Cầu Nối Giúp Hội Viên Nông Dân Làm Giàu

Những năm qua, Hội Nông dân xã Thanh Xương (huyện Điện Biên) luôn xác định thực hiện tốt chương trình liên kết với ngân hàng chính là khơi thông nguồn vốn tín dụng đầu tư cho lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn; giúp nông dân được hưởng lợi từ nguồn vốn ưu đãi về lãi suất, đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng về nguồn vốn phát triển sản xuất kinh doanh, chuyển dịch cơ cấu kinh tế.
Qua đó góp phần nâng cao vị trí vai trò của tổ chức hội, làm cho hội viên ngày càng tin tưởng, gắn bó, xây dựng tổ chức hội nông dân ngày càng vững mạnh.
Nêu cao vai trò hỗ trợ nông dân, Hội Nông dân xã Thanh Xương luôn phát huy trách nhiệm khi được các tổ chức tín dụng ủy thác vay vốn cho nông dân thông qua hoạt động của tổ tiết kiệm. Vì vậy số lượng và chất lượng dịch vụ vay vốn ngày càng được nâng lên.
Tính đến hết tháng 5/2013, tổng số hộ hội viên nông dân xã Thanh Xương được vay vốn thông qua Ngân hàng Chính sách Xã hội là 879 hộ, với tổng dư nợ trên 13 tỷ đồng; tập trung ở các chương trình vay vốn như: hộ nghèo vay vốn; hỗ trợ học sinh, sinh viên; giải quyết việc làm...
Anh Quàng Văn Toàn, Chủ tịch Hội Nông dân xã Thanh Xương cho biết: Đến tháng 5/2013, 100% các hộ vay vốn tại Ngân hàng Chính sách xã hội chưa phát sinh nợ quá hạn.
Qua kiểm tra, đánh giá hiệu quả vốn vay hàng năm, các hộ nông dân đều sử dụng vốn đúng mục đích, trong đó nhiều hộ tập trung đầu tư chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, phát triển gia trại, trang trại; nhiều nông dân đầu tư sản xuất kinh doanh đạt hiệu quả kinh tế cao. Điển hình như hội viên Lò Thị Tiên, đội 6; với mô hình nuôi chim bồ câu Pháp, mỗi năm gia đình chị thu nhập trên 200 triệu đồng.
Hay hộ anh Lò Văn Bun, với mô hình nuôi nhím, chim bồ câu Pháp; chăn nuôi lợn, thu nhập trên 100 triệu đồng/năm. Nhiều hộ nông dân đã mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, kết hợp mô hình cá - lúa; mô hình lợn giống; mô hình nuôi thỏ thịt...
Với việc thực hiện đồng bộ các chính sách hỗ trợ xóa đói, giảm nghèo của Đảng, Nhà nước và sự phấn đấu nỗ lực của các hộ hội viên nông dân, trong 5 năm qua, Thanh Xương đã có trên 800 gia đình hội viên nông dân có đời sống khá giả, giảm số hộ cận nghèo xuống còn 105 hộ. Toàn xã có 47 hộ sắm được ô tô; 1.777 hộ có xe máy; 88 hộ sắm được máy phay, máy tuốt lúa phục vụ cho nông nghiệp.
Không chỉ nỗ lực xóa đói nghèo trong hội viên nông dân mà qua các cuộc vận động nông dân tham gia xây dựng nông thôn mới; phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư" đã có 1.363 hộ đạt gia đình văn hóa; có 19/21 thôn, bản đã được UBND huyện công nhận là bản làng văn hóa.
Chủ tịch Hội Nông dân xã Quàng Văn Toàn chia sẻ: Qua kết quả hoạt động tín chấp giúp nông dân vay vốn, Hội Nông dân xã Thanh Xương đã đúc rút được nhiều kinh nghiệm như: Cán bộ hội cần tích cực nghiên cứu các văn bản chỉ đạo của cấp trên, nắm vững các chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước về chính sách tín dụng liên quan đến nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Từ đó phổ biến, tuyên truyền và vận động hội viên nông dân thực hiện.
Cần giữ mối quan hệ phối hợp chặt chẽ với ngân hàng và chính quyền cơ sở để nắm bắt thực trạng tình hình dư nợ và tình trạng nợ xấu, những khó khăn vướng mắc liên quan đến đối tượng vay vốn để có biện pháp giải quyết kịp thời.
Cùng với đó, Hội Nông dân xã chú trọng đào tạo đội ngũ cán bộ hội năng động, nhiệt tình, vừa thực hiện tốt công tác tuyên truyền, phổ biến các chính sách tín dụng của Nhà nước, của ngân hàng, vừa phải tích cực tiếp cận và khơi thông những vướng mắc khi hội viên có nhu cầu vay vốn, mang lại quyền và lợi ích chính đáng cho hội viên.
Chú trọng công tác đánh giá, nhận xét kết quả thực hiện chương trình phối hợp tại các hội nghị giao ban công tác hàng quý, sơ kết công tác 6 tháng… Qua đó động viên, biểu dương những đơn vị thực hiện tốt; uốn nắn, nhắc nhở những thiếu sót, tồn tại để có biện pháp khắc phục kịp thời.
Có thể bạn quan tâm

Mô hình trồng chuối tiêu hồng bằng phương pháp cấy mô do UBND xã Vĩnh Quang (huyện Vĩnh Thạnh, tỉnh Bình Định) thực hiện tại thôn Định Trường, với diện tích 1 ha, có 5 hộ tham gia. Các hộ dân được hỗ trợ 100% giá giống, phân bón và được tập huấn quy trình kỹ thuật trồng, chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh...

VASEP cho rằng cá hồi đông lạnh chủ yếu được NK về để phục vụ gia công xuất khẩu và cả tiêu thụ trong nước. Mặt hàng cá hồi hiện nay ở Việt Nam chưa phải là sản phẩm đã sản xuất được ở cấp độ hàng hóa, việc NK không mang tính cạnh tranh với sản xuất trong nước. Do đó, Hiệp hội đề xuất giảm mức thuế NK với cá hồi về 0% nhằm phong phú nguồn nguyên liệu chế biến gia công XK thủy sản.

Ngành nông nghiệp tỉnh đang chỉ đạo các đơn vị trực thuộc và ngành nông nghiệp các địa phương cùng các nhà vườn thực hiện công tác phòng chống dịch bệnh, nhất là bệnh vàng lá gân xanh trên cây cam sành, để khống chế sự lây lan bệnh trên cây có múi.

Những năm qua, nhiều nông dân trên địa bàn tỉnh đã mạnh dạn đưa những giống cây trồng mới vào sản xuất trên các vùng đất khác nhau nhằm phát triển kinh tế gia đình. Tuy nhiên có một thực tế đáng quan ngại hiện nay là năng suất cây trồng giảm mạnh sau một thời gian ngắn canh tác, sâu bệnh phát sinh gây hại tràn lan, chất lượng sản phẩm kém, tính cạnh tranh thấp. Nguyên nhân đầu tiên được xác định là do nguồn giống không đảm bảo, chưa qua kiểm dịch thực vật.

Dẫu còn phải lụy phà giang nhưng người dân ở cồn Tam Hiệp, huyện Bình Đại, tỉnh Bến Tre đang có một niềm vui mới to lớn hơn. Đó là trong tương lai không xa, trái nhãn nơi đây sẽ xuất sang Mỹ.