Cần quy hoạch lại vùng sản xuất sắn tại Tây Nguyên

Mở rộng diện tích trồng sắn ở Tây Nguyên
Theo cảnh báo của các nhà khoa học, việc trồng sắn của đồng bào các dân tộc ở Tây Nguyên trong thời gian qua, phần lớn được trồng trên vùng đất dốc, đất xấu nhưng trồng quảng canh, trong khi đó, Tây Nguyên hàng năm luôn có lượng mưa lớn, tập trung.
Nếu không quan tâm đến thâm canh và các giải pháp kỹ thuật trong canh tác, bảo vệ đất thì nguy cơ mất đất, không thể canh tác lâu dài là rất cao.
Do vậy, các nhà khoa học đã khuyến cáo các tỉnh Tây Nguyên sớm quy hoạch lại vùng sản xuất sắn, đầu tư thâm canh tăng hiệu quả sản xuất và hạn chế thoái hóa đất.
Trước mắt, các tỉnh Tây Nguyên đã phối hợp với Viện Khoa học Kỹ thuật Nông nghiệp miền Nam, Viện Khoa học Kỹ thuật Nông nghiệp Duyên hải Nam Trung bộ tuyển chọn một số giống sắn mới như SM 937-26, KM 140, KM 98-5, KM 98-7, KM 419… có năng suất cao, thay thế dần các giống sắn cũ đã bị thoái hóa, nhiễm bệnh chổi rồng.
Các tỉnh Tây Nguyên cũng đã hướng dẫn đồng bào các dân tộc khi trồng sắn sau khi cày xới cần bón lót cho mỗi héc ta trên 5 tấn phân chuồng ủ hoai mục và bón thúc phân N.P.K cân đối, hợp lý.
Theo khuyến cáo, 1 ha sắn, đồng bào bón thúc từ 80 kg đạm, 40 kg lân, 80 kg kali trở lên kết hợp với làm cỏ xáo xới đất.
Cần tổ chức luân canh, xen canh, rải vụ, trồng sắn theo đường đồng mức (trên đất dốc) và cây trồng luân canh, xen canh là các loại cây họ đậu, cây che phủ đất nhằm giữ ẩm, hạn chế xói mòn và bổ sung chất hữu cơ cho đất.
Hiện nay, các tỉnh Tây Nguyên có gần 151.000 ha sắn, với sản lượng trên 2,6 triệu tấn củ, chiếm khoảng 26,2% sản lượng sắn cả nước.
Đây cũng là vùng trọng điểm sản xuất sắn của cả nước; trong đó, tỉnh Gia Lai là địa phương có diện tích, sản lượng sắn nhiều nhất so với các tỉnh Tây Nguyên với gần 62.000 ha và sản lượng mỗi năm đạt trên 1,1 triệu tấn.
Có thể bạn quan tâm

Với vốn khởi nghiệp chỉ 2 con bò ta, trải qua nhiều lần thất bại, đến nay anh Đặng Ngọc Phong (sinh năm 1981, ngụ ấp Phú Thành A, xã Tân Phú Đông, thành phố Sa Đéc, Đồng Tháp) đã trở thành ông chủ trại bò thịt và bò giống quy mô lớn.

Sau 12 tháng khởi nghiệp với nghề nuôi thỏ, anh Hòa đã có thu nhập ổn định từ việc bán thỏ giống và thỏ thịt, mức lãi bình quân mỗi tháng 30 triệu đồng, vị chi thu nhập hơn 300 triệu đồng mỗi năm.

Để ổn định sản xuất, nhiều công ty mía đường đang nỗ lực tìm con đường riêng để chủ động vùng nguyên liệu. Khi giá mủ cao su xuống thấp, mô hình thí điểm xen canh mía với cao su là một trong những giải pháp được lựa chọn.

Nhằm giúp các hộ nghèo có điều kiện phát triển kinh tế, từ nguồn vốn tài trợ của Hội Chữ thập đỏ Singapore, nguồn vốn 30a và sự đóng góp của một số cá nhân với tổng số tiền 2 tỷ đồng, năm 2014, huyện Mường Ảng (Điện Biên) đã mua 145 con bò sinh sản hỗ trợ cho 145 hộ nghèo của 2 xã Ẳng Cang và Ẳng Nưa.

Với sự cần cù, chịu khó và quyết tâm vươn lên làm giàu trên mảnh đất quê hương, vợ chồng anh Nguyễn Tư (52 tuổi) và chị Trần Thị Hoa (50 tuổi) ở thôn Lễ Môn, xã Gio Phong, huyện Gio Linh (Quảng Trị) đã có thu nhập khá cao từ mô hình chăn nuôi lợn thương phẩm.