Cần Lời Giải Cho Phát Triển Cây Nha Đam

Cây nha đam phát triển phù hợp ở vùng đất cát và nắng, lại dễ trồng, đầu tư không nhiều, có thời kỳ trở thành niềm hy vọng làm giàu của người dân Tp. Phan Rang - Tháp Chàm, Ninh Thuận. Nhưng thực tế hơn 10 năm qua, về mặt hiệu quả kinh tế, cây nha đam vẫn dậm chân tại chỗ.
Nha đam dễ trồng
Được biết, cây nha đam bắt đầu được trồng ở tỉnh từ khoảng năm 2002. Đến nay, tổng diện tích nha đam toàn tỉnh trên 260 ha, tập trung chủ yếu ở 2 phường Văn Hải và Mỹ Bình (Tp.Phan Rang-Tháp Chàm).
Ông Nguyễn Văn Hiếu, Phó trưởng phòng Nông nghiệp (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết: Cây nha đam tốn ít công chăm sóc nên nếu giá bán tốt thì người dân thu lợi nhuận rất cao. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 3 cơ sở thu mua nha đam lớn, có đăng ký với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Ngoài ra, còn có hàng chục các đầu mối thu mua nhỏ để vận chuyển nha đam từ tỉnh Ninh Thuận đi TP. Hồ Chí Minh hoặc lên Đà Lạt (Lâm Đồng) tiêu thụ.
Anh Nguyễn Công Khanh, ở phường Văn Hải, cho biết: Nha đam thường trồng vào mùa mưa, sau khi trồng thường xuyên tưới nước, nhưng nước không được đọng lại. Trồng gần một năm thì thu hoạch bằng cách cắt hai bẹ của mỗi cây, cách một tháng sau cắt tiếp.
Với giá bán cho đầu mối thu mua hiện nay là 1.000 đồng/kg, thì 1ha chúng tôi có thể thu lời trên 20 triệu đồng mỗi tháng. Bà Nguyễn Thị Cơ cùng ngụ phường Văn Hải cũng nói: Giá bây giờ 700 đồng, lời ít đi chứ giai đoạn năm 2008-2009, giá nha đam là 2.000 đồng/kg. Nếu giữ được giá này thì làm giàu nhờ nha đam là chuyện bình thường.
Không có thị trường ổn định
Tuy diện tích nha đam tăng lên so với thời kỳ mới trồng, nhưng giá nha đam lại đi xuống thảm hại. Theo bà con trồng nha đam, giá có lúc cao nhất trên 2.000 đồng/kg, có khi xuống chỉ còn 300 đồng/kg. Ông Nguyễn Tin, Trưởng phòng Nông nghiệp (Sở NN-PTNT) giải thích: Cây nha đam không nằm trong quy hoạch phát triển cây trồng của tỉnh, không có thị trường tiêu thụ ổn định, lên xuống bất thường, người dân trồng nha đam tự phát, ồ ạt mà không đảm bảo đầu ra thì rất nguy.
Ông Cao Xuân Quang, chủ cơ sở thu mua nha đam lớn và lâu năm nhất tỉnh, phân tích: Thị trường tiêu thụ cây nha đam hết sức bấp bênh, ngay cả khi ký hợp đồng bán nha đam với một công ty nào đó, tôi cũng không dám bảo đảm giá cả ổn định. Do họ trả thấp, mình không thể mua của nông dân với giá cao được. Hiện nay, ông Quang ký hợp đồng thu mua của nông dân với tổng diện tích gần 10ha. Mỗi ha, ông Quang cho nông dân mượn 50 triệu đồng để họ đầu tư giống, phân bón.
Tuy nhiên, cũng như các đầu mối thu mua khác, ông Quang không đảm bảo sẽ mua hết nha đam của nông dân. Ông Nguyễn Mới, ở phường Văn Hải chia sẻ: Suốt nhiều tháng cuối năm ngoái, nông dân trồng nha đam không thể bán được do đầu mối họ không thu mua nữa. Nhìn bẹ nha đam rũ xuống vườn hết lứa này đến lứa khác mà xót. Hiện nay nhà tôi có 1ha nha đam đến kỳ thu hoạch nhưng chưa có thương lái đến mua. Đây là tình trạng chung của nhiều hộ trồng nha đam trên địa bàn thành phố.
Theo bà Bùi Thị Liên, một người trồng nha đam ở phường Mỹ Bình, thì với giá như hiện nay, trồng nha đam vẫn có lời. Tuy nhiên người trồng không dám mạo hiểm mở rộng diện tích bởi rất lo giá xuống chỉ còn vài trăm đồng/kg. Nếu có đảm bảo được đầu ra cho sản phẩm, chắc chắn cây nha đam sẽ trở thành cây trồng đem lại thu nhập khá cao cho người nông dân.
Có thể bạn quan tâm

Vụ xuân năm 2013, huyện Sơn Dương cấy được 5.328 ha lúa, trong đó có 3.274 ha lúa lai và 2.054 ha lúa thuần. Đến nay, toàn huyện đã cơ bản thu hoạch xong lúa vụ xuân và bắt tay ngay vào sản xuất vụ mùa.

Những năm qua, các ngành chức năng của TP.Tam Kỳ (Quảng Nam) đã thành công trong việc nghiên cứu đưa vào sản xuất và nuôi trồng các loại cây, con có giá trị kinh tế cao. Trong đó, đầu tư nuôi heo hướng nạc là một trong những bước đột phá .

Cùng với khẩn trương thu hoạch nốt lúa xuân còn lại, hiện bà con nông dân thành phố Tuyên Quang bắt tay vào việc làm đất, gieo mạ, đắp bờ khởi động cho một vụ mùa mới thắng lợi.

Bến Tre là một trong những địa phương thực hiện tốt việc cải tạo đàn bò hướng thịt, đạt trọng lượng lớn, tỷ lệ thịt xẻ cao, chất lượng thịt ngon... Kết quả này là nhờ công tác thụ tinh nhân tạo, lai tạo ra những giống bò có giá trị kinh tế cao. Trong đó, huyện Ba Tri được xem là địa phương đi đầu cả nước trong thực hiện lai tạo, nâng cao chất lượng đàn bò…

Trong thời điểm hiện nay, giá lợn hơi xuống thấp có nhiều trang trại, hộ nuôi lợn phải “treo chuồng”. Tuy nhiên, còn có một số trang trại, hộ dân ở xã Phúc Ninh (Yên Sơn) vẫn đang duy trì, hoặc ít nhất là chưa bị thua lỗ do có “cách nuôi lợn thời giá thấp”. Gia đình chị Đỗ Thị Tươi, thôn Khuôn Thống, xã Phúc Ninh là một điển hình.