Cao Lãnh (Đồng Tháp) Sản Xuất Rau Màu Trên Ruộng Lúa Trong Mùa Khô

Thực hiện chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa, nhằm nâng cao giá trị thu hoạch trên một đơn vị diện tích, những năm qua, chính quyền các địa phương ở huyện Cao Lãnh (Đồng Tháp) tích cực vận động bà con nông dân đưa cây màu xuống ruộng thay thế cho vụ lúa hè thu đã mang lại nhiều hiệu quả thiết thực.
Theo thông lệ, vụ hè thu bắt đầu từ tháng 2 đến hết tháng 6 (âm lịch). Đây là những tháng thời tiết không thuận lợi cho việc sản xuất lúa, đặc biệt đối với những vùng đất gò cao, do tình trạng khô hạn, nắng nóng kéo dài, khiến cho đồng ruộng luôn bị thiếu nước. Để khắc phục những bất lợi này, ở những vùng đất sản xuất lúa vụ hè thu kém hiệu quả, bà con nông dân đã chuyển sang trồng rau màu.
Chị Mai Thị Cúc ở ấp 4, xã Mỹ Long đã xuống giống 4 công bắp hơn 2 tuần tuổi cho biết: “Trồng lúa mấy năm trước bị chuột, rầy nâu hại nhiều, chi phí cao, có khi lỗ vốn nên tôi chuyển sang trồng màu. Tôi trồng rẫy trên đất lúa vụ hè thu năm nay là năm thứ 2.
Năm trước vụ này tôi trồng dưa hấu, năm nay trồng bắp MICKY 36, hợp đồng bán cho công ty 1.500 đồng/trái. Trồng rẫy lợi nhuận cao hơn lúa từ 2 đến 3 triệu đồng/công”.
Tiếp chuyện với chúng tôi tại ruộng dưa hấu trên 7 công đang chuẩn bị cho trái, ông Nguyễn Văn Vinh ở ấp 2, xã Tân Hội Trung nói: “Thấy giá lúa thấp nên tôi trồng dưa hấu vụ hè thu. Vụ này dưa hấu cũng khó trồng nhưng nhờ có kinh nghiệm nên tôi rất tự tin thành công”.
Mấy năm qua, các xã của huyện Cao Lãnh đều vận động bà con nông dân thu hoạch lúa đông xuân sớm xong, ở những vùng gò cao, khó sản xuất vụ lúa tiếp theo nên trồng cây màu để thay thế vụ lúa hè thu, rồi sau đó mới sản xuất lại vụ lúa thu đông.
Ông Võ Trung Kiên - Chủ tịch UBND xã Tân Hội Trung cho biết thêm: “Sau khi thu hoạch lúa đông xuân xã có chủ trương vận động bà con chuyển qua trồng một số cây hoa màu đặc thù của địa phươngnhư hiện tại, đã xuống giống được khoảng 20ha dưa hấu, khoảng 40ha sen”.
Theo ngành nông nghiệp huyện Cao Lãnh, từ đầu năm đến nay toàn huyện đã gieo sạ trên 1.130ha rau màu các loại, trong đó, trồng trên đất lúa trên 700ha. Rau màu chủ lực trong vụ này là các loại cây lấy củ, sen, đậu nành, mè đen, bắp, dưa hấu, cây họ bầu bí, dưa leo...
Kỹ sư Nguyễn Văn Phong - Trưởng Trạm Bảo vệ thực vật huyện Cao Lãnh đánh giá: “Trong những năm gần đây chủ trương của huyện chuyển đổi cây lúa trên vùng đất gò sang cây màu đã mang lại nhiều hiệu quả cho nông dân.
Trồng luân canh cây màu trên ruộng lúa trong mùa khô ngoài hiệu quả kinh tế bà con nông dân còn có nhiều lợi ích khác như giúp giải quyết những khó khăn trong mùa khô hạn, nhất là nước tưới, thay đổi được cơ cấu mùa vụ, cây trồng; nếu thay thế một vụ lúa bằng vụ rau màu sẽ có tác dụng ngăn chặn các đối tượng dịch hại lây lan từ vụ lúa này sang vụ lúa khác; cải tạo được đất đai, tăng độ màu mỡ và tăng lượng đạm trong đất, giúp giảm chi phí phân bón cho các vụ lúa tiếp theo”.
Có thể bạn quan tâm

Vụ mùa năm nay người dân ở Khánh Sơn (Khánh Hòa) bị thất thu do mít nghệ mất mùa. Trong thời kỳ ra hoa đậu quả, mít phát triển bình thường, nhưng gần đến khi thu hoạch thì thối trái và rụng hàng loạt.

Từ cuối năm 2012 đến nay, lượng đường tồn kho trong nước luôn ở mức cao kỷ lục (khoảng 500 nghìn tấn). Mặc dù các cơ quan chức năng đã dồn sức tháo gỡ khó khăn cho ngành mía đường nhưng vẫn chưa thật sự có hiệu quả. Ðể giải bài toán khó này, cần quyết liệt thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ từ các ngành, các cấp.

Đến nay trên địa bàn huyện Gò Dầu đã hình thành 3 vùng nhân lúa giống tập trung ở 3 xã Phước Trạch, Cẩm Giang và Bàu Đồn.

Sáng 20-8, Sở Nông nghiệp và PTNT Hải Phòng phối hợp với huyện Thủy Nguyên tổ chức thả hơn 11 vạn cá giống nước ngọt ra sông Giá, huyện Thủy Nguyên, chủ yếu là cá mè, cá trắm đen, trắm cỏ, chép, rô phi.

Ông Huỳnh Văn Tâm, ngụ ấp Bình Phú I, xã Phú Bình (Phú Tân, An Giang) thành công với mô hình nuôi cá tai tượng trong ao hầm đạt lợi nhuận cao, góp phần đa dạng hóa nghề nuôi thủy sản ở địa phương. Hiện tại, ông Tâm đang mở rộng nuôi 20.000 con cá tai tượng. Loài thủy sản này dễ chăm sóc, ít hao hụt, đầu tư chi phí thấp hơn cá tra. Thức ăn chủ yếu là cám, cá biển, kèm thêm các loại lá cây, rau lang, rau muống...