Cảnh giác trước hiện tượng ráo riết thu mua quả cau non với giá cao

Nhiều người ngạc nhiên về mục đích mua quả cau non vì cau non không thể sử dụng trong việc gì, hỏi thương lái thì mỗi người nói một kiểu khác nhau, người dân cũng bàn tán và đưa ra nhiều dự đoán về tình trạng mua quả cau non này.
Xã Hỏa Tiến (thành phố Vị Thanh) có nhiều hàng cau trồng ven đường đi vào các ấp, hàng ngày có nhiều thương lái lui tới xem cau và hỏi mua cau non.
Bà Nguyễn Thị Ba ở xã Hỏa Tiến cho biết, mấy tuần nay ngày nào cũng có người qua lại nhìn cau dọc bên đường và hỏi mua cau non. Trước đây, cau già vừa ăn, bà Ba bán chỉ được 4.000 đồng/kg, còn giờ thương lái đưa giá 15.000 đồng/kg cau non, cân cả cùi chứ không phải lựa quả riêng. Khi được hỏi mua cau non làm gì thì người mua không trả lời nên bà Ba thấy rất ngạc nhiên.
Cũng ở xã Hỏa Tiến, nhà bà Lê Thị Nhang trồng nhiều cau nên thường xuyên có người đến hỏi về cau non. Ban đầu có người tìm gặp bà Nhang nói rằng mua cau non về cho chùa làm thuốc, bà thấy giá cau già rẻ (2.000 đồng/10 quả) thì cau non giá sẽ rẻ hơn, lại thấy mua về cho chùa làm thuốc nên bà cho không, để người đến hỏi tự hái. Sau vài lần cho không, bà Nhang có hỏi cặn kẽ hơn thì thương lái nói mua về làm mâm quả trầu cau loại nhỏ phục vụ đám hỏi.
Bà Nhang cho biết, quả cau non nhỏ bằng đầu ngón tay cái, bên trong quả cau chưa có ruột, chùm cau chỉ có 7 đến 10 trái người ta cũng mua, với quả cau còn non, chùm xấu thì không làm mâm quả trầu cau được.
Ông Mai Văn Đấu trồng vài chục cây cau làm bóng mát, do thân cau nhỏ và cao, ông không cho người nhà leo lên hái nên có nhiều quả và thương lái thường xuyên đến hỏi mua.
Thấy việc mua quả cau non là hiện tượng trước giờ chưa xảy ra nên ông Đấu hỏi mục đích mua cau non thì mỗi người nói một kiểu khác nhau. Có người mua nói lấy cau non về phơi lấy ruột xay ra trộn vào càphê, có người thì nói mua về làm thuốc nhuộm vải.
Ông Đấu cho rằng thương lái mua cau non để sau này người dân không có cau già để bán phục vụ việc làm mâm quả trầu cau trong đám hỏi hoặc để người già ăn trầu, lúc này cau hiếm hàng, thương lái sẽ tung ra nguồn cau quả mà họ có sẵn bán giá cao để thu lợi.
Phó chủ tịch xã Hỏa Tiến Lê Văn Đạt cho biết, người dân trong xã không trồng cau theo kiểu chuyên canh mà trồng rải rác trước nhà, dọc đường đi để lấy bóng mát, trong vòng một tháng nay có hiện tượng thương lái mua cau non trong địa bàn xã.
"Việc mua bán cau non của người dân thì chính quyền xã không ngăn cản, nhưng lãnh đạo xã đã thông báo cho trưởng các ấp theo dõi nắm tình hình, tìm hiểu chính xác mục đích việc mua cau non của thương lái, cảnh báo cho người dân về các hiện tượng mua ngọn khoai lang, ngọn khoai mỳ, lá mãng cầu xiêm đã xảy ra trước đây để người dân cảnh giác." - Ông Đạt cho biết thêm.
Có thể bạn quan tâm

Nghề câu mực khơi từ lâu được xem như một nghề ăn nên làm ra của ngư dân. Thế nhưng, hiện nay tại một số địa phương như Quảng Nam, Quảng Ngãi hàng loạt đội tàu câu mực khơi đã “giải nghệ”.

Minh Côi là một trong những xã có diện tích nuôi thủy sản lớn của huyện Hạ Hòa (Phú Thọ). Trong gần 10 năm trở lại đây phong trào nuôi thủy sản ở Minh Côi đã phát triển mạnh mẽ. Trước đây chỉ có một số hộ dân nuôi cá phục vụ đời sống, đến nay toàn xã đã có 230 hộ nuôi thủy sản theo hướng kinh doanh với tổng diện tích 68,87ha, phân bố ở 7 khu hành chính.

Vụ tôm sú 2013 đã qua một nửa thời gian nhưng người dân ở Trà Vinh, Bến Tre vẫn không dám thả nuôi do thời tiết, dịch bệnh diễn biến phức tạp và đã cạn vốn.

Nhờ được vay vốn không phải trả lãi, nhiều hộ ND ở Hải Dương đã có điều kiện mua máy cày, máy tuốt lúa, máy gặt đập liên hợp, ô tô tải nhẹ...

Với sự năng động, dám nghĩ dám làm và bằng kiến thức tích lũy được qua tìm tòi, nghiên cứu, anh Trần Văn Biên ở thôn Bình Tiến, xã Phước Minh (Bù Gia Mập - Bình Phước) đã có một trang trại nuôi ong mật quy mô lớn, đem lại nguồn thu không dưới 400 triệu đồng mỗi năm.