Cảnh giác với việc mua cá sấu non

Hiện giá cá sấu "non" đang ở mức từ 300.000 - 400.000 đồng/con tăng lên 700.000 - 800.000 đồng/con nhưng cũng không có hàng để bán.
Theo cảnh báo của các cơ quan chức năng, đây có thể là chiêu trò phá hoại kinh tế. Người gây nuôi cá sấu nếu không tỉnh táo sẽ sập bẫy khiến cho thị trường cá sấu bị lũng đoạn, kéo theo sụt giảm số lượng và chất lượng cá sấu giống trong tương lai.
Ông Đào Công Tâm (thị trấn Phước Long) lo lắng cho biết: “Mới đây, có một nhóm người lạ tìm đến nhà năn nỉ tôi bán cá sấu từ 2 - 7 kg. Nhưng tôi từ chối vì e ngại lại “dính bẫy” thương lái Trung Quốc như 2 năm trước”. Hiện nay, ông Tâm còn hơn 100 con cá sấu lứa từ 5 - 7 kg.
Tỉnh Bạc Liêu hiện có 1.594 hộ gây nuôi cá sấu với tổng đàn 169.092 con. Huyện Phước Long là địa phương nuôi cá sấu nhiều nhất tỉnh với số lượng 130.000 con.
Năm 2014, thấy nguồn lợi từ nuôi cá sấu khá lớn nên nhiều người dân ồ ạt phá bỏ chuồng gà, chuồng lợn, thậm chí vay tiền để đầu tư xây chuồng nuôi cá sấu. Tuy nhiên, ước mơ đổi đời chưa kịp thực hiện thì giá cá sấu giống tăng đột biến, nhiều hộ đành “treo chuồng” bởi nếu liều lĩnh thả nuôi sẽ bị lỗ vốn do chi phí rất cao.
Trong khi giá cá sấu "non" đang "làm mưa làm gió" thì những hộ nuôi cá sấu đến kỳ xuất bán lại "đứng ngồi không yên" vì giá cá sấu thương phẩm ngày càng tuột dốc, thậm chí không có người mua.
Hiện giá cá sấu thương phẩm chỉ ở mức 200.000 đồng/kg, thấp hơn 30.000 - 40.000 đồng/kg so với cùng kỳ năm trước. Có hộ còn hơn 100 con cá sấu đến đợt xuất chuồng nhưng không tìm được thương lái để bán, nếu có thì bị ép giá.
Theo ông Nguyễn Văn Phúc, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh: “Mặc dù Bạc Liêu là một trong những địa phương có lượng cá sấu nuôi nhiều so với cả nước, nhưng toàn tỉnh chỉ có một vài doanh nghiệp đứng ra thu mua cá sấu thịt và chỉ duy nhất trang trại Phương Tín (huyện Phước Long) được cấp giấy phép CITES (Công ước về buôn bán quốc tế các loài động thực vật hoang dã nguy cấp).
Mỗi năm, trang trại này cung cấp cho thị trường khoảng 60.000 con cá sấu giống, nhưng số lượng cá giống này vẫn không đủ cung cho người nuôi. Do nguồn cung không đủ và ham giá rẻ, không ít người nuôi đã đổ xô mua cá sấu giống tại các tỉnh lân cận hoặc tìm mua ở các thương lái bất chấp nguồn gốc, xuất xứ”.
Cơ quan chức năng cũng khuyến cáo, những ngày này, người nuôi không nên mua cá con vì đến đầu tháng 6 - tháng 7 dương lịch mới là mùa sinh sản của cá. Còn cá con thời điểm trước tháng 6 đa phần là cá “đẹt”, không phát triển. Nếu mua phải loại cá này, không những mất của lại còn mất công.
Để có sức “đề kháng” với những rủi ro, khi muốn đầu tư nuôi cá sấu nên đăng ký với Chi cục Kiểm lâm hoặc chính quyền địa phương để được bảo vệ quyền lợi một cách thích đáng.
Chăn nuôi động vật hoang dã, đặc biệt là cá sấu giúp người dân phát triển kinh tế, thậm chí làm giàu. Tuy nhiên nếu không có quy hoạch mà phát triển ồ ạt, theo phong trào, không tính đến yếu tố thị trường thì hệ quả “trúng mùa, mất giá” và người sản xuất gánh chịu hậu quả là điều không tránh khỏi.
Do nguồn cung - cầu không ổn định, giá cả trồi sụt bất thường nên nghề nuôi cá sấu được xem là "canh bạc may rủi". Người sản xuất cần cảnh giác cao với việc lùng mua cá sấu ''non''. Từ thực tế này, các địa phương cũng cần làm tốt hơn nữa công tác tuyên truyền để người dân biết và đề phòng.
Có thể bạn quan tâm

UBND huyện Thoại Sơn (An Giang) vừa họp Hội đồng Khoa học và Công nghệ nghiệm thu đề tài “Nghiên cứu ảnh hưởng của silic đến sinh trưởng năng suất và chất lượng giống đậu phộng L14 tại Thoại Sơn, An Giang”, do Thạc sĩ Phạm Thị Kiều Oanh-Trạm Khuyến nông Thoại Sơn làm chủ nhiệm.

Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Lục Ngạn (Bắc Giang) vừa triển khai mô hình trồng thanh long ruột đỏ quy mô 1 ha tại xã Phong Vân.

Gắn bó và trồng quýt nhiều năm nay, ông Phạm Văn Thí (ở ấp Bầu Chiên, xã Tân Lâm, huyện Xuyên Mộc, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) được xem là một trong những người trồng quýt giỏi ở vùng này.

Với 500 triệu đồng từ Quỹ Hỗ trợ nông dân (HTND) của T.Ư Hội NDVN cho vay để thực hiện dự án nuôi cá nước ngọt, nhiều hộ nuôi cá ở xã Phú Lộc, huyện Hậu Lộc, Thanh Hóa đã đầu tư mua con giống, mở rộng ao nuôi...

Với 32km bờ biển, 81 nghìn ha bãi bồi ven biển và gần 4.000ha đất ngập triều, những năm qua, huyện Giao Thủy (Nam Định) đã tập trung phát triển kinh tế biển trở thành ngành kinh tế “mũi nhọn” của huyện, trọng tâm là phát triển lực lượng khai thác xa bờ, xây dựng hạ tầng dịch vụ nghề cá và phát triển nuôi trồng thủy sản, góp phần quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của huyện.