Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Cánh Đồng Mường Thanh Thành Danh Gạo Tám

Cánh Đồng Mường Thanh Thành Danh Gạo Tám
Ngày đăng: 28/04/2014

Nếu 60 năm trước, cả dân tộc góp gạo cho chiến dịch Điện Biên Phủ để nuôi quân đánh giặc và sau giải phóng Điện Biên, hàng năm, người dân khu vực lòng chảo Điện Biên vẫn được nhận gạo cứu đói của Nhà nước; thì nay, cánh đồng Mường Thanh đã làm ra đủ gạo cho khu vực lòng chảo Điện Biên và chất lượng gạo xếp ngang hàng với gạo Tám xoan Hải Hậu (Nam Định) và được nhiều khách du lịch chọn làm quà sau những ngày có mặt ở Điện Biên.

Sau giải phóng Điện Biên Phủ, trở về với cuộc sống đời thường là bờ tre, gốc lúa; người thì xuôi về quê cũ, người thì ở lại gắn bó với Điện Biên xây dựng lại bản làng sau những ngày đạn bom cày xới. Nguyên là chiến sỹ Điện Biên, ông Phạm Nhất Hổ (84 tuổi), C4, xã Thanh Hưng, huyện Điện Biên, kể lại: Sau năm 1954 tôi được lệnh hành quân về Thanh Hóa để hậu thuẫn cho địa phương thực hiện việc cải cách ruộng đất.

Đến năm 1958, nghe theo lời kêu gọi của Bác Hồ tôi và 45 đồng chí nữa phần lớn quê ở Thái Bình, Nam Định, số ít ở Hải Dương trở lại Điện Biên để xây dựng vùng kinh tế mới. Trước ngày chúng tôi trở lại Điện Biên, Bác Hồ và Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã đến Bất Bạt, Sơn Tây nơi chúng tôi tập trung. Bác căn dặn: “nhiệm vụ của các cô, các chú bây giờ là lên Điện Biên hướng dẫn bà con lao động sản xuất.

Các cô, các chú đã xung phong đi thì làm cho đến nơi đến chốn, cùng chung sức đồng lòng xây dựng Điện Biên”. Từ sau năm 1958, chiến dịch lấp hố bom, đường giao thông hào được thực hiện mạnh mẽ và Nông trường Quân đội Điện Biên được ra đời từ đó.

Nhưng cánh đồng Mường Thanh ngày ấy, người dân chỉ canh tác được 1 vụ lúa mùa; phần lớn lấy sức người cày cuốc thay trâu, chưa có phân bón thì đi phát cây chó đẻ ủ làm phân xanh bón ruộng. Khu C2, C4 và khu C13 được nông trường khai hoang mở rộng diện tích để trồng lạc, trồng mía, trồng ngô...

Cánh đồng Mường Thanh đầu những năm giải phóng, chưa thu hút được người dân lao động, sản xuất vì ai cũng sợ dính phải bom mìn chẳng may thiệt mạng nên chỉ mon men làm ở những vùng đất được coi là an toàn. Một vài người khi khai hoang chạm phải mìn nên thương vong. Nhất là chạm phải loại mìn cóc, nó không nổ ngay mà nhảy lên ngang ngực mới nổ. Thế mới gọi là mìn cóc. Nhảy như cóc. Rất sợ!

Thế rồi, việc khai hoang ruộng đất, di dân miền xuôi lên miền ngược, san lấp mặt bằng “bùng nổ” ngay đầu những năm 1960 – 1961. Rồi các công trình như: Đại thủy nông Nậm Rốm, hồ chứa nước Pá Khoang, Pe Luông, Sái Lương... được xây dựng để cung cấp nguồn nước tưới tiêu cho cả chục nghìn héc ta của cánh đồng Mường Thanh. Các giống lúa bao thai lùn, hai linh ba thuần chủng, tạp giao, Q5... được đưa vào thâm canh tăng vụ.

Cơ giới hóa được đưa vào giải phóng sức dân, hệ thống kênh mương dần được kiên cố, từ ruộng một vụ tăng lên 2 vụ, lối canh tác gò lưng nhổ mạ ruộng trên cấy xuống ruộng dưới đã thay bằng gieo vãi, tỉa giặm... Khoảng đến năm 1998 Điện Biên xuất hiện giống lúa mới Bắc thơm, Nghi hương... và thương hiệu gạo Tám Điện Biên từ đó mà thành.

Song để có được hạt gạo dẻo thơm phải kể đến sự gian lao, vất vả của người nông dân một sương hai nắng và cả sự ưu đãi của thiên nhiên từ khí hậu đến thổ nhưỡng. Điện Biên là nơi nắng nhiều làm cho cây lúa được quang hợp tốt, nhiệt độ trung bình trong năm dao động từ 28 – 300C. Biên độ giữa ngày và đêm chênh lệch tương đối lớn, nhiều khi nhiệt độ ban đêm giảm xuống còn 10 – 140C.

Điều đó, làm cho cây lúa không bị mất năng lượng, hạt thóc liên tục được bổ sung dinh dưỡng. Lẽ đó mà thương hiệu gạo Điện Biên ngày càng được nhiều nơi biết đến, bà con trong vùng rỉ tai nhau chọn giống lúa có chất lượng gạo ngon để gieo trồng.

Ông Phạm Văn Bách, Phó Chủ tịch UBND huyện Điện Biên, cho biết: Nhiều năm nay, người dân trong vùng chủ yếu cấy lúa giống Bắc thơm số 7, IR64. Riêng vụ chiêm xuân năm nay, nhiều hộ của xã Thanh An, Thanh Yên, Thanh Chăn… cấy thêm giống lúa mới Xén cù.

Đây là những giống lúa cho chất lượng gạo ngon, năng suất đạt trung bình từ 6 – 6,5 tấn/ha, bán ra thị trường luôn được giá và giữ giá. Đặc biệt, giống lúa Xén cù cho chất lượng gạo ngon hơn cả gạo Tám thơm, hiện giá gạo Xén cù bán ở thị trường là 30.000 đồng/kg.

Thế mới biết, người nông dân Điện Biên không ngừng sáng tạo; nếu ví sự khổ công khai hoang, vỡ đất của đời cha để gây dựng thương hiệu cho hạt gạo Điện Biên thì sẽ là niềm hãnh diện của đời con. Bao gian lao vất vả, có cả sự hy sinh, mất mát, người Điện Biên mới giữ được vẹn nguyên cánh đồng “vàng” Mường Thanh.


Có thể bạn quan tâm

Nuôi Bồ Câu Thu Tiền Tỷ Nuôi Bồ Câu Thu Tiền Tỷ

Người dân thôn 2, xã vùng cát Điện Nam Bắc, huyện Điện Bàn, Quảng Nam rất tâm đắc với mô hình nuôi bồ câu của bà Nguyễn Thị Lệ Xuân. Mô hình này mỗi năm mang lại thu nhập cho bà Xuân gần 2 tỷ đồng.

20/02/2014
Tích Cực Phòng, Trừ Bệnh Phồng Lá Chè Tích Cực Phòng, Trừ Bệnh Phồng Lá Chè

Toàn tỉnh Thái Nguyên có 19 nghìn ha chè, trong đó có gần 17 nghìn ha chè kinh doanh; 70 vườn ươm giống chè, hiện các hom giống đang ở giai đoạn nẩy mầm, mọc rễ. Tuy nhiên, gần 1 tháng qua, thời tiết âm u, mưa phùn, độ ẩm cao trên 90% nên lác đác một số nơi đã xuất hiện bệnh phồng lá chè.

17/03/2014
Nhà Vườn Trúng Giá Xoài Đầu Vụ Nhà Vườn Trúng Giá Xoài Đầu Vụ

Xoài cát Hòa Lộc là 1 trong 7 chủng loại trái cây chủ lực có lợi thế cạnh tranh của tỉnh, với diện tích 4.700 ha trồng, tập trung chủ yếu ở các huyện Cái Bè, Cai Lậy; là loại trái cây đặc sản của tỉnh, cũng là sản phẩm trái cây đầu tiên của vùng ĐBSCL được cấp bảo hộ chỉ dẫn địa lý và được xuất khẩu sang nhiều nước trên thế giới.

17/03/2014
Nuôi Ốc Nhồi Lãi Hàng Chục Triệu Đồng Nuôi Ốc Nhồi Lãi Hàng Chục Triệu Đồng

Những năm gần đây, từ việc nuôi ốc nhồi giống và ốc nhồi thương phẩm, thu nhập của nhiều nông dân xã Đông Mỹ, huyện Thanh Trì, TP.Hà Nội được nâng cao rõ rệt.

20/02/2014
Câu Lạc Bộ Cứu... Cây Chè Câu Lạc Bộ Cứu... Cây Chè

Nhấp ngụm nước chè xanh, chỉ về phía căn nhà mái bằng mới khánh thành, ông Hà Văn Vũ khoe: “Hết giai đoạn đói ăn, thiếu mặc rồi! Nhờ tham gia vào CLB chè sạch do Hội ND phát động, con trai tôi đã tích cóp được tiền lấy vợ, xây nhà đấy...”.

17/03/2014