Cận Tết, Hải Sản Không Nhiều

Đó là nhận định của hầu hết ngư dân và những cán bộ theo dõi hoạt động đánh bắt hải sản biển ở Đà Nẵng. Theo đó, thị trường Tết Nguyên đán năm nay, hải sản không dồi dào như mấy năm trước, nếu như không muốn nói là khá khan hiếm các loại tươi ngon.
Hai yếu tố để có nhận định nêu trên. Một là, so các năm trước, năm nay sản xuất của ngư dân hiệu quả không cao, ít có chuyến biển trúng đậm. Đa số thuyền trưởng tàu cá cho rằng chưa năm nào đánh bắt hải sản khó khăn và kém hiệu quả như năm Quý Tỵ này. Năm 2012, chuyến biển 15-20 ngày của nghề lưới vây đưa về trên dưới 20 tấn hải sản là thường. Còn năm nay, cũng đánh bắt tại ngư trường đó, với nghề cũ thế nhưng sản lượng chỉ đạt 2/3 năm ngoái.
Cả năm, hầu như không có chuyến biển nào trúng đậm, thu về 800 - 900 triệu đồng như trước. Không ít chuyến phải bù lỗ. Hai là, thu nhập thấp, ngư dân không gắn bó với biển, tháng Chạp - tháng làm ăn thuận lợi nhưng nhiều tàu đậu bến. Năm ngoái, giai đoạn giữa tháng Chạp, tại Âu thuyền Thọ Quang và dọc sông Hàn vắng bóng tàu cá, năm nay tàu đậu chật bến. Điều này đồng nghĩa với việc sát Tết Nguyên đán Giáp Ngọ ít tàu cập bến, chuyển hải sản lên bờ.
Ông Nguyễn Thân, ở phường An Hải Bắc, quận Sơn Trà, chủ 3 tàu đánh bắt xa bờ, trong đó 1 chiếc công suất 820 CV hạ thủy cuối năm 2012 cho biết: Cả 3 tàu đã đậu tại bến từ cuối tháng 11. Không như năm trước, đánh bắt hiệu quả, ai nấy hăng say bám biển, sát Tết mới về đất liền. Năm nay, liên tiếp bị thua lỗ nên quyết định không ra khơi chuyến cuối năm. Về nguyên nhân năm nay đánh bắt thất thu như vậy, ông cho rằng hải sản trên biển ít hơn nhiều.
Trước đây kéo mẻ lưới có khi 2-3 tấn, nay chỉ được nửa số đó. Rất có thể do con nước, hoặc mùa được mùa mất. Ông Trần Văn Tám, ở Nghĩa Phú, Tư Nghĩa, Quảng Ngãi, thuyền trưởng tàu QNg 92737 TS cho rằng: Tàu cá Trung Quốc càn quét kiểu đó, lấy đâu hải sản nữa mà đánh bắt cho nhiều. Chuyến nào ra khơi chẳng gặp từng đoàn tàu cá của họ đánh bắt trên vùng biển mình, có bữa chỉ cách đất liền chừng 60-70 hải lý. Hải sản trên biển đâu phải vô tận. Nhiều tàu đua nhau càn quét cũng phải cạn kiệt!
Chuyên theo dõi tình hình tàu cá cập bến ở Âu thuyền Thọ Quang, ông Ông Văn Nhiên, Trưởng phòng Kế hoạch nghiệp vụ của Ban Quản lý Cảng cá và âu thuyền Thọ Quang cho biết: Do ảnh hưởng của gió mùa Đông Bắc, đa số tàu cá mới ra khơi khoảng đầu tháng Chạp đã trở về vào dịp này, tức còn hơn 10 ngày nữa là Tết. Riêng ngày 16 tháng Chạp có 68 chiếc cập cảng, đưa lên bờ từ 150 – 170 tấn hải sản. Năng suất như vậy là thấp, bởi trung bình mỗi tàu chỉ hơn 3 tấn.
Tính ra từ đầu tháng 1-2014 đến nay, Cảng cá Thọ Quang đón 1.196 tàu cập bến, chuyển khoảng 2.300 tấn hải sản lên bờ. Hiện nay, thời tiết trên biển không thuận lợi cho lắm. Nhiều tàu sau chuyến biển này là nghỉ luôn. Nhiều khả năng, dịp Tết này hải sản sẽ khan hiếm hơn các năm trước, nhất là các loại tươi ngon.
Hơn nữa, so các năm trước, giá hải sản không tăng, thậm chí có một số loại giảm, trong khi chi phí đầu vào tăng, làm cho ngư dân không hào hứng bám biển chuyến cuối năm. Đa số ngư dân sợ ra khơi thua lỗ nên quyết định đậu bến chờ đón Tết xong mới ra khơi. Với tình hình này, dịp Tết giá hải sản sẽ tăng mạnh do nguồn cung giảm.
Có thể bạn quan tâm

Ông Nguyễn Ngọc Tuyên, Chủ tịch UBND xã Mỹ Thọ (Phù Mỹ - Bình Định), cho biết: Do thiếu nước tưới, vụ bắp vừa qua nông dân Mỹ Thọ chỉ trồng 79 ha bắp xen với cây hành, giảm 31 ha so cùng vụ năm ngoái. Tuy thời tiết nắng nóng kéo dài, gây khó khăn cho sản xuất, nhưng diện tích nào đã trồng thì bà con nông dân vẫn kéo điện ra đồng khai thác mạch nước ngầm để tưới, nên năng suất bắp đạt khá cao.

Những ngày qua, 14 hộ nông dân ở ấp Bình Đông Trung, xã Bình Nhì, huyện Gò Công Tây đang “khóc dở” vì đã trồng giống ớt mới có tên là Hồng Hạc 2 của Công ty TNHH Giống cây trồng Long Hoàng Gia, địa chỉ 922/8 Cách mạng Tháng Tám, phường 5, quận Tân Bình, TP. Hồ Chí Minh.

Những năm gần đây, số lượng tàu thuyền làm nghề khai thác ở vùng biển xa bờ của Bình Thuận đang ngày càng phát triển. Tuy nhiên, dịch vụ hậu cần trên biển cho ngư dân (tiếp nhiên liệu, lương thực, thực phẩm, thu mua hải sản) vẫn chưa đáp ứng được so với nhu cầu thực tế. Điều này ảnh hưởng nhất định đến hiệu quả của những chuyến đánh bắt cũng như ngành thủy sản của địa phương.

Đầu tháng 10-2014, tiến sĩ Thomas Sutton, kiểm dịch viên cao cấp của Cơ quan Kiểm dịch động thực vật Mỹ, đã đến Bến Tre và Đồng Tháp để đánh giá lần cuối trước khi cấp mã số vùng trồng nhãn cho nông dân đạt tiêu chuẩn xuất khẩu vào Mỹ.

Cùng với việc đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước, các cấp hội nông dân trong tỉnh còn phối hợp tổ chức nhiều hoạt động tư vấn, dạy nghề và hỗ trợ, thúc đẩy hội viên, nông dân cải thiện cuộc sống. Qua đó, tạo sự gắn kết chặt chẽ giữa hội viên với tổ chức hội; đồng thời, củng cố vững chắc hơn vị thế của Hội trong sự phát triển KT - XH của địa phương.