Cần Thơ Tăng Xuất Khẩu Thủy Sản Cao Cấp Sang Các Thị Trường Khó Tính

Theo Sở Công Thương Cần Thơ, địa phương này vừa xuất khẩu trên 11.000 tấn thủy sản cao cấp, chủ yếu là tôm sang các thị trường khó tính như EU, Nhật Bản, Australia, Singapore, Hoa Kỳ.
Như vậy, tổng lượng thủy sản cao cấp Cần Thơ đã xuất khẩu sang các thị trường nói trên từ đầu năm đến nay được 55.000 tấn, chiếm 35% tổng sản lượng đã xuất, nhiều gần gấp đôi so với năm ngoái, góp phần nâng tổng kim ngạch thủy sản đạt gần 500 triệu USD, chiếm 51% tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Cần Thơ.
Ông Dương Nghĩa Hiệp, Phó Giám đốc Sở Công thương Cần Thơ cho biết đạt được kết quả trên là nhờ thành phố tăng cường quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn quốc tế; đẩy mạnh xây dựng thương hiệu đối với nhiều sản phẩm, hạn chế quan hệ với đối tác trung gian mà giao dịch trực tiếp với khách hàng, với người tiêu dùng nước ngoài và tăng quy mô sản xuất để giảm thêm chi phí và đáp ứng đơn đặt hàng của khách hàng nước ngoài.
Cần Thơ cũng hỗ trợ doanh nghiệp chế biến thủy sản, đào tạo nhân lực, nâng cao khả năng giao tiếp trong quan hệ ngoại thương; làm cầu nối giới thiệu các tổ chức, các nhà đầu tư nước ngoài với doanh nghiệp địa phương và cả vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
Cũng với việc giúp các doanh nghiệp nghiên cứu, định hướng chiến lược sản xuất kinh doanh, mở rộng quan hệ ngoại thương tại nhiều nước, lãnh thổ như Đan Mạch, Thụy Điển, Mỹ, Anh, Australia, Bỉ, Hong Kong, Singapore, Indonesia, thành phố Cần Thơ cho các doanh nghiệp vay thêm trên 8.000 tỷ đồng mua nguyên liệu chế biến mặt hàng mới, tiêu thụ sản phẩm nhanh tại thị trường nội địa đồng thời mở rộng thị trường tại các nước có rào cản kỹ thuật khắt khe như Nhật, EU, Mỹ, Singapore, Australia.
Trong hai tháng cuối năm, thành phố tập trung giảm chế biến thủy sản thô để đa dạng hóa và tăng tỷ trọng sản phẩm cao cấp; quản lý chất lượng và thực hiện vệ sinh an toàn thực phẩm nghiêm ngặt hơn; tập trung chế biến tôm, đặc biệt là tôm sú, các loại cá ướp đông philê và nguyên con, sản phẩm nhuyễn thể đóng gói nhỏ ăn liền, nấu liền… là những mặt hàng tiêu thụ mạnh trên thị trường quốc tế.
Để có đủ nguyên liệu, thành phố liên kết với các tỉnh mua thêm tôm sú, cá tra phục vụ chế biến; tạo điều kiện cho các đơn vị liên doanh, liên kết với nhau trong sản xuất và xuất khẩu, đẩy mạnh ứng dụng, chuyển giao khoa học, công nghệ trong sản xuất, nhất là công nghệ chế biến, bảo quản sản phẩm theo kỹ thuật cao nhằm nâng cao sức cạnh tranh của hàng thủy sản, đáp ứng đơn đặt hàng của khách hàng tại châu Á, Bắc Mỹ, châu Âu, châu Đại Dương, góp phần đưa giá trị xuất khẩu thủy sản cả năm đạt trên 600 triệu USD.
Nguồn bài viết: http://baocongthuong.com.vn/xuat-nhap-khau/72170/can-tho-tang-xuat-khau-thuy-san-cao-cap-sang-cac-thi-truong-kho-tinh.htm#.VGQjqY0cTDc
Có thể bạn quan tâm

Dịch cúm gia cầm xảy ra ở nhiều tỉnh, thành trên cả nước làm người tiêu dùng e ngại sử dụng các sản phẩm gia cầm, khiến mặt hàng này bị giảm sức mua và rớt giá. Mặc dù Đà Nẵng chưa xuất hiện dịch nhưng những tiểu thương buôn bán mặt hàng này ở các chợ cũng đang thấp thỏm lo lắng khi sức tiêu thụ mỗi ngày giảm mạnh.

Theo ngành Nông nghiệp tỉnh Trà Vinh, dịch cúm gia cầm (CGC) A/H5N1 đã bùng phát tại huyện Càng Long, Tiểu Cần, Cầu Kè và nguy cơ lây lan trên diện rộng rất cao. Do đó, ngành chuyên môn, ngành chức năng của tỉnh đang theo dõi sát tình hình diễn biến của loại dịch bệnh hết sức nguy hiểm này để có giải pháp ứng phó kịp thời.

Buổi sáng, chỉ cần vệ sinh chuồng trại, đến khoảng 3 giờ chiều thì cho nhím ăn, mỗi ngày cho ăn một lần là đủ. Nhím thuộc loài gặm nhấm nên đa phần là ăn về đêm.

Cùng với sự phát triển kinh tế - xã hội, sản xuất nông nghiệp đã có những bước tiến rõ rệt, việc người nông dân đưa nhiều giống cây, con đặc sản vào nuôi, trồng không phải là chuyện hiếm gặp.

Giá heo hơi giảm ở mức thấp, người chăn nuôi heo liên tiếp thua lỗ nặng trong thời gian qua. Đặc biệt, những tháng đầu năm 2013, giá heo hơi chỉ còn 3,3-3,7 triệu đồng/tạ và duy trì trong thời gian dài và tăng lên mức 4,7-4,9 triệu đồng/tạ vào những tháng cuối năm.