Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Cần Một Chỗ Đứng Mới Cho Cây Đậu Nành?

Cần Một Chỗ Đứng Mới Cho Cây Đậu Nành?
Ngày đăng: 03/04/2014

Đậu nành là cây trồng có nhiều lợi thế phát triển ở ĐBSCL nhưng làm sao để nông dân mặn mà với việc phát triển sản xuất loại cây họ đậu này đang là một câu hỏi khó dành cho nhà quản lý và nhà khoa học.

Cây đậu nành là cây thực phẩm có hiệu quả kinh tế lại dễ trồng. Hầu hết đậu nành được sử dụng nhằm đáp ứng nhu cầu tiêu dùng hàng ngày cho con người và sau đó làm thức ăn chăn nuôi. Đạm trong đậu nành chứa tới 18 loại axit amin cần thiết cho cơ thể với các tỷ lệ gần giống như ở đạm động vật, do đó có thể thay thế đạm động vật trong bữa ăn hàng ngày.

Ngoài đạm ra, đậu nành còn chứa một lượng chất béo rất cao, nhiều sinh tố và muối khoáng cần thiết cho cơ thể con người. Theo kết quả phân tích của các cơ quan y tế, trong 100g đậu nành có 37,6g protein, 27g đường, 16,5g chất béo, 244mg Ca, 6,8mg Fe, 0,89mg sinh tố B1 và 1,2mg sinh tố PP.

Sản phẩm từ cây đậu nành được sử dụng rất đa dạng như dùng trực tiếp hạt thô hoặc chế biến thành đậu hủ, ép thành dầu đậu nành, nước tương, làm bánh kẹo, sữa đậu nành,... đáp ứng nhu cầu đạm trong khẩu phần ăn hàng ngày của người cũng như gia súc.

Ngoài ra, thân và rễ cây đậu nành còn có tác dụng cải tạo đất, tăng năng suất các cây trồng khác. Việc trồng xen canh cây đậu nành vừa hạn chế được dòng đời sâu bệnh phát triển, vừa góp phần làm cho đất thêm màu mỡ, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho cả lúa và đậu nành, giúp nông dân tăng thêm thu nhập và ngành chăn nuôi có thêm nguyên liệu chế biến thức ăn chăn nuôi.

Luân canh cây đậu nành trên đất lúa nhằm bố trí canh tác hợp thời vụ, góp phần chuyển đổi cơ cấu mùa vụ, cơ cấu cây trồng trong toàn vùng theo hướng phát triển lợi thế của địa phương, tăng cường hợp tác doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm và hơn hết là ổn định sản xuất trồng trọt tăng thu nhập cho nông dân.

Một số tỉnh của vùng ĐBSCL có nhiều diện tích trồng đậu nành như An Giang, Vĩnh Long, Cần Thơ, Đồng Tháp... với diện tích lên đến hàng ngàn hecta.

Tuy có vùng nguyên liệu đậu nành phong phú và sản lượng lớn, nhưng công nghiệp chế biến đậu nành của nước ta chủ yếu chỉ ở mức sơ chế, khâu chế biến đậu nành chưa được đầu tư đúng mức, việc bán đậu nành thô không mang lại lợi nhuận cao cho người sản xuất.

Những năm gần đây, do lợi nhuận từ cây đậu nành không bằng những loại hoa màu khác, giá cả không ổn định nên những mô hình luân canh lúa-đậu nành chưa được nhân rộng.

Hơn nữa, hiện nay chưa có bộ giống đậu nành tốt cho năng suất cao, chưa bảo đảm lợi nhuận cho nông dân, chưa khuyến khích họ mở rộng diện tích.

Do đó diện tích trồng đậu nành giảm dần trong những năm gần đây. Riêng ở Vĩnh Long, diện tích trồng đậu nành giảm từ 1.604ha vào năm 2005 xuống còn 744ha vào năm 2010 và chỉ còn 310ha vào năm 2013…

Theo Bộ Nông nghiệp và PTNT, sản xuất đậu nành trong nước chỉ đáp ứng được 10% nhu cầu. Tổng kim ngạch nhập khẩu đậu nành năm 2012 lên 1.276 ngàn tấn với giá trị 755 triệu USD. Bộ Nông nghiệp và PTNT khuyến khích nông dân và tìm giải pháp phát triển luân canh cây đậu nành trên đất lúa ở ĐBSCL.

Hiện nay diện tích trồng đậu nành ở các tỉnh ĐBSCL tập trung chủ yếu ở các tỉnh Đồng Tháp, An Giang, Vĩnh Long và Cần Thơ với tổng diện tích trồng năm 2012 hơn 2.900ha.

Đậu nành ở ĐBSCL trồng được 2 vụ trong năm: Đông Xuân và Hè Thu, trong đó Hè Thu là vụ trồng chính. Phần lớn diện tích trồng lúa ở các huyện Lấp Vò, Lai Vung (Đồng Tháp), Chợ Mới (An Giang), Ô Môn (Cần Thơ) được thay thế bằng cây đậu nành trong vụ Hè Thu.

Viện Di truyền nông nghiệp đánh giá, hiệu quả kinh tế của vụ đậu nành thường cao hơn trồng lúa và bắp. Trồng đậu nành cho lợi nhuận bình quân từ 15- 20 triệu đồng/ha, trong khi đó trồng lúa lợi nhuận chỉ đạt 12,5 triệu đồng/ha.

Ngoài lợi nhuận do bán đậu, bà con nông dân còn lợi được một đợt bón phân cho vụ lúa Hè Thu sau đó do lượng đạm, phân hữu cơ mà thân, lá đậu để lại cho đất rất lớn.

Theo ông Đỗ Hữu Phương- Trưởng Phòng Chăn nuôi - Cục Chăn nuôi, dự kiến nhu cầu sử dụng thức ăn công nghiệp của Việt Nam vào năm 2015 đạt 16 triệu tấn và đạt 19 triệu tấn trong năm 2020.

Ngoài ra, nhu cầu sử dụng đậu nành để ép lấy dầu của các doanh nghiệp trong nước ngày càng lớn cùng với lộ trình giảm thuế đối với mặt hàng này về 0% là những cơ hội để các doanh nghiệp đầu tư vào Việt Nam trong thời gian tới.

Theo ông, nhu cầu đậu nành tăng mạnh do ngành công nghiệp ép dầu và chế biến thức ăn chăn nuôi tăng mạnh trong những năm gần đây.

Cục Trồng trọt định hướng phát triển cây đậu nành ở ĐBSCL tại các vùng đất có điều kiện khí hậu thích hợp, không sâu trũng và không bị ngập úng.

Đồng thời ứng dụng bộ giống mới vào sản xuất như: Đậu nành VND2, Nam Vang, ATF15-1 có khả năng chịu lũ lụt vượt trội, ĐK và VCB (do Trường Đại học Thái Nguyên nghiên cứu) có khả năng chịu hạn tốt, ngoài ra còn có 3 nhóm giống đậu nành khác ngắn ngày (70- 80 ngày), giống trung ngày (85- 90 ngày) và giống dài ngày (95- 110 ngày).

Để có thể tăng diện tích trồng đậu nành trong cả nước, đặc biệt là ở ĐBSCL, Cục Trồng trọt đã đưa ra nhiều mô hình trồng đậu nành luân canh với cây lúa, nhất là những diện tích trồng độc canh liên tục 3 vụ lúa/năm ở tỉnh An Giang, đồng thời mở rộng diện tích trồng chuyên canh và luân canh ở 2 tỉnh Đồng Tháp, Vĩnh Long.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT- Bùi Bá Bổng chỉ đạo: “Hướng tới các tỉnh ĐBSCL cần quy hoạch lại vùng lúa kém chất lượng có thể chuyển sang 2 đậu nành + 1 lúa. Các ngành liên quan hỗ trợ kỹ thuật, giống tốt, còn phía tỉnh liên kết với các doanh nghiệp tìm đầu ra cho đậu nành. Nếu đậu nành triển khai tốt, cần quy hoạch cánh đồng mẫu lớn đậu nành tại ĐBSCL”. Ngoài ra, cần phải hoàn thiện hệ thống cơ giới hóa sản xuất, xây dựng thêm nhà máy chế biến ngay vùng nguyên liệu và thu mua sản phẩm cho nông dân với giá hợp lý.

Sự hấp dẫn và thuận lợi của cây đậu nành trên đất lúa giúp ngành nông nghiệp định hướng có thể bố trí 10% diện tích lúa ĐBSCL (khoảng 150.000ha) thay lúa Hè Thu hoặc Thu Đông bằng đậu nành tại các vùng 3 vụ lúa thiếu nước tưới mùa nắng. Nâng cao tính cạnh tranh của cây đậu nành trên đất lúa trên cơ sở tăng năng suất lên 2,5 - 3,5 tấn/ha, giá thành 6.000 đồng/kg, giá bán cạnh tranh ngang với đậu ngoại nhập khoảng 12.000 - 13.000 đ/kg, nông dân lời 150% trên vốn, cao hơn so với lúa 130%.


Có thể bạn quan tâm

Lao Đao Với Trầm Hương Lao Đao Với Trầm Hương

Ngày mới xuất hiện, cây dó bầu được xem như là cơ hội làm giàu cho bao nông dân nghèo ở huyện Tân Phú (Đồng Nai), đặc biệt là ở vùng điều kiện đất đai cằn cỗi, đồi dốc khó trồng các loại cây công nghiệp khác.

30/10/2014
Phát Triển Hồ Tiêu Chưa Bền Vững Phát Triển Hồ Tiêu Chưa Bền Vững

Giá trị loại cây này cao gấp 2,6 lần cà phê, 6 lần cây chè, 3,8 lần cây điều, gấp 4 lần cây cao su. Thị phần nhập khẩu hồ tiêu Việt Nam vào châu Âu hiện chiếm 34%, châu Á 36%, châu Mỹ 20%, châu Phi 10%. Đó là thông tin tại hội nghị thường niên Hiệp hội Hồ tiêu quốc tế IPC, tổ chức tại TP HCM từ ngày 27 đến 30-10.

30/10/2014
Số Hộ Trồng Nấm Ở Huyện Tiên Lãng Giảm Mạnh Số Hộ Trồng Nấm Ở Huyện Tiên Lãng Giảm Mạnh

So với cùng kỳ năm 2013, số hộ sản xuất nấm rơm, nấm sò trên địa bàn huyện giảm nhiều. Đến nay, toàn huyện mới có hơn 30 hộ đưa nguyên liệu vào sản xuất nấm, trong đó 20 hộ sản xuất nấm sò, 12 hộ sản xuất nấm rơm. Các xã có số hộ sản xuất nấm nhiều gồm: Đoàn Lập, Quang Phục, Bạch Đằng, Kiến Thiết.

30/10/2014
Bà Rịa Vũng Tàu Khống Chế Được Bệnh Trên Cây Tiêu Bà Rịa Vũng Tàu Khống Chế Được Bệnh Trên Cây Tiêu

Trong khi nông dân ở các tỉnh khác đang vất vả đối mặt với bệnh cây tiêu chết nhanh, chết chậm (CN - CC), thậm chí nhiều hộ gia đình phải bỏ cả vườn tiêu thì tại BR - VT, từ 3 năm trở lại đây người trồng tiêu đã tìm ra nguyên nhân và có giải pháp khắc phục bệnh này khá hiệu quả.

30/10/2014
Nông Dân Kế Sách (Sóc Trăng) Khấm Khá Nhờ Trồng Nấm Rơm Nông Dân Kế Sách (Sóc Trăng) Khấm Khá Nhờ Trồng Nấm Rơm

Từ đầu năm đến nay, nông dân trong huyện đã sử dụng 450 ha diện tích rơm để trồng nấm, tập trung tại các xã: Kế Thành, Kế An, Thới An Hội, Đại Hải, Ba Trinh... Tranh thủ thời gian nông nhàn, lấy công làm lời, nhiều hộ nông dân khấm khá nhờ trồng nấm rơm.

30/10/2014