Cánh Đồng Liên Kết Giúp Ổn Định Đầu Ra

Ông Nguyễn Minh Tiền - Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Cao Lãnh cho hay: “Mô hình cánh đồng liên kết gắn với hợp đồng tiêu thụ sản phẩm lúa trên địa bàn huyện bước đầu đã phát huy hiệu quả.
Diện tích liên kết sản xuất từng bước mở rộng, đa số các doanh nghiệp tham gia liên kết đều có cung ứng đầu vào cho nông dân, tạo sự ràng buộc hơn giữa các bên tham gia liên kết, giúp người nông dân ổn định đầu ra, an tâm sản xuất, góp phần tăng thu nhập trên một đơn vị diện tích”.
Trong năm 2014, toàn huyện triển khai thực hiện cánh đồng liên kết được 4.000ha tại các xã Phương Thịnh, Gáo Giồng, Phong Mỹ, Ba Sao, Tân Nghĩa, Mỹ Thọ và Tân Hội Trung với sự đồng hành của các doanh nghiệp: Công ty TNHH MTV lương thực Tân Hồng, Công ty TNHH MTV KD và Xay xát lúa gạo Cẩm Nguyên, Công ty TNHH TM-DV Thiên Nhiên và Doanh nghiệp Xay xát Hữu Tài, Công ty TNHH MTV Hiếu Nhân, Cơ sở xay xát Hồ Văn Tràng. Đến nay, diện tích lúa ký hợp đồng tiêu thụ là 1.375,3ha (đông xuân 2013-2014: 751ha, hè thu 2014: 624,3ha)
Mô hình cánh đồng liên kết mang lại hiệu quả đáng ghi nhận là giúp nhiều nông dân tìm đầu ra nông sản. Tuy nhiên, không phải mô hình nào cũng hoàn toàn như mong đợi. Thông tin từ Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Cao Lãnh, có sự chênh lệch khá lớn giữa hợp đồng liên kết và diện tích thực tế được tiêu thụ. Đơn cử mùa vụ đông xuân 2013-2014, hợp đồng tiêu thụ là 2.873ha, trong khi diện tích tiêu thụ thực tế chỉ có 750ha.
Theo ông Nguyễn Minh Tiền, nguyên nhân hàng đầu dẫn đến việc chưa gặp nhau giữa người nông dân và doanh nghiệp là giá cả. Một số công ty ký hợp đồng với hợp tác xã không có ràng buộc đầu vào cho các hộ sản xuất, nên khi giá lúa biến động hai bên ít chịu thương lượng và kết quả không thực hiện được hợp đồng. Mặt khác, khi giá lúa đang lên hoặc ở mức cao, người dân không muốn bán cho công ty. Ngược lại, khi giá lúa đang xuống công ty lại chờ giá xuống thêm.
Hình thức thu mua cũng là vấn đề gây trở ngại. Một số doanh nghiệp tổ chức thu mua tại nhà máy trong khi nông dân lại ưa chuộng hình thức bán lúa tươi tại ruộng. Ngoài ra, năng lực quản lý, điều hành hoạt động của các hợp tác xã chưa đủ mạnh, công tác ký hợp đồng liên kết bao tiêu sản phẩm với các doanh nghiệp, thực hiện các dịch vụ cung ứng vật tư đầu vào chưa đáp ứng yêu cầu và tình hình thực tế. Nông dân chưa nhận biết đầy đủ lợi ích của việc tham gia cánh đồng liên kết, vẫn còn quan niệm đây là mô hình Nhà nước phải đầu tư, hỗ trợ và phải mua với giá cao.
Dự kiến trong năm 2015, huyện sẽ triển khai thực hiện trên 5.000ha cánh đồng liên kết. Định hướng giai đoạn năm 2016 - 2025, sẽ triển khai thực hiện khoảng 18.500ha cánh đồng liên kết.
Có thể bạn quan tâm

Nghe tiếng xe máy, một người đàn ông dong dỏng cao bước ra khỏi lều bạt. Đó là ông Tân Hữu Đức, chủ của những thùng ong. Ông Đức năm nay 52 tuổi, nhưng có đến 30 năm theo nghề nuôi ong. Ông Đức bảo đã gắn bó với con ong từ rất sớm. Học xong lớp 12, ông không đi học nghề, mà rong ruổi theo đàn ong cùng ba mình.

Sau một thời gian trồng thử nghiệm tại khu vực thôn 1, với giống bắp lai VN8960 trên vùng đất pha cát ven suối tại khu vực này cho năng suất cao, chất lượng hạt bắp to và đều, kháng sâu bệnh và có khả năng thích ứng rộng và chịu hạn tốt.

Các chuyên gia cũng cảnh báo về loại hoá chất có thể được dùng bảo quản hoa quả có tên là 2,4D. Đây là thuốc diệt cỏ rất độc hại, có nguồn gốc từ Trung Quốc, một số nhà sản xuất vì lợi ích kinh doanh đã đưa vào trái cây với mục đích kích thích sinh trưởng và bảo quản được lâu hơn, giúp lớp bọc bên ngoài xanh mơn mởn, nhưng rất nguy hiểm tới sức khỏe người tiêu dùng.

Xã Minh Hợp (huyện Quỳ Hợp) là một trong những địa phương có diện tích cao su lớn nhất tỉnh, khoảng 500ha, trong đó diện tích khai thác là 300ha, tập trung chủ yếu ở các xóm như Minh Hòa, Minh Hợp, Minh Thành, Minh Thọ… Các năm trước, mủ cao su được giá nên nhà nào cũng phấn khởi mỗi khi đến kỳ cạo mủ nhưng năm nay thì ngược lại.

Tại cảng Hòn Rớ (TP Nha Trang) - cảng cá lớn nhất Nam Trung bộ, không khí nhộn nhịp ngày nào nay ảm đạm đến lạ kỳ. Anh Phan Văn Dũng, một lao động tại cảng, cho biết mấy tháng nay tiền bốc xếp cá sụt giảm bởi lượng cá về cảng ít quá.