng suất, chất lượng đều không bằng trồng ở Xuân Bảo. Vì thế, gần đến mùa bơ là thương lái các nơi tìm về đặt hàng rất đông”. Nhiều thương lái còn sẵn sàng ứng trước vốn từ đầu vụ để các hộ chăm sóc cây, đến cuối vụ sẽ bao tiêu đầu ra. Cây bơ có giá nên nhiều nông dân trong xã Xuân Bảo đã chuyển dần sang chuyên canh loại cây trồng này”.
Ông Phan Thành Mai, Phó chủ tịch Hội Nông dân xã Xuân Bảo khẳng định: Hiện nay, bơ đang là cây cho hiệu quả kinh tế cao nhất trong cơ cấu giống cây trồng của xã, nhiều nông dân đã mạnh dạn chuyển sang trồng bơ. Diện tích bơ chuyên canh trong xã chỉ sau 2 năm đã lên đến hơn 80ha. Nếu giá bơ vẫn cao và ổn định thì chắc chắn diện tích bơ sẽ còn tiếp tục tăng.
“Cây bơ trồng hạt phải 5-6 năm mới cho trái nhưng hiện nông dân tụi tôi tự ghép, bơ chỉ hơn 4 năm đã cho trái bói và năm thứ 6-7 có thể cho năng suất tương đương với cây trồng hạt hơn 10 năm”, ông Phan Quý ở ấp Tân Hạnh nói
Có thể bạn quan tâm

Là địa phương nằm ven sông Hậu, có nguồn nước ngọt quanh năm nên rất thuận lợi cho việc nuôi con ba ba. Từ điều kiện đó, xã Tân Hòa, huyện Lai Vung (Đồng Tháp) đưa ra mô hình nuôi ba ba để các hộ nghèo ở địa phương có điều kiện làm kinh tế.

Khoai mỡ nặng từ 15 đến 60 kg, buồng chuối xiêm 40 nải, đu đủ dài quá khổ... là những sản vật vườn nhà của nông dân Nguyễn Hoàng Oanh ở tỉnh Sóc Trăng.

Trong khi sâu đục trái bưởi hiện chưa có thuốc đặc trị hữu hiệu, thì nhiều nhà vườn ở ĐBSCL đã dùng túi ny-lông bao trái, kết hợp biện pháp phòng trị tổng hợp bước đầu mang lại hiệu quả.

Ở bản Xốp Thập, xã Hữu Lập (Kỳ Sơn, Nghệ An) nhiều người đều thầm cảm ơn ông Kha Văn Phon, Trưởng bản vì với tư cách Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn, ông đã giúp bà con tiếp cận với đồng vốn ưu đãi của Ngân hàng dễ dàng hơn, từ đó có điều kiện cải thiện cuộc sống. Không những thế, ông còn là một gương điển hình làm kinh tế giỏi, xứng đáng để bà con trong bản học tập.

TS Đặng Kim Sơn – Viện trưởng Ipsard cho biết, qua kết quả điều tra từ hơn 3.000 hộ nông dân cho thấy, nông nghiệp vẫn là mặt trận hàng đầu và người nông dân là những người phát huy nội lực cao nhất, đóng góp cho sự phát triển kinh tế của đất nước.