Câu Lạc Bộ Sở Thích Trồng Tiêu Xã Ân Thạnh Giúp Hội Viên Cùng Phát Triển

Để giúp người trồng tiêu hỗ trợ nhau trong đầu tư, phát triển cây tiêu, trao đổi kinh nghiệm trồng và chăm sóc cây tiêu có hiệu quả, làm cho cây tiêu trở thành cây trồng chủ lực của địa phương, từ đầu năm 2013, Hội Nông dân huyện Hoài Ân (Bình Định) đã thành lập và đưa vào hoạt động CLB sở thích trồng tiêu ở xã Ân Thạnh…
Trước đây người nông dân Ân Thạnh làm vườn trồng tiêu theo lối tự phát. Hầu hết các hộ trồng tiêu theo hình thức quảng canh, chưa được tập huấn về kỹ thuật chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh cho cây tiêu một cách bài bản. Nhằm giải quyết những bất cập, định hướng phát triển cây tiêu bền vững, giúp hội viên nông dân phát triển kinh tế, tăng thu nhập, cải thiện đời sống, góp phần thực hiện thắng lợi Chương trình xây dựng nông thôn mới, Hội Nông dân huyện đã thành lập các CLB sở thích trồng tiêu, trước hết là CLB ở Ân Thạnh.
CLB trồng tiêu ở xã Ân Thạnh có 28 hộ nông dân tham gia. Anh Lê Văn Phước, một tổ trưởng của CLB, cho biết: “Từ khi tham gia sinh hoạt CLB, anh em trồng tiêu ở đây đã cởi mở với nhau hơn, không còn mạnh ai nấy làm, mà sẵn sàng trao đổi những kinh nghiệm hay, những khó khăn vấp phải trong kỹ thuật trồng, chăm bón cây tiêu”.
Điều mà anh Phước tâm đắc và được anh em hội viên trong CLB áp dụng là kinh nghiệm sử dụng trụ tiêu và làm hệ thống tưới phun. Theo kinh nghiệm, dùng gạch, đá làm trụ tiêu, tính lâu dài đỡ tốn kinh phí hơn, tiết kiệm được diện tích, cây tiêu ít sâu bệnh và cho năng suất cao.
Còn trồng bằng trụ gỗ thì chi phí đầu tư lớn hơn nhiều, thời gian nắng, mưa tạo cho gỗ phát sinh nhiều loại nấm bệnh gây ảnh hưởng đến cây tiêu, làm cho tiêu bị nhiễm bệnh và chết. Còn việc đầu tư làm hệ thống nước tưới tiêu bằng đầu phun, tuy vốn ban đầu nhiều nhưng tiện lợi và hiệu quả rõ rệt. Hiện nay hầu hết hội viên CLB đã đầu tư xây trụ bằng gạch và xây dựng hệ thống tưới phun cho tiêu.
28 hộ trong CLB trồng hơn 5.000 gốc tiêu, trong đó tiêu trồng trụ xây gạch chiếm hơn 2/3, nhiều nhất là hộ anh Lê Văn Phước, anh Lê Văn Chức, với khoảng 600 gốc tiêu/hộ. Thu nhập từ cây tiêu bình quân khoảng 50 triệu đến 100 triệu đồng/hộ/năm. Riêng về cây giống, hội viên đều tìm giống tiêu có nguồn gốc rõ ràng, phù hợp với thổ nhưỡng và khí hậu địa phương, cho năng suất cao, như giống tiêu Vĩnh Linh, hầu hết các giống tiêu không phù hợp được loại bỏ.
Để giúp hội viên có vốn đầu tư phát triển vườn tiêu, Hội Nông dân huyện đã phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội huyện lập dự án hỗ trợ vốn cho 10/28 hộ trong CLB với số tiền 200 triệu đồng. Đồng thời, từ kinh phí hỗ trợ của huyện, Trạm Khuyến nông huyện đã xây dựng mô hình sử dụng phân sinh học và hướng dẫn cách phòng bệnh cho cây tiêu, đem lại kết quả khả quan cho 50 hộ trồng tiêu trong huyện, trong đó có một số hội viên CLB trồng tiêu Ân Thạnh.
Những vườn tiêu của hội viên CLB trồng tiêu Ân Thạnh đang phát triển xanh tốt, trổ những chùm hoa trông thật bắt mắt, hứa hẹn một mùa bội thu; cùng với giá cả và đầu ra trên thị trường hiện nay rất ổn định (120-140 ngàn đồng/kg) sẽ là điều kiện thuận lợi giúp cho đời sống của người trồng tiêu ở Ân Thạnh nói riêng, Hoài Ân nói chung ngày một phát triển ổn định hơn.
Có thể bạn quan tâm

UBND tỉnh Bình Định vừa ban hành quyết định phê duyệt Đề án phát triển chăn nuôi bò thịt chất lượng cao trong nông hộ giai đoạn 2015-2020 với tổng vốn đầu tư trên 6.254 tỉ đồng. Trong đó vốn ngân sách trung ương trên 22,181 tỉ đồng, vốn ngân sách địa phương gần 23 tỉ đồng và vốn đầu tư của dân trên 6.208 tỉ đồng.

Trong nhiều năm gần đây, giá hồ tiêu luôn ổn định ở mức cao, khiến nhiều nông dân Đác Nông đã đua nhau phá bỏ cây cao su, cà phê, chuyển đổi đất trồng cây hoa màu ngắn ngày. Thậm chí phá rừng, lấn chiếm đất rừng để ồ ạt trồng hồ tiêu, bất chấp những khuyến cáo của cơ quan chuyên môn, ngành nông nghiệp địa phương.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tính đến nay toàn tỉnh Kiên Giang đã thu hoạch diện tích lúa Hè Thu được 119.723/300.997 ha, chiếm 39,78% diện tích gieo sạ. Năng suất thu hoạch bình quân ước đạt 5,85 tấn/ha. Trong đó, huyện Tân Hiệp đã thu hoạch xong 36.655 ha, đạt 100% diện tích gieo sạ, năng suất bình quân đạt khá cao, đạt 6,5 tấn/ha và huyện Giồng Riềng đã thu hoạch được 44.960/46.511 ha, đạt 96,66% diện tích gieo sạ, năng suất bình quân đạt 5,7 tấn/ha.

Diện tích ca cao trong tỉnh Bến Tre còn không nhiều, từ trên 10.000ha nay giảm còn trên dưới 2.500ha. Hiện nay, ngoài kỹ thuật trồng, chăm sóc chưa đúng thì yếu tố sâu hại là vấn đề rất đáng lo ngại.

Thời gian qua, huyện Long Phú, tỉnh Sóc Trăng xác định sản xuất nông nghiệp là kinh tế chủ yếu, trong đó lúa là cây trồng chủ lực; Vì vậy, huyện đã tập trung thực hiện tốt các chính sách của Nhà nước đầu tư cho phát triển nông nghiệp, đặc biệt là xây dựng mô hình cánh đồng lúa lớn, giúp nông dân liên kết sản xuất, có đầu ra ổn định.