Cân Nhắc Vụ Lúa Trên Đất Nuôi Tôm

Để làm được một vụ lúa trên đất nuôi tôm trong điều kiện hoàn toàn lệ thuộc nước trời như ở Cà Mau là một sự nhẫn nại, nhạy bén và đầy tính sáng tạo của nông dân rất đáng trân trọng. Nhưng do nhiều nguyên nhân nên mức độ thành công khác nhau, dẫn đến suy nghĩ, nhận thức và quyết tâm từng người cũng khác nhau, khiến diện tích và bản đồ canh tác lúa trên đất tôm luôn biến động và thường không đạt chỉ tiêu kế hoạch, phá vỡ quy hoạch, nhất là những năm thời tiết không thuận.
Năm 2014 diễn biến thời tiết khá phức tạp, ngay sau những trận mưa đầu mùa, nắng nóng lại kéo dài, mưa ít và rải rác khiến nhiều nơi không đủ nước cho việc rửa mặn. Ðến cuối tháng 8 dương lịch, nhiều nơi vẫn còn tiếp diễn tình trạng nắng nóng, chỉ thuận cho tôm mà bất lợi cho việc làm lúa trên đất tôm. Ðó là một thách thức không nhỏ cho việc thực hiện kế hoạch làm vụ lúa trên đất nuôi tôm của các địa phương.
Vì thế, bà con nông dân cần phải cân nhắc, rà soát điều kiện cụ thể của ruộng nhà mình có đảm bảo cho vụ lúa thành công hay không mới nên quyết định làm hay không làm lúa. Ở những nơi không đủ nước mưa rửa mặn để hạ độ mặn giảm xuống đến mức an toàn, ổn định, hay tại những nơi nước mặn về sớm không kịp thu hoạch như các vùng gần cửa và ven sông lớn mà không có bờ bao khuôn hộ ngăn mặn giữ ngọt vững chắc… thì không nên làm thêm vụ lúa, vì không chắc cho thu hoạch tốt.
Nếu chỉ vì để lấy rạ, cải tạo môi trường nước nuôi cho vụ tôm chính vụ tiếp theo thì không nên sạ cấy lúa, vì quá khó nhọc, tốn kém xăng dầu, phân, giống… bởi nhiều cách khác như có thể cấy năn, trồng cỏ, bồn bồn vẫn hiệu quả và tiết kiệm hơn.
Tại các nơi có đủ các điều kiện cho việc làm một vụ lúa ăn chắc trên đất nuôi tôm cũng không nên chủ quan, mà phải hết sức cảnh giác nắng nóng và nước mặn, triều cường về sớm, dâng cao bất ngờ. Bởi theo dự báo của các nhà khoa học, hiện tượng Elnino sẽ trở lại vùng Tây Thái Bình Dương từ giữa cuối năm 2014 và nước ta là vùng bị ảnh hưởng nặng, nên cuối vụ lúa trên đất tôm có khả năng phải đối mặt với nắng nóng bên cạnh triều cường như thường năm.
Ðể làm được vụ lúa trên đất nuôi tôm an toàn, thành công như mong muốn, trước tiên bà con nông dân phải đặc biệt chú ý củng cố bờ bao cho thật vững chắc, đảm bảo không bị thấm mặn, không bị triều cường mùa trở chướng tháng 10-11 dương lịch sắp tới đe doạ tràn bờ; chuẩn bị sẵn máy bơm. Tiếp theo là phải rửa mặn đúng kỹ thuật, ngăn mặn triệt để, giữ ngọt ổn định để có nguồn nước đạt chất lượng, đảm bảo cho cây lúa phát triển tốt đến ngày thu hoạch.
Làm lúa trên đất nuôi tôm là “đánh vật” với ông trời nên phải cần cù, năng động. Cần phải nắm vững quy luật thời tiết, thuỷ văn để chủ động đón mưa rửa mặn, xác định thời vụ gieo cấy hợp lý, chọn giống lúa tốt, thích nghi, phù hợp, đảm bảo đủ thời gian chạy mặn, tránh triều cường, phải có bờ bao khuôn hộ vững chắc, tuân thủ kỹ thuật nhằm rửa mặn triệt để.
Có thể bạn quan tâm

Chiều 7-7, trao đổi với phóng viên Báo SGGP, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản (Bộ NN-PTNT) Nguyễn Huy Điền khẳng định, không có chuyện Việt Nam ồ ạt nhập tôm nguyên liệu, “sản xuất thì ít mà xuất khẩu nhiều” như tin đồn vừa qua.

Nhìn thấy lợi nhuận thu được từ các hộ nuôi tôm hùm thời gian qua, từ đầu năm đến nay nhiều người dân ở Lý Sơn (Quảng Ngãi) đã đua nhau đầu tư tiền tỷ để mua vật liệu làm bè và mua tôm giống thả nuôi với hy vọng đổi đời.
Tại tỉnh Khánh Hòa, tình trạng nắng nóng liên tục kéo dài đã gây ảnh hưởng lớn cho ngành nông nghiệp. Bên cạnh những thiệt hại về cây trồng do thiếu nước tưới, nắng nóng còn khiến cho một số diện tích tôm nuôi vụ 2 trên địa bàn tỉnh bị thất thu. Chỉ tính riêng trong tháng 6, toàn tỉnh có gần 80 ha tôm nuôi bị thiệt hại hoàn toàn.

Theo Chi cục Thủy sản Hà Nội, thực hiện chương trình phát triển nuôi trồng thủy sản (NTTS), hằng năm thành phố bố trí 15 - 20 tỷ đồng cho phát triển vùng thủy sản tập trung, bảo đảm môi trường không dịch bệnh và an toàn thực phẩm. Đến nay, toàn thành phố có 70 - 80 vùng nuôi có quy mô từ 30 đến 200ha, hơn 1.000 trang trại nuôi thủy sản kết hợp với chăn nuôi gia súc, gia cầm, 19 cơ sở sản xuất giống, đáp ứng khoảng 80% nhu cầu về giống cho người nuôi.

Hiện nay, giá cá điêu hồng nuôi bè ven sông Tiền thuộc địa phận tỉnh Tiền Giang được các thương lái thu mua với giá từ 35.500 - 36.500 đồng/kg, tăng 1.500 đồng/kg so với hơn nửa tháng trước. Với giá này, nông dân nuôi cá điêu hồng trên bè lãi từ 17 - 23 triệu đồng/bè sau 6 tháng nuôi. Đây là mức lãi khá cao giúp người nuôi cá điêu hồng làng bè yên tâm đầu tư tái sản xuất cho vụ cá điêu hồng nuôi bè sắp tới.