Cần Có Qui Định Về Nuôi Cá Tra, Ai Vi Phạm Sẽ Phạt

Bên cạnh đó, việc gắn kết chặt chẽ và đảm bảo hài hòa lợi ích giữa các khâu: nuôi, thu mua, chế biến và xuất khẩu… là cần thiết.
Sáng ngày 19/9, Hiệp hội cá tra Việt Nam có cuộc làm việc với UBND TP Cần Thơ về tình hình sản xuất cá tra trong những tháng đầu năm; bàn giải pháp tháo gỡ khó khăn cho người nuôi cá tra hiện nay.
Báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thành phố Cần Thơ cho thấy, hiện nay trên địa bàn Cần Thơ có trên 800 ha nuôi cá nguyên liệu. Trong đó có 5 hợp tác xã và 1 tổ hợp tác 140 ha, 15 hộ nuôi liên kết 35 ha, 13 doanh nghiệp 192 ha, 182 hộ lẻ còn lại, số hộ nhỏ lẻ chiếm đa số.
Phát biểu tại buổi làm việc, ông Đào Anh Dũng, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ cho rằng, tình hình sản xuất và tiêu thụ cá tra vẫn hết sức khó khăn về nguồn vốn vay ngân hàng, chi phí sản xuất tăng, tiêu thụ bất ổn, chất lượng con giống khó kiểm soát.
Bên cạnh đó, vấn đề quản lý chất lượng chưa chặt chẽ, chưa mạnh tay xử lý các doanh nghiệp sử dụng hoá chất, mạ băng tăng trọng. Vì thế, cần gắn kết chặt chẽ và đảm bảo hài hòa lợi ích giữa các khâu nuôi, thu mua, chế biến và xuất khẩu, đặc biệt là có kênh thông tin chính thống dự báo nhu cầu thị trường để điều chỉnh sản lượng, tránh cung vượt cầu làm giảm giá trị…
Ông Đào Anh Dũng - Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ kiến nghị: “Sắp tới, vấn đề đầu tiên là làm sao Chính phủ sớm ban hành chính sách về nuôi và tiêu thụ cá tra. Từ đó có căn cứ để người nuôi và người chế biến phải cùng thực hiện, sai chỗ nào sẽ xử lý chỗ đó”.
Với vai trò, trách nhiệm hiệp hội, ông Nguyễn Việt Thắng, Chủ tịch Hiệp hội, đã tiếp thu các ý kiến của các đại biểu để kiện toàn bộ máy hoạt động với mục tiêu của hiệp hội là tập trung vào công tác quản lý quy hoạch, ổn định sản lượng nuôi và chế biến. Đặc biệt quan tâm nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm gắn với xây dựng thương hiệu cá tra Việt Nam.
Có thể bạn quan tâm

Vui mừng là tâm trạng của hầu hết nông dân trồng nhãn ở xã Tam Hiệp, huyện Bình Đại, tỉnh Bến Tre những ngày qua. Vui là vì vụ nghịch năm nay bà con bán được giá cao, còn mừng là vì 34 ha nhãn ở đây đã được Cơ quan Kiểm dịch thực vật thuộc Bộ Nông nghiệp Mỹ cấp mã số chuẩn bị xuất khẩu sang thị trường này.

Phong Thạnh Tây B (huyện Phước Long, tỉnh Bạc Liêu) là xã có thế mạnh về nuôi trồng thủy sản. Tuy nhiên, nguồn cung con giống tại địa phương vẫn chưa đáp ứng nhu cầu người nuôi. Do vậy, nhiều hộ đã mạnh dạn đầu tư trại sản xuất con giống để góp phần tháo gỡ khó khăn về nguồn giống. Trong số những hộ sản xuất cua giống thành công có hộ anh Ngô Minh Trang (ấp 2A, xã Phong Thạnh Tây B).

Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải giao Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và cơ quan liên quan hoàn thiện Đề án đổi mới phương thức kinh doanh nông sản nhằm phát triển nông nghiệp theo hướng hiệu quả, bền vững.

Không chỉ xuất khẩu thuỷ sản của tỉnh Cà Mau thời gian qua tạo được nhiều bước đột phá về sản lượng mà trang thiết bị, công nghệ sản xuất, chế biến cũng được đánh giá là hiện đại và ngang tầm với các nước trong khu vực. Tuy nhiên, khi nhìn vào con số chỉ có trên 40% sản phẩm thuỷ sản xuất khẩu của doanh nghiệp, công ty trong tỉnh đạt giá trị gia tăng, còn lại chủ yếu xuất khẩu hàng thô, hàng sơ chế, cho thấy giá trị con tôm hiện vẫn còn thấp so với thực tế.

Nhóm nghiên cứu Cao Ngọc Điệp, Đặng Thị Huỳnh Mai, Hà Thanh Toàn, Trường đại học Cần Thơ đã nghiên cứu ứng dụng vi khuẩn tạo chất kết tụ sinh học xử lý nước ao nuôi cá thát lát và cá rô đồng ở tỉnh Hậu Giang.