Câu Chuyện Làm Giàu Của Một Nông Dân Vùng Biên

Sinh ra và lớn lên ở huyện Tân Hồng, khởi nghiệp gian nan với số đất ít ỏi trồng lúa ở vùng biên giới nhưng bằng sự năng động, mạnh dạn trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi đã mang đến thành công cho anh Nguyễn Văn Phụng (SN 1969) ấp Đuôi Tôm, xã Tân Hộ Cơ, huyện Tân Hồng.
Anh Nguyễn Văn Phụng là một trong những nông dân điển hình của huyện Tân Hồng thành công với mô hình chuyển đổi diện tích đất trồng lúa sang trồng cỏ nuôi bò vỗ béo và bò sinh sản. Hiện tại, ngoài sở hữu 1ha đất trồng cỏ nuôi bò, anh còn canh tác trên 15ha trồng lúa cao sản và là chủ nhân một trại bò khoảng 30 con, thu nhập bình quân trên 500 triệu đồng/năm.
Nhớ về những ngày đầu lập nghiệp, anh Phụng chia sẻ: “Trước đây gia đình tôi trồng lúa, nhưng lúa thường bị rớt giá nên tôi chuyển sang nuôi bò vỗ béo. Vào những tháng mùa nước nổi, cỏ tươi ngoài đồng khan hiếm phải cho bò ăn rơm khô “chữa cháy”.
Vì vậy, năm 2011, tôi quyết định chuyển hẳn 1ha đất canh tác lúa sang trồng cỏ để đảm bảo nguồn thức ăn cho bò vào mùa lũ. Tuy nhiên, với nông dân, quanh năm chỉ bám cây lúa thì việc tôi chuyển 1ha đất trồng lúa sang trồng cỏ nuôi bò là hết sức mạo hiểm. Nhiều người đoán rằng tôi sẽ thất bại, nhưng hơn 3 năm qua tôi đã thành công với việc chuyển đổi này”.
Sau khoảng thời gian chuyển sang nghề nuôi bò vỗ béo, anh Phụng lại bén duyên với ngành nghề mới đó là mua bán bò giống.
Mặc dù, huyện Tân Hồng nổi tiếng với nghề chăn nuôi bò nhưng những năm trước đây, phần lớn nguồn bò giống của địa phương chất lượng thấp, vì vậy không mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người chăn nuôi. Xuất phát từ nhu cầu về nguồn bò giống của bà con, anh Phụng đã đi nhiều nơi như Trà Vinh, Tiền Giang, Củ Chi (TP.HCM)... tìm các loại bò giống chất lượng cao về phục vụ cho thị trường.
Sau nhiều năm gắn bó với nghề, anh Phụng chia sẻ: “Nghề này cũng không khó, khi mua bò giống, điều quan trọng nhất là phải chọn con bò có ngoại hình cân đối, xoáy trên thân bò phải đẹp và nằm đúng vị trí. Nhưng điều quan trọng để hạn chế tối đa những thiệt hại do dịch bệnh thì sau khi chọn mua bò giống, tôi thường tiêm phòng vắc xin đầy đủ cho đàn bò”.
Hiện tại, trại bò giống của anh Phụng đang là địa chỉ tin cậy của vùng. Bên cạnh cung cấp bò giống chất lượng cho địa phương, trại bò giống Ba Phụng còn là điểm đến của nhiều khách hàng ở các huyện lân cận.
Anh Lê Minh Luôn - Chủ tịch Hội Nông dân xã Tân Hộ Cơ cho biết: “Những năm gần đây, phong trào chăn nuôi bò phát triển mạnh ở huyện Tân Hồng, hiện vấn đề tạo nguồn cỏ ổn định cho đàn bò đang là khó khăn mà nhiều nông hộ phải đối mặt.
Mô hình chuyển đổi cây trồng trên nền đất lúa của anh Phụng đã tạo sức ảnh hưởng và lan tỏa mạnh đối với nhiều nông dân khác trong vùng. Ngoài lao động sản xuất giỏi, anh Phụng còn rất nhiệt tình trong công tác từ thiện xã hội và sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm sản xuất với bà con trong vùng”.
Có thể bạn quan tâm

Theo thống kê của Sở NN&PTNT, sản lượng khai thác hải sản của tỉnh trong năm 2014 đạt xấp xỉ 73 nghìn tấn, tăng 8.500 tấn so với năm 2013. Giá trị sản xuất ước đạt khoảng 2 nghìn tỷ đồng. Đây là thành quả rất đáng ghi nhận bởi năm vừa qua, việc khai thác hải sản gặp rất nhiều khó khăn, nhất là tình hình căng thẳng ở biển Đông.

Tết Nguyên Đán cận kề, người dân làng hoa An Lạc, thành phố Đông Hà (Quảng Trị) tất bật, bận rộn hơn bao giờ hết. Khác với mọi năm, ngoài những vườn hoa cúc, thược dược, lay ơn truyền thống, năm nay một số gia đình trồng hoa ở An Lạc nắm bắt tâm lý tiêu dùng mới đã tự học cách trồng thêm những giống hoa lạ.

Theo dự báo của Đài Khí tượng thuỷ văn Quảng Trị, vụ đông xuân năm 2014-2015 có nền nhiệt độ bằng hoặc ấm hơn trung bình nhiều năm, các đợt rét đậm, rét hại có khả năng không kéo dài và nhiệt độ cũng không xuống thấp như các vụ đông xuân trước, vào các tháng cuối vụ xuất hiện nắng nóng cục bộ. Lượng mưa toàn vụ đông xuân năm nay ở mức xấp xỉ hoặc thấp hơn TBNN cùng kỳ.

Ngược về xã Văn Yên, địa phương có nhiều diện tích đất nông nghiệp thường thiếu nước vào vụ xuân nên làm đất cấy vụ xuân thường gặp rất nhiều khó khăn như cánh đồng xóm Núi (xóm Núi), cánh đồng Kỹ Thuật (xóm Cầu Găng, xóm Đinh) nhưng năm nay nguồn nước thuận lợi nên người dân đã làm đất được hơn 70% diện tích đất.

Kết quả bước đầu cho thấy giống khoai tây Dimant phát triển khá, ít sâu bệnh, có năng suất cao, màu sắc củ vàng, đẹp, chất lượng thơm ngon. Qua hơn 3 tháng thực hiện, đến nay mô hình trồng khoai tây vụ đông ở thôn Tân Thủy, xã Tân Phúc đang cho thu hoạch, năng suất bình quân đạt từ 150 đến 170 tạ/ha. Với giá bán bình quân hiện nay từ 10.000 – 15.000 đồng/kg, nông dân thu nhập từ 3 – 5 triệu đồng/sào, cao gấp 3 - 4 lần so với trồng lúa và ngô.