Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Cần Thận Trọng Khi Phát Triển Cây Sầu Riêng

Cần Thận Trọng Khi Phát Triển Cây Sầu Riêng
Ngày đăng: 26/08/2013

Những vườn sầu riêng được trồng sớm nhất tại Khánh Vĩnh (Khánh Hòa) đã cho quả ổn định vào năm thứ ba, bước đầu đã khẳng định được hiệu quả của loại cây trồng khó tính này. Tuy nhiên, việc phát triển cây sầu riêng tại Khánh Vĩnh cần thận trọng, khi chưa có một nghiên cứu sâu sắc về vấn đề này…

Hiệu quả bước đầu

Những ngày này, mùa sầu riêng ở Khánh Vĩnh sắp kết thúc. Ông Nguyễn Hồng Sơn (thôn Tây, Sông Cầu) vui vẻ cho biết, đến thời điểm này, vườn sầu riêng 1ha của ông cho hơn 9 tấn quả. Ông đã bán hết 7 tấn, lợi nhuận thu được hơn 150 triệu đồng, dự kiến còn 2 tấn thu lai rai. Điều phấn chấn hơn nữa là sầu riêng Khánh Vĩnh đang rất được thương lái ưa chuộng.

Hơn tháng nay, nhiều thương lái từ miền Nam ra đã thu mua toàn bộ sầu riêng trên địa bàn huyện với giá sỉ 23.000 - 24.000 đồng/kg. Nếu bán tại chỗ cho các thương lái địa phương giá lên đến 30.000 đồng/kg. “Tôi biết cây sầu riêng là nhờ Chương trình hỗ trợ cây giống của Nhà nước những năm trước, nhưng sợ rủi ro nên chỉ dám trồng 1ha. Nhưng đến thời điểm này, sau 3 năm thu hoạch có thể khẳng định sầu riêng rất thích hợp với đất Khánh Vĩnh.

Sở dĩ sầu riêng Khánh Vĩnh bán dễ là nhờ chất lượng thơm, ngon”, ông Sơn tâm sự. Nhâm nhi miếng sầu riêng mà ông Sơn vừa bổ ra đãi khách, tôi cảm nhận được chất lượng và hương vị không hề thua kém sầu riêng Khánh Sơn: Ngọt lịm, thơm và béo.

Để trồng được sầu riêng, ông Sơn học hỏi khắp nơi, từ các nhà vườn ở Khánh Sơn đến các tỉnh miền Đông Nam bộ. Ông Sơn hoàn toàn tự tin, không còn lo lắng gì khi phát triển cây sầu riêng tại Khánh Vĩnh. Nhưng để có được khu vườn khang trang, đáp ứng các yêu cầu khó tính của loại đặc sản này, ông Sơn đã đầu tư khá nhiều tiền, chỉ riêng việc lắp đặt đường ống bơm tưới cho vườn sầu riêng đã hơn 20 triệu đồng.

Một chủ vườn khác là ông Lê Trần Tiến Dũng (thôn Tà Mơ, Khánh Thành) cũng rất phấn khởi bởi đây là năm nhà vườn sầu riêng được mùa. Một ngày ông Dũng hái 1 tấn quả và đều được thương lái mua hết. Ông cho biết: “Sầu riêng ở đây ngon không kém gì sầu riêng Khánh Sơn biểu hiện ở chỗ, thương lái miền Nam ra thu mua toàn bộ, còn đặt hàng từ sớm, có bao nhiêu mua bấy nhiêu”. Ông Dũng còn cho rằng, chưa có cây trồng nào hiệu quả như cây sầu riêng. Tuy kinh phí đầu tư ban đầu khá cao, khoảng 40 - 50 triệu đồng/ha nhưng khi sầu riêng cho quả ổn định (năm thứ 6) bình quân 1ha có thể thu lãi 150 - 200 triệu đồng mỗi năm.

Cần thận trọng

Ông Phan Văn Thuận, Chủ tịch Hội Nông dân xã Sông Cầu cho biết, diện tích sầu riêng của xã hiện nay đã ngót chục héc-ta. Trong đó lứa cho thu hoạch khoảng 5ha; từ 2 - 3 năm tuổi khoảng 2ha; 1,5 năm tuổi có số lượng hàng ngàn cây. Sở dĩ bà con quan tâm trồng nhiều sầu riêng là do khí hậu, chất đất phù hợp, người trồng chịu khó học hỏi kỹ thuật thâm canh cây sầu riêng. Điều đáng mừng là, chất lượng sầu riêng Khánh Vĩnh rất ngon, thương lái rất thích.

Ông Lê Văn Hùng, Phó Trưởng trạm Khuyến nông Khánh Vĩnh lưu ý, các vùng trồng được sầu riêng phải có khí hậu hơi lạnh, mát mẻ, đất tốt, thích hợp nhất là chất đất phù sa ven sông, thuận tiện cho việc tưới nhưng không bị ngập úng... Những loại đất xấu, đất thiếu nước tưới, đất bị nê (úng) không nên trồng sầu riêng.

Sầu riêng là loại cây trồng có giá trị kinh tế cao nên đòi hỏi chủ vườn phải chịu khó học hỏi kỹ thuật canh tác, sử dụng chế phẩm, vật tư chuyên dùng. Những hộ yếu tiềm lực tài chính không nên phát triển cây sầu riêng bởi đầu tư ban đầu khá lớn. Tuy nhiên, theo ông Hùng, cho đến nay huyện Khánh Vĩnh vẫn chưa có một đề tài nào nghiên cứu về vấn đề này, do vậy người dân cần thận trọng khi có ý định phát triển diện tích sầu riêng ồ ạt.

Theo số liệu của Trạm Khuyến nông Khánh Vĩnh, đến nay diện tích trồng sầu riêng toàn huyện đã lên tới 49ha, trong đó xã Khánh Trung 11ha, Sông Cầu 12ha, thị trấn Khánh Vĩnh 8ha, Khánh Đông 6ha, Khánh Nam 5ha, Liên Sang 4ha, các xã khác có diện tích dưới 1ha. Các xã Sông Cầu, Khánh Trung có nhiều ưu thế bởi chất đất phù sa ven sông.


Có thể bạn quan tâm

Có Mô Hình Nuôi Đà Điểu Đầu Tiên Có Mô Hình Nuôi Đà Điểu Đầu Tiên

Ông Nguyễn Văn Chiến ở thôn Đại Đình, xã Ngọc Kỳ (Tứ Kỳ, Hải Dương) vừa xây dựng 3 chuồng nuôi đà điểu rộng 6.000 m2, tổng kinh phí hơn 200 triệu đồng.

09/09/2012
Tưới Nước Tiết Kiệm - Cứu Cánh Cho Nông Dân Trong Mùa Khô Tưới Nước Tiết Kiệm - Cứu Cánh Cho Nông Dân Trong Mùa Khô

Đang là đỉnh điểm mùa khô, hàng ngàn nông dân phải loay hoay vì nguồn nước cạn kiệt. Những mô hình tưới tiết kiệm đã giúp nhiều gia đình không rơi vào cảnh “khát nước”. Mô hình tưới nước nhỏ giọt của gia đình anh Nguyễn Văn Tửng ở xã Thuận Phú (Đồng Phú) là một điển hình.

19/04/2013
Nông Dân Chế Tạo Máy Phun Thuốc Điều Khiển Từ Xa Nông Dân Chế Tạo Máy Phun Thuốc Điều Khiển Từ Xa

Anh Nguyễn Hoàng Phi ở ấp Hòa Thạnh, xã Châu Phong, TX. Tân Châu, An Giang đã sáng chế và ứng dụng thành công máy phun thuốc điều khiển từ xa và tự động cuộn dây trên đồng. Chiếc máy đoạt giải 3 tại Hội thi sáng tạo khoa học kỹ thuật tỉnh An Giang năm 2012 và anh đã ra Hà Nội tham gia chương trình Nhà sáng chế trên VTV2 vào cuối tháng 3/2013 vừa qua.

20/04/2013
Mô Hình Nuôi Heo Trại Lạnh - Hướng Đi Bền Vững Cho Người Chăn Nuôi Ở Bình Dương Mô Hình Nuôi Heo Trại Lạnh - Hướng Đi Bền Vững Cho Người Chăn Nuôi Ở Bình Dương

Thời điểm năm 2010 và 2011, khi dịch bệnh “tai xanh” hoành hành trên đàn heo, anh Trần Đình Hiển (ấp 9, xã An Linh, Phú Giáo, Bình Dương) lại thắng lớn với lợi nhuận gần 1 tỷ đồng từ trại heo của mình nhờ đàn heo không dính dịch bệnh “tai xanh”. Để có được kết quả này, anh Hiển đã áp dụng mô hình nuôi heo trại lạnh. Đây là mô hình mang lại hiệu quả kinh tế cao và là hướng đi bền vững cho người chăn nuôi heo trong bối cảnh dịch bệnh thường xuyên hoành hành như hiện nay.

13/09/2012
Tích Cực Phòng Trừ Bệnh Phấn Trắng Trên Cây Cao Su Ở Quảng Bình Tích Cực Phòng Trừ Bệnh Phấn Trắng Trên Cây Cao Su Ở Quảng Bình

Thời gian qua, do thời tiết nắng mưa xen kẽ, đêm và sáng có sương mù, độ ẩm cao đã tạo điều kiện cho bệnh phấn trắng trên cây cao su phát triển.

22/04/2013