Cân nhắc nhân rộng mô hình trồng chùm ngây

Chùm ngây vốn là loài cây mọc hoang, có tên khoa học là Moringaoleifera, thân gỗ, phân bố rải rác ở hầu hết các địa phương nhưng tập trung nhiều ở Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ. Trước đây, cây chùm ngây được dùng chủ yếu làm dược liệu. Cách đây khoảng năm năm, khi thông tin dinh dưỡng của loài cây này được công bố rộng rãi trên các phương tiện truyền thông, lá và hoa của cây chùm ngây được sử dụng làm thực phẩm và được bán với giá thành cao, cây chùm ngây được nhân giống và trồng ở nhiều nơi.
Chúng tôi đến vườn rau hữu cơ Tuệ Viên (Công ty TNHH Thương mại và Ðầu tư Việt Liên, Hà Nội) đúng lúc những người nông dân ở đây đang thu hoạch lứa rau đầu mùa. Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty TNHH Thương mại và Ðầu tư Việt Liên (Hà Nội) Nguyễn Thị Phương Liên cho biết: Tháng tư đến tháng sáu là thời kỳ thu hoạch chính vụ của cây chùm ngây.
Trung bình một năm, mỗi cây rau trưởng thành cho từ ba đến năm kg lá tươi. Giá bán lá chùm ngây tại các vườn dao động từ 70 đến 100 nghìn đồng/kg. Như vậy, một cây chùm ngây mỗi năm cho thu nhập khoảng ba trăm nghìn đồng. Với hơn một ha chùm ngây (khoảng bảy đến tám nghìn cây), mỗi năm cho thu hoạch cả tỷ đồng.
Theo cách tính của các chủ vườn thì chùm ngây cho giá trị kinh tế cao. Tuy nhiên, trên thực tế chùm ngây là loại thực phẩm còn mới mẻ, lại bán với giá thành cao, không phải cơ sở nào khi đầu tư vào trồng cây chùm ngây cũng có thể bảo đảm được đầu ra cho sản phẩm. Ngay tại vườn rau hữu cơ Tuệ Viên, mặc dù có sự liên kết từ trước đó với hệ thống cửa hàng phân phối rau, nhưng khó khăn lắm đơn vị này mới có thể tiêu thụ hết sản phẩm của mình.
Ðiều lo ngại, khi nghe thông tin về giá trị kinh tế của cây chùm ngây, tại nhiều địa phương, người dân đã vội vàng mở rộng diện tích. Hậu quả, đến thời kỳ thu hoạch, sản phẩm làm ra không biết bán cho ai.
Bà Nguyễn Thị Phương Liên chia sẻ: Năm trước, thời kỳ chính vụ có ngày tôi nhận được rất nhiều cuộc điện thoại của người dân ở các tỉnh: Vĩnh Phúc, Thái Bình, Bắc Ninh... than vãn về việc sản phẩm làm ra, không có thị trường tiêu thụ. Nhiều người chở cả xe rau đến chỗ chúng tôi bắt vạ. Có người còn "dọa" nếu chúng tôi không thu mua sẽ chặt cả vườn chùm ngây.
Mặc dù ngay từ lúc cung cấp hạt giống, chúng tôi đã nói rõ là không thu mua lại sản phẩm và khuyến cáo người dân phải thận trọng trong việc sử dụng cây chùm ngây làm cây phát triển kinh tế khi chưa có thị trường tiêu thụ. Tuy nhiên, trước những "đồn thổi" về giá trị kinh tế của cây chùm ngây, người dân ở nhiều nơi vẫn "đua" nhau trồng.
Nếu cứ tiếp tục trồng tràn lan như hiện nay, tôi lo sợ cây chùm ngây sẽ bị "tẩy chay", điều này rất đáng tiếc. Bởi lẽ, chùm ngây là loại cây giàu dinh dưỡng. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và Tổ chức Nông lương thế giới (FAO) coi chùm ngây như một loại thực phẩm cứu tinh cho người nghèo.
Theo nghiên cứu của các nhà khoa học, lá và hoa chùm ngây là hai bộ phận chứa lượng vi-ta-min C cao gấp bảy lần lượng vi-ta-min C có trong quả cam; gấp bốn lần vi-ta-min A có trong cà rốt; gấp bốn lần lượng can-xi và hai lần lượng prô-tê-in của sữa; hơn ba lần lượng po-ta-si-um, ka-li của chuối...
Rễ, thân, lá, hoa của chùm ngây đều có tác dụng rất tốt cho con người, khi được chế biến thành các món ăn sẽ có tác dụng kích thích tiêu hóa, lợi tiểu, trị sỏi thận, thấp khớp, cổ trướng, kích thích tim và tuần hoàn. Ngoài ra, vỏ cây chùm ngây còn được dùng làm thuốc trị xơ tuyến tiền liệt, chống mệt mỏi...
Ở nhiều nước trên thế giới, cây chùm ngây rất được coi trọng. Chẳng hạn như ở Phi-li-pin, Ma-lai-xi-a cây chùm ngây được sử dụng để nấu cà-ri, làm trà. Ở Ấn Ðộ, chùm ngây được chế xuất thành bột làm thực phẩm chức năng... Tuy nhiên, tại Việt Nam, cây chùm ngây còn gặp nhiều khó khăn trong việc tìm kiếm thị trường trong nước.
Hiện nay, ý tưởng sản xuất ra các sản phẩm tinh chế chiết xuất từ chùm ngây, kết hợp với các loại thực phẩm khác để xuất khẩu ra nước ngoài đã hình thành ở một số nơi. Tuy nhiên, theo ông Thái Tuấn phụ trách dự án phát triển cây chùm ngây của Công ty TNHH Nông Sinh (Hà Nội), dự án trồng chùm ngây của Công ty TNHH Nông Sinh mới chỉ trồng thử nghiệm, "thăm dò" thị trường. Việc đưa cây chùm ngây trở thành một mặt hàng xuất khẩu không phải là việc dễ dàng bởi kinh phí đầu tư hệ thống máy móc phục vụ sản xuất tương đối lớn.
Trong thời gian chờ đàm phán với phía đối tác, Công ty TNHH Nông Sinh mới chỉ dùng nguyên liệu của đơn vị chứ chưa tiến hành thu mua từ bên ngoài. Khi cây chùm ngây chưa tìm được đầu ra ổn định, người nông dân cần tỉnh táo, cân nhắc việc trồng với diện tích lớn để tránh rủi ro.
Có thể bạn quan tâm

Nơi có sản lượng đạt cao là Yên Dũng, Tân Yên, Lạng Giang, Việt Yên do nông dân đầu tư mở rộng diện tích nuôi thâm canh; công tác kiểm soát chất lượng thức ăn thủy sản, giống và phòng chống dịch bệnh trên cá được chú trọng đã hạn chế rủi ro cho người chăn nuôi.

Trong những năm gần đây, ngành chăn nuôi của huyện Dầu Tiếng có tốc độ tăng trưởng cao, đóng góp khá lớn cho lĩnh vực sản xuất nông nghiệp của huyện. Cùng với việc phát huy thế mạnh chăn nuôi trong nông nghiệp, hiện Dầu Tiếng (Bình Dương) đang tập trung phát triển ngành này theo hướng công nghiệp.

Với diện tích canh tác trên 740ha; trong đó đất 2 lúa có 445ha, đất chuyên màu trên 293ha, Yên Đồng là một trong những xã có diện tích đất sản xuất nông nghiệp lớn của huyện Ý Yên (Nam Định). Triển khai chương trình hỗ trợ nông dân sản xuất rau an toàn của Hội Nông dân (HND) tỉnh từ năm 2009, HND xã đã đẩy mạnh tuyên truyền, hỗ trợ nông dân chuyển đổi hơn 150ha đất 2 lúa ở các cánh đồng thôn Cốc Dương, An Trung sang trồng rau sạch nhằm tăng giá trị thu nhập trên diện tích đất canh tác.

UBND huyện Thanh Bình (Đồng Tháp) liên kết với Trường Đại học Cần Thơ vừa tổ chức hội thảo đề tài xây dựng quy trình sản xuất ớt theo tiêu chuẩn VietGAP. Tham dự hội thảo có đại diện Trung tâm chất lượng Nông, Lâm, Thủy sản vùng 6; Trường Đại học Cần Thơ cùng một số nhà khoa học hàng đầu trong lĩnh vực nông nghiệp và gần 100 nông dân ở 5 xã cù lao và xã Bình Thành, huyện Thanh Bình.

Thời gian qua, tỉnh Vĩnh Long đã đầu tư hàng chục tỷ đồng để hỗ trợ thuốc, hướng dẫn nông dân phòng trị bệnh chổi rồng trên cây nhãn. Thế nhưng, kết quả mang lại chưa như mong muốn. Dịch bệnh cứ tái đi, tái lại làm cho nhà vườn bất an, thậm chí có nơi đã nản lòng và quyết định đốn bỏ đến gần 50% diện tích.